Đường dẫn truy cập

Giảng dạy khoa học trong các trường tiểu học tại Hoa Kỳ


Tiểu bang California của Hoa Kỳ đã phát động một chương trình mới nhằm tăng thêm số giáo viên khoa học và toán học của các trường công lập trong tiểu bang. Chương trình này bao gồm việc tài trợ cho các sinh viên đại học có nguyện vọng đi vào một trong hai ngành học vừa kể. Mục đích của tiểu bang là tăng gấp 4 lần con số giáo viên toán học và khoa học được cấp chứng chỉ hành nghề mỗi năm từ 250 lên 1 ngàn người trong vòng 4 năm tới. Dư luận Hoa Kỳø hiện đang quan tâm về việc làm thế nào để thu hút thêm nhiều giáo viên khoa học giỏi hơn và cải thiện giáo trình của môn học này, đặc biệt là ở cấp tiểu học. Trong câu chuyện “Khoa học và Đời Sống” hôm nay, Nguyễn Lê sẽ mang đến quý thính giả một số chi tiết liên quan đến vấn đề này, dựa trên tường trình của TTV đài VOA Andrew J. Baroch.

Tại Hoa Kỳ, hiện nay có gần 2 triệu giáo viên các trường tiểu học cấp một đưa 1 bài giảng về khoa học vào giáo trình hàng ngày của mình. Nhưng theo Hiệp hội Các Giáo viên Khoa học Quốc gia, tổ chức giáo viên khoa học lớn nhất nước Mỹ, thì người ta chưa dành đủ thời gian cho việc giảng dạy môn khoa học ở cấp tiểu học--tức là từ lớp mẫu giáo cho đến lớp sáu ở Hoa Kỳ. Ông Gerry Wheeler, giám đốc chấp hành của hiệp hội này, nói:

“Giáo viên tiểu học là một nhân vật độc đáo, theo cái nghĩa là bà hay ông ta, thường là bà, phải dạy nhiều môn khác nhau. Một trong những vấn đề chúng ta vấp phải ở nước Mỹ là vấn đề thời gian và sử dụng thời gian sao cho thích hợp. Người ta muốn nhồi nhét quá nhiều kiến thức vào óc của một học sinh tiểu học.”

Ông Wheeler cũng thừa nhận rằng có nhiều giáo viên tiểu học không cảm thấy thoải mái với việc giảng dạy khoa học. Ông Wheeler nói tiếp:

“Việc giảng dạy khoa học không nằm trong chương trình đào tạo của họ. Họ không được học bao nhiêu lớp về khoa học. Một số giáo viên tiểu học chỉ được theo học một khóa vỡ lòng về khoa học ở cấp đại học và rất ít khóa về khoa học khi còn ở cấp trung học. Do đó mà thường thường các giáo viên tiểu học không thích, hay nói đúng hơn là rất miễn cưỡng, khi dạy khoa học, hoặc nói chung là họ thiếu tự tin về khả năng tiếp thu và giảng dạy khoa học của mình.

Nhưng đó không phải là trường hợp phổ biến ở tất cả mọi nơi. Tình hình giảng dạy môn khoa học được Ông Wheeler mô tả là không đồng nhất, ý ông muốn nói rằng ở một vài nơi, việc giảng dạy này được thực hiện tốt, ở một vài nơi khác thì lại không tốt. Thường thường việc này tùy thuộc vào đồng lương mà chính quyền các địa phương hay các tiểu bang trả cho các giáo viên, và cũng tùy thuộc vào ngân sách mà các trường nhận được hàng năm cho việc mua sắm và bảo trì các thiết bị và vật liệu cần thiết cho việc giảng dạy khoa học, ví dụ nhu máy vi tính và kính hiển vi.

Một trường được tài trợ đầy đủ cho việc giảng dạy khoa học là Trường Tiểu học Barrett trong Quận hạt Arlington, tiểu bang Virginia. Em Baljii, một học sinh 10 tuổi đang học lớp 4 của trường này mô tả môn khoa học trong lớp của em như sau:

“Rất hào hứng và vui.”

Trường Tiểu học Barrett nổi tiếng khắp nước Mỹ về chương trình giảng dạy khoa học đặc biệt của trường, nhờ có các giáo viên như bà Susan Golden. Sau đây là lời bà Golden:

“Hiện tượng trú đông và di trú trong loài vật là một đề tài trong giáo trình của tôi.”

Bà Golden, một giáo viên mẫu giáo, giảng cho các em học sinh biết quá trình biến đổi của các con nòng nọc trở thành ếch nhái và các quả trứng nở ra gà con như thế nào. Bà nói:

“Chúng tôi thật sự bắt 1 con ếch núi của chúng ta, đặt nó vào ngăn đông lạnh, và làm cho nó đông lạnh để chứng minh cho các em học sinh thấy rằng việc này không gây tổn thương cho con ếch một chút nào cả. Trong tự nhiên, khi đi vào tình trạng trú đông, giống ếch này vẫn núp dưới các lá cây, nhưng thật ra là nó đang bị đông lạnh. Và một khi nó được ‘làm tan đá’ thì nó lại sống lại một cách bình thường.”

Mới đây, 15 học sinh lớp 4 tại Trường Tiểu học Barrett đã bỏ các hạt giống vào những cái túi plastic và treo chúng trên cửa sổ của lớp học. Mỗi buổi sáng, các em mở các túi này ra xem có gì thay đổi hay không. Ông Spencer Reisinger, một giáo viên lớp 4, hỏi em Davis:

“Em dùng loại hạt giống gì vậy, Davis?”

Em Davis đáp:

“ Thưa thầy, chúng em dùng hạt giống ngô, hạt giống đậu đốm, hạt giống cải, và hạt giống cây quì. Có bấy nhiêu đó thôi. Hạt giống đậu đốm của em đã nẩy mầm nhưng chưa thấy mọc rễ. Hạt ngô của em đã mọc rễ dài một nửa centimét. Hạt giống cây quì lúc đầu mọc rễ dài 3 centimet, bây giờ là 5 centimét. Chúng em có hai hạt giống cải và phải đo rễ của cả hai hạt.

Giáo viên Spencer Reisinger nói rằng ban giảng huấn của trường rất năng động, và giáo trình của trường làm cho việc giảng dạy biến thành một công tác rất thích thú, bởi vì chính quyền địa phương và tiểu bang rất rộng rãi trong việc tài trợ cho trường--một điều mà không phải tiểu bang nào cũng làm được. Ông Resinger giải thích:

“Nếu quý vị nhìn về phía cuối lớp học của tôi, quý vị sẽ thấy là chúng tôi có những ống đựng vật liệu được thiết kế để đi đôi với giáo trình khoa học, có thể đó là việc gieo trồng các loại hạt giống khác nhau để xem khi nào thì chúng mọc mầm, hoặc là việc ráp các mạch điện song song, hay các mạch điện nối tiếp. Tôi không thể nói là tất cả các giáo viên khoa học trên khắp nước Mỹ đều có những phương tiện như thế. Nhưng các giáo viên trong quận hạt Arlington và trong tiểu bang Virginia thì có. Chắc quý vị ai cũng hy vọng là mọi giáo viên khoa học đều được yểm trợ đầy đủ như chúng tôi trong nỗ lực tổ chức những hoạt động sáng tạo và hấp dẫn cho học sinh của chúng tôi.”

Tuy nhiên, các giáo viên khoa học tại Trường tiểu học Barrett cũng vấp phải một số khó khăn. Ông Resinger cho biết nhiều học sinh -- khoảng 80 phần trăm-- là con em những gia đình có thu nhập thấp hoặc gia đình di dân, phần lớn là người châu Mỹ la tinh và châu Á. Sau đây vẫn là lời của ông Reisinger:

“Ví dụ như trước khi tôi có thể bắt đầu giảng dạy về điện, tôi phải chắc chắn là tất cả các học sinh đều quen thuộc với điện. Dĩ nhiên là tất cả các em đều xem TV. Chúng tôi kể tên tất cả mọi thứ chạy bằng điện mà chúng tôi biết. Danh sách những thứ mà chúng tôi kể ra được thật hết sức dài. Và chúng tôi cũng suy nghĩ về chuyện đời sống của chúng ta sẽ như thế nào nếu không có điện. Tuy nhiên, từ những khởi điểm như vậy, tôi phải đề cập đến những điều cụ thể hơn và bắt đầu dùng một vài phương cách độc đáo để đi đến những từ như “electron,” vân vân. Tôi biết có trường hợp một học sinh vẫn luôn luôn dùng từ electronics, điện tử học, để chỉ electron. Em nói, “Ồ, thưa thầy, các điện tử học đang xê dịch.” Như quý vị thấy đó, ít ra em học sinh này cũng nắm được cốt lõi của vấn đề.”

Vào thời điểm này trong năm học, học sinh của nhiều lớp tại Trường Tiểu học Barrett đang ôn lại bài vở trước khi tham gia các cuộc thi cuối niên khóa. Đây là những cuộc thi có tính cách bắt buộc tại nhiều địa phương của nước Mỹ. Trong vòng 2 năm nữa, các cuộc thi này sẽ trở thành bắt buộc trên toàn quốc. Trường nào có học sinh đạt điểm thi thấp sẽ được tài trợ nhiều hơn để tuyển dụng thêm giáo viên và cải thiện việc đào tạo giáo viên. Các trường này cũng sẽ được cung cấp thêm các phương tiện khác để càng ngày càng có thêm nhiều trường tiểu học đạt thành quả tốt trong việc giảng dạy khoa học, giống như Trường Tiểu học Barrett .

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG