Đường dẫn truy cập

Hoa Kỳ lo ngại về sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc


Thứ tư vừa qua, Hạ viện Mỹ đã thông qua một tu chính án nhằm ngăn không cho Ngân hàng xuất nhập khẩu Hoa kỳ cung cấp 5 tỉ đô la bảo đảm tín dụng cho một dự án xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ở Trung quốc. Việc này diễn ra trong lúc nhiều viên chức chính phủ và chuyên gia Hoa kỳ tỏ ý lo ngại về sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung quốc và về ý định của Bắc kinh trong việc giải quyết vấn đề Đài loan. Mời quí vị theo dõi thêm một số chi tiết về những diễn tiến vừa kể trong tiết mục Nhìn Về Á Châu do Duy Ái phụ trách sau đây:

Trong thời gian gần đây, các nhà lập pháp Hoa kỳ đã có một loạt những hành động bất lợi cho Trung quốc giữa lúc nhiều viên chức chính phủ Mỹ và các chuyên gia quân sự tỏ ý lo ngại về sức mạnh ngày càng tăng của quốc gia đông dân nhất thế giới này và về ý đồ của giới lãnh đạo Bắc kinh trong việc giải quyết vấn đề Đài loan.

Hôm thứ năm, vừa qua, Ủy ban Quan hệ Quốc tế của Hạ viện Hoa kỳ đã thông qua một dự luật nhằm ngăn không cho Liên hiệp Aâu châu hủy bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Trung quốc. Lệnh cấm vận vừa kể đã được áp đặt vào năm 1989 sau khi chính quyền Cộng sản Trung quốc dùng xe tăng và binh lính đàn áp những sinh viên biểu tình đòi dân chủ ở Quảng trường Thiên an môn. Dự luật có tên Luật An ninh Đông Á 2005 (East Asia Security Act 205) do dân biểu Henry Hyde đề xuất đã được thông qua mặc dù các giới chức Liên hiệp Aâu châu cam kết rằng các kế hoạch bán vũ khí cho Bắc kinh đã được tạm gác qua một bên.

Cũng trong ngày thứ năm, các dân biểu ở Washington đã thông qua một nghị quyết nhằm ngăn không cho chính phủ của tổng thống Bush chấp thuận một kế hoạch trị giá 18 tỉ 500 triệu đô la của Công ty Dầu khí Hải dương Trung quốc nhằm sáp nhập Công ty Unocal của Mỹ. Theo nghị quyết có 398 phiếu thuận và 15 phiếu chống này, dầu lửa và khí đốt là những tài sản chiến lược và việc một công ty quốc doanh Trung quốc mua công ty Unocal sẽ phương hại tới an ninh quốc gia của Hoa kỳ.

Trước đó một ngày, Hạ viện Mỹ cũng thông qua một tu chính án của ‘Dự luật chuẩn chi ngoại viện tài khóa 2006’ để ngăn không cho Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Hoa kỳ cung cấp một khoản bảo đảm tín dụng trị giá 5 tỉ đô la dành cho dự án của công ty Westinghouse nhằm cung cấp thiết bị và kỹ thuật để xây dựng 4 nhà máy điện hạt nhân ở Trung quốc.

Theo lời người đề xuất tu chính án, dân biểu Bernard Sanders của tiểu bang Vermont, ‘thật là một việc điên rồ và nguy hiểm khi giới hữu trách Washington muốn đem tiền của người thọ thuế để trợ cấp cho Trung quốc xây nhà máy điện hạt nhân, trong khi số thâm hụt ngân sách đã lên cao tới mức kỷ lục và chính phủ phải mang một khoản nợ khổng lồ là 7 ngàn 700 tỉ đô la.’

Những hành động vừa kể của các nhà lập pháp Hoa kỳ đã diễn ra trong lúc một số nhà phân tích chiến lược ở Mỹ cho rằng mối căng thẳng giữa Washington và Bắc kinh liên quan tới vấn đề Đài loan là do các nhà lãnh đạo đảng Cộng sản Trung quốc gây ra; đặc biệt là việc quốc hội Trung quốc hồi đầu năm nay đã thông qua dự luật chống ly khai để tạo cơ sở pháp lý cho việc xâm chiếm Đài loan.

Vừa rồi là phát biểu của ông Richard Fisher, một nhà phân tích làm việc tại Trung tâm Thẩm định và Chiến lược Quốc tế ở Washington. Ông Fisher nói rằng: đây là một cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng về tính chất hợp pháp của chính phủ ở Bắc kinh; và theo ông, hiện nay chính là lúc mà thể chế dân chủ ở Đài loan đã trở thành một sự thách đố ngày càng lớn đối với sự hợp pháp của chính quyền Cộng sản Trung quốc.

Ông Fisher nói thêm rằng Trung quốc có thể cải cách và trở thành một chính phủ tự do hơn, cởi mở hơn, và có tính chất nhân bản hơn như chính phủ Đài loan. Đồng thời, họ cũng có thể tiêu diệt chính phủ ở Đài loan. Và những dấu hiệu hồi gần đây cho thấy rằng chính phủ ở Bắc kinh đã chọn việc tiêu diệt thể chế dân chủ ở Đài loan, một thể chế mà họ có thể học hỏi được rất nhiều.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia chính trị và quân sự ở Mỹ cũng cho rằng một cuộc xung đột ở eo biển Đài loan rất có thể sẽ xảy ra. Giáo sư June Teufel Dreyer của Đại học Miami cho rằng Trung quốc đã sẵn sàng.

Theo bà Dreyer, Trung quốc có khả năng xâm chiếm Đài loan và có phần chắc là họ sẽ làm như thế nếu họ cảm thấy là quyền lợi của họ sẽ không bị phương hại đáng kể.

Bà Dreyer nói thêm rằng phương pháp mà Bắc kinh muốn áp dụng hiện nay là tìm cách cô lập Đài loan cho tới mức dân chúng ở đảo quốc này cảm thấy rằng việc chống lại kế hoạch thống nhất với Trung quốc là vô ích.

Cũng theo nhận xét của giáo sư Dreyer, giới lãnh đạo Bắc kinh có thể sẽ có hành động trước khi họ đứng ra tổ chức Thế vận hội 2008.

Bà Dreyer nói rằng Bắc kinh muốn giải quyết vấn đề cho xong trước Thế vận hội vì họ không muốn Thế vận hội bị gặp trở ngại. Nhưng họ xem việc chiếm Đài loan là quan trọng hơn việc tổ chức Olympics. Mặc dầu vậy, nếu Trung quốc có thể giải quyết xong xuôi vấn đề Đài loan trong năm 2006 hoặc đầu năm 2007 thì lòng căm phẫn của mọi người sẽ nguội dần và Thế vận hội vẫn diễn ra như thường.

Tuy nhiên, ông Fisher của Trung tâm Thẩm định và Chiến lược Quốc tế, cho rằng Trung quốc sẽ rất khó lòng thu hồi tình cảm của cộng đồng quốc tế nếu họ tấn công Đài loan.

Theo lời ông Fisher, chính phủ Bắc kinh sẽ tự dối mình nếu họ tin là họ có thể vượt qua những phản ứng bất lợi của thế giới – nhữgn phản ứng có phần chắc sẽ bao gồm biện pháp cấm vận kinh tế kéo dài trong một thời gian khá lâu và sẽ mang lại những hiệu quả cực kỳ bất lợi cho sự ổn định và mối liên hệ chính trị giữa Trung quốc với cộng đồng quốc tế.

Nhiều nhà quan sát cho rằng vấn đề then chốt hiện nay là Bắc kinh nghĩ rằng Hoa kỳ sẽ can thiệp như thế nào. Tuy không có quan hệ ngoại giao với chính phủ ở Đài bắc, nhưng theo Đạo luật Quan hệ với Đài loan ban hành năm 1979, chính phủ ở Washington có bổn phận giúp cho đảo quốc này tự vệ. Các nhà lãnh đạo Hoa kỳ cũng nhiều lần cam kết sẽ trợ giúp Đài loan nếu họ bị Trung quốc tấn công. Các giới chức quốc phòng Mỹ mới đây đã tỏ ý lo ngại về khả năng quân sự của Trung quốc. Phát biểu tại một cuộc hội thảo quốc tế về vấn đề an ninh tổ chức ở Singapore hồi đầu tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Donald Rumsfeld tuyên bố rằng ‘vì hiện nay không có nước nào đe dọa Trung quốc, cho nên mọi người không thể không nêu lên nghi vấn là tại sao Trung quốc vẫn cứ gia tăng đầu tư trong lãnh vực quốc phòng, tiếp tục mua những loại vũ khí đắt tiền với số lượng lớn, và không ngừng tăng cường sức mạnh quân sự.’

Theo dự liệu, Ngũ giác đài đang chuẩn bị công bố bản báo cáo hàng năm về tình hình Trung quốc sau nhiều tháng bị trì hoãn. Giáo sư Dreyer của Đại học Miami cho biết sự trì hoãn này phát sinh từ hai chủ trương khác nhau của các chuyên gia bộ quốc phòng. Một số người muốn dùng những lời lẽ gay gắt, và một số khác thì cho rằng nên xử dụng những từ ngữ mềm mỏng hơn.



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG