Đường dẫn truy cập

Kinh tế Việt Nam khó thoát Trung


Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 12/01/2017 tại Bắc Kinh. (Ảnh: TTXVN)
Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 12/01/2017 tại Bắc Kinh. (Ảnh: TTXVN)

Hơn phân nửa trong tổng số 15 văn kiện về “hợp tác kinh tế” mà Việt Nam vừa ký kết với Trung Quốc trong chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho thấy nền kinh tế của Việt nam càng ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc, từ lĩnh vực ngân hàng, hàng không cho đến nông nghiệp.

Theo thông cáo chung mà hai bên đưa ra trong chuyến đi của ông Trọng tới thăm Trung Quốc, Việt Nam sẽ kết nối với Trung Quốc trong khuôn khổ chương trình hợp tác kinh tế "Hai hành lang, một vành đai” và lên “phương án tổng thể xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới”. Theo phương án này, bảy tỉnh phía Bắc và 20 cửa khẩu của Việt Nam sẽ hoạt động tất bật hơn để đón lượng hàng hóa khổng lồ từ Trung Quốc. Chưa kể dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông và tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng cũng sẽ phục vụ cho mục tiêu này.

Ngoài ra, dân Việt Nam có khả năng sẽ trồng lúa Trung Quốc khi hai bên “tăng cường hợp tác trong lĩnh vực lai tạo các giống lúa.” Hơn nữa, không loại trừ khả năng Việt Nam nhận thanh toán xuất nhập khẩu của Trung Quốc bằng đồng nhân dân tệ thay vì đồng USD. Cuối cùng, ông Trọng kêu gọi các nhà đầu tư Trung Quốc xúc tiến các dự án hạ tầng tại Việt Nam.

Từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc liên tục là “đối tác thương mại lớn nhất” của Việt Nam. Năm 2015, kim ngạch song phương đạt hơn 66,6 tỷ USD; 10 tháng năm 2016 đạt 57,6 tỷ USD (tăng 5% so với cùng kỳ năm 2015). Tuy nhiên, việc Việt Nam xuất khẩu hơn 17 tỷ USD, nhập khẩu hơn 40 tỷ USD phản ánh sự mất cân bằng trong trao đổi thương mại Việt – Trung.

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, một chuyên gia về Chính trị và Bang giao Quốc tế của Đại học George Mason, đồng thời là một học giả của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quan hệ Quốc tế ở Thủ đô Hoa Thịnh Đốn (CSIS) nhận định về sự lệ thuộc về kinh tế của Việt Nam đối với Trung Quốc:

“Vấn đề kinh tế giữa Việt Nam với Trung Quốc thì nhiều người ở Việt Nam, kể cả các kinh tế gia đều phàn nàn về cán cân mậu dịch không cân bằng và lo là Việt Nam phụ thuộc rất nhiều trong tương lai với Trung Quốc.”

Theo giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam cần đa đạng hoá hơn nữa các quan hệ kinh tế quốc tế, bên cạnh mối quan hệ với Trung Quốc:

“Họ theo chính sách ngoại giao đa phương đa diện hóa, tìm cách quan hệ với các nước khác. Không có TPP (Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương) thì sức đẩy kinh tế bớt đi. Việt Nam có thể ký hiệp ước song phương với Mỹ, sử dụng những điều khoản thỏa thuận trong TPP. Đó là một giải pháp. Hoặc ký hiệp ước hợp tác với các nước Á Châu khác.”

Trung Quốc đang muốn tận dụng cơ hội Mỹ rút khỏi TPP để thúc đẩy hai hiệp định lớn khác để thay thế TPP, như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) hay Hiệp định Thương mại Tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP).

Báo Kinh tế Đô Thị trích lời tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng, nói rằng Việt Nam sẽ tăng cường quan hệ mậu dịch, xuất nhập khẩu sang thị trường Trung Quốc là tất yếu trong khi Mỹ sắp tới đây có thể tăng cường bảo hộ mậu dịch trong nước.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhận định rằng quan hệ mậu dịch giữa hai nước hiện nay chủ yếu dựa trên đồng USD, tuy nhiên, hiện đồng Nhân dân tệ (NDT) đã vào giỏ tiền tệ của IMF và đồng tiền này ngày càng mạnh. Vì vậy, trong thời gian tới, việc thanh toán xuất nhập khẩu của Trung Quốc có thể sẽ bằng đồng NDT thay vì USD.

Chương trình hợp tác kinh tế “Một vành đai, một con đường” được Việt Nam cho là tâm điểm của “chiến lược toàn diện giữa hai nước được nâng lên một tầm cao mới trong bối cảnh tình hình mới.” Nhưng trước thực tế địa lý Việt Nam và Trung Quốc “núi liền núi, sông liền sông”, giới quan sát nói rằng những gì trao đổi tại cuộc “trà đàm” kéo dài tới 80 phút giữa Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình trong tuần vừa rồi là một dấu hiệu cho thấy Việt Nam khó ‘thoát Trung’.

Nguồn: VietnamNet, Kinhtedothi

VOA Express

XS
SM
MD
LG