Đường dẫn truy cập

Đại hội Đại biểu Quốc dân Đài Loan biểu quyết thông qua một loạt những điều khoản tu chính hiến pháp


Hôm thứ ba vừa qua, Đại hội Đại biểu Quốc dân Đài loan đã biểu quyết thông qua một loạt những điều khoản tu chính hiến pháp, trong đó có việc tự phế bỏ cơ quan từng được giao nhiệm vụ bầu chọn tổng thống này.

Các nhà quan sát tình hình Á châu cho rằng diễn tiến vừa kể sẽ mang lại những thay đổi sâu rộng trong sinh hoạt chính trị ở Đài loan và sẽ có những tác động đáng kể đối với những mối quan hệ giữa đảo quốc này với chính phủ Trung quốc. Mời quí vị theo dõi thêm chi tiết về vấn đề này trong tiết mục Nhìn Về Á Châu do Duy Ái phụ trách sau đây:

Một viên phụ tá cao cấp của tổng thống Trần Thủy Biển của Đài loan cho hay phủ tổng thống đang chuẩn bị thành lập một ủy ban đặc nhiệm để duyệt xét kế hoạch cải cách hiến pháp giai đoạn hai, sau khi giai đoạn một đã kết thúc với việc Đại hội Đại biểu Quốc dân thông qua các điều khoản tu chính hiến pháp hồi đầu tuần này. Tường thuật hôm thứ bảy của hãng thông tấn Trung ương của Đài loan trích lời ông Du Tích Khôn, Chánh văn phòng phủ tổng thống, nói rằng công tác duyệt xét sẽ được hoàn tất trong vòng một tuần lễ và ủy ban đặc nhiệm sẽ tham khảo ý kiến công chúng trước khi quyết định có nên thiết lập một ủy ban liên đảng để xúc tiến kế hoạch cải cách hiến pháp hay không.

Theo lời ông Du Tích Khôn, mục tiêu của chính phủ là có được một bản hiến pháp mới vào năm 2008, cùng một lúc với việc tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống, quốc hội và thành lập tân nội các. Các vấn đề trọng tâm của kế hoạch cải cách hiến pháp giai đoạn hai sẽ bao gồm việc thiết lập hệ thống quân dịch tình nguyện; bảo vệ nhân quyền, dân quyền và quyền của người lao động; và thăng tiến phúc lợi của những người thuộc các sắc dân thiểu số miền núi, thường được gọi là người Sơn Địa.

Ông Du Tích Khôn cho biết như thế sau khi Đại hội Đại biểu Quốc dân Đài loan hôm thứ 3 vừa qua đã biểu quyết chấp thuận một loạt những điều khoản tu chính hiến pháp, trong đó có việc tự phế bỏ cơ quan từng được giao nhiệm vụ bầu chọn tổng thống này. Tưởng cũng nên nhắc lại là Đại hội Đại biểu Quốc dân đã được thành lập dựa theo hiến pháp năm 1916 của chính phủ Trung hoa Dân quốc, với thành viên là các đại biểu các tỉnh của Trung quốc và có những nhiệm vụ chính là phê chuẩn các điều khoản tu chính hiến pháp, bãi miễn các nhân vật lãnh đạo chính phủ, và bầu chọn tổng thống cùng với phó tổng thống.

Trong một thời gian khá lâu, cơ quan này được xem là biểu tượng của kế hoạch ‘Quang phục Trung hoa lục địa’ mà chính phủ Tưởng Giới Thạch từng theo đuổi sau khi chạy sang Đài loan năm 1949. Đến năm 1991, dưới áp lực của phong trào dân chủ hóa, các đại biểu già nua trong cơ quan này đã bị buộc phải từ chức. Vào năm 2000, cơ quan này rốt cuộc đã bị giải tán, rồi lại được bầu ra hồi tháng 5 vừa qua với nhiệm vụ duy nhất là phê chuẩn những điều khoản tu chính mà Viện Lập pháp thông qua hồi tháng 8 năm ngoái, trong đó có việc phế bỏ vĩnh viễn Đại hội Đại biểu Quốc dân.

Hôm thứ ba vừa qua, đồng thời với việc tự kết liễu sinh mệnh, Đại hội Đại biểu Quốc dân đã thông qua các tu chính án quan trọng, theo đó, số đại biểu Viện Lập pháp sẽ từ con số 225 hiện nay giảm xuống chỉ còn 113, nhiệm kỳ sẽ từ 3 năm tăng lên tới 4 năm; cử tri sẽ bỏ 2 lá phiếu khi đi bầu quốc hội để chọn một đại biểu và một đảng chính trị thay vì có thể chọn nhiều đại biểu cùng một lúc như hiện nay. Bên cạnh đó, thủ tục tu chính hiến pháp cũng đã được sửa đổi với qui định là được quốc hội thông qua với đa số ba phần tư và cử tri phê chuẩn với đa số quá bán trong một cuộc trưng cầu dân ý. Ngoài ra, quyền bãi miễn tổng thống và phó tổng thống được chuyển từ Đại hội Đại biểu Quốc dân qua Viện Lập pháp với quyền quyết định tối hậu nằm ở Hội đồng Đại Pháp quan, một cơ quan tương đương với Tối cao Pháp viện của các nước khác.

Theo các nhà phân tích, những điều khoản tu chính liên quan đến chế độ tuyển cử sẽ mang lại những thay đổi sâu rộng trong sinh hoạt chính trị ở Đài loan và sẽ có lợi cho việc hình thành một hệ thống chính trị lưỡng đảng – bao gồm đảng Dân Tiến đương quyền, có chủ trương độc lập, và Quốc dân đảng đối lập, có chủ trương thống nhất với Trung quốc.

Vừa rồi là phát biểu của bà Liêu Đạt Chi, giáo sư chính trị học của Đại học Trung Sơn ở Đài loan. Bà nói rằng Đài loan có phần chắc là sẽ có hệ thống lưỡng đảng vì các đảng nhỏ sẽ khó lòng giành được thắng lợi trong các cuộc bầu cử và sẽ phải sáp nhập vào hai đảng lớn.

Một số nhà phân tích cho rằng những điều khoản tu chính liên quan tới vấn đề trưng cầu dân ý sẽ tạo thêm những yếu tố bất ổn cho mối quan hệ giữa Đài loan và Trung quốc. Tường thuật hôm thứ ba của hãng thông tấn Pháp trích lời giáo sư Ngô Tùng Diệp của Đại học Chính trị Đài loan nói rằng: xét về phương diện pháp lý, vấn đề Đài loan có nên chính thức tuyên bố độc lập hay không giờ đây có thể trở thành một vấn đề để dân chúng quyết định qua một cuộc trưng cầu dân ý, và vì thế, mối bất ổn trong quan hệ giữa Đài bắc và Bắc kinh sẽ gia tăng.

Giáo sư Ngô nói thêm rằng bất cứ một sự đề xuất và thảo luận nào tại quốc hội về vấn đề này cũng sẽ mang lại những tác động tiêu cực cho mối quan hệ xuyên eo biển Đài loan. Mặc dầu vậy, nhiều nhà quan sát cho rằng vì điều kiện để thông qua các điều khoản tu chính hiến pháp rất gắt gao cho nên giới lãnh đạo Bắc kinh giờ đây có thể an tâm hơn.

Giáo sư Liêu Đạt Chi của Đại học Trung Sơn nói rằng những tu chính án trong tương lai cần có sự chấp thuận của khoảng 8 triệu cử tri. Trong khi đó, những người đắc cử trong các cuộc bầu cử tổng thống thường là có số phiếu cao nhất, nhưng tổng thống Trần Thủy Biển chỉ có được 6 triệu phiếu trong cuộc bầu cử hồi năm ngoái.

Giáo sư Lý Tiểu Phong, giám đốc Trung tâm Giáo dục Lịch sử của Đại học Thế Tân ở Đài bắc, cũng tán đồng nhận định của bà Liêu Đạt Chi. Ông cho rằng tuy người dân Đài loan giờ đây đã có thể trực tiếp bỏ phiếu để quyết định về vấn đề tu chính hiến pháp, kể cả việc quyết định về phạm vi lãnh thổ, nhưng trên thực tế điều này không phải là một tiến bộ mà thật ra là một sự hạn chế đối với những người có chủ trương đưa vấn đề Đài loan độc lập ra quyết định trong một cuộc trưng cầu dân ý.

Theo lời ông Lý Tiểu Phong, dân chúng không có quyền đề xuất tu chính án. Quyền này vẫn còn nằm ở các thành viên của Viện Lập pháp và người dân chỉ có quyền bỏ phiếu để chấp thuận hay không chấp thuận những điều khoản được Viện Lập pháp thông qua với túc số ba phần tư.

Sau khi các điều khoản tu chính hiến pháp được Đại hội Đại biểu Quốc dân phê chuẩn hôm thứ ba, các giới chức Đài loan đã tìm cách trấn án giới lãnh đạo Trung quốc, là nước lâu nay vẫn cho rằng đảo quốc gồm 23 triệu dân theo thể chế dân chủ này là một phần của lãnh thổ Trung quốc và phải được tái thống nhất bằng vũ lực nếu cần.

Tường thuật hôm thứ tư, của nhật báo Taipei Times trích lời ông Du Tích Khôn, chánh văn phòng phủ tổng thống, nói rằng kế hoạch cải cách hiến pháp giai đoạn hai sẽ không bao gồm các vấn đề có tính chất tế nhị như chủ quyền quốc gia, quốc hiệu, ranh giới lãnh thổ, hoặc vấn đề có nên thống nhất với Trung quốc hay không.

Theo ông Du Tích Khôn, người dân Đài loan hiện nay chưa nhất trí về các vấn đề vừa kể.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG