Đường dẫn truy cập

Nhà hàng Tàu và văn hóa Mỹ


Sự chiếu cố của người Mỹ đối với món ăn Tàu đã bắt đầu từ thế kỷ thứ 19 khi hàng ngàn công nhân người Hoa được đưa tới nước Mỹ làm việc. Ngày nay thì hầu như ở bất cứ nơi nào trên nước Mỹ, từ thị trấn nhỏ cho đến các thành phố lớn đâu đâu cũng thấy các tiệm ăn Tầu và qua nhiều năm tháng, món ăn của người Hoa đã là một nhịp cầu cảm thông giữa hai nền văn hóa. Lá Thư Mỹ Quốc hôm nay mời quí thính giả nghe câu chuyện về sự chú ý của người dân Mỹ đối với các món ăn của người Hoa.

Đó là những âm thanh trong nhà bếp cuả tiệm ăn Tàu có tên là Big Wong, một trong cả ngàn nhà hàng ăn Tàu trong thành phố New York, và là một trong số hàng chục tiệm ăn Tàu chỉ nội trên con đường nhỏ trong khu phố Tàu ở thành phố này.

Trong lúc một đầu bếp đảo món thịt gà đặc biệt cùng với nước sốt trong cái chảo thật lớn trên bếp lửa hồng thì Frankie, một người thổ sinh tại New York vẫn mê thích ăn món Tàu từ thuở nào anh cũng chẳng còn nhớ, bước ra phía trước bên cạnh người tính tiền để chờ món ăn.

Tôi khoái món ăn Tàu không thể tả, và tôi đến đây hoài. Đôi khi thì tôi cũng ngồi ăn ở đây, nhưng thường thì tôi mua đem theo. Tôi không dùng muỗng nĩa đâu nhé, tôi chỉ dùng đũa thôi.

Người dân thành phố New York có thích món Tàu hay không ?

Ồ, thức ăn Tàu ngon lắm, đã vậy giá cả rất phải chăng (nói với vào trong bếp) Nói vậy nhưng đừng có mà tăng giá với tôi đấy nhé.

Những tiệm ăn Tàu đầu tiên mở ra để phục vụ cho các công nhân lưu động người Hoa đến vùng duyên hải phía tây vào giữa thế kỷ thứ 19 để đắp đường xe lửa và làm phu trong các mỏ vàng. Chẳng bao lâu ngươì dân địa phương thấy tò mò và nếm thử. Những người cai quản các nhà hàng ăn Tàu làm việc rất siêng năng, cần cù, nấu nướng cho khách những món ăn vừa có vẻ lạ lùng của phương xa lại vừa có vẻ quen thuộc. Đôi khi có những món hoàn toàn được các đầu bếp sáng chế ra sau này.

Bà Cynthia Lee là giám đốc Bảo Tàng Viện về người Hoa tại Mỹ châu ở thành phố New York. Theo bà thì chính món ăn có tên gọi là chop suey, tức là món rau thập cẩm xào với thịt và nước sốt là một thí dụ điển hình:

Món này rất mới lạ với người Mỹ. Rau, thịt thái miếng đảo lên, người ta chẳng phân biệt được trong đó có những thứ gì , cho nước sốt xào lên xong đổ lên trên đĩa cơm. Dân New York khoái ăn món này lắm. Nó mang vẻ độc đáo, lạ lùng của phương xa. Nó lại tạo cho họ cảm giác họ sành ăn, cầu kỳ, tinh tế vì đang thử một món ăn lạ.

Ấy vậy mà những món ăn Tàu do đầu bếp xào nấu cũng lại chỉ dùng đến những thứ rau cỏ, thịt cá bình thường như bắp cải, nấm chẳng hạn, chỉ khác ở cách nấu nướng mà thôi.

Cái ý tưởng cải đổi và phát minh, xử dụng những nguyên liệu quen thuộc rồi trộn chung lại nấu theo một lối khác quả là rất mới và đặc Mỹ.

Là một người mới đến một xứ sở đầy cơ hội cũng là một kinh nghiệm đặc thù của nước Mỹ. Nhưng trong hầu hết thế kỷ thứ 19 và phần lớn thế kỷ thứ 20, các di dân người Hoa đã gặp khó khăn hơn đại đa số các nhóm sắc tộc khác trong việc tiến vào dòng chính của Hoa Kỳ. Theo bà Lee cho biết thì khó khăn lớn nhất là đạo luật cấm cản người Hoa được thông qua năm 1882. Đạo luật này cấm gần hết không cho người từ Trung Quốc được di dân sang Hoa Kỳ và ngăn không cho những người Hoa đã sinh sống tại nước Mỹ được nhập tịch để trở thành công dân Mỹ, không cần biết là gia đình họ đã ở xứ sở này bao lâu.

Quí vị có thể thực sự phục vụ cho quốc gia, quí vị lớn lên ở đây và cảm thấy mình hoàn toàn là nguơiø Mỹ, thế nhưng đạo luật đó lại không công nhận quí vị là một người Mỹ, điều đó có nghĩa là gạt bỏ quí vị ra bên lề.

Bà Cyntha Lee giải thích là qui chế coi họ như người ngoại cuộc đã khiến cho nhiều doanh nhân Trung Quốc niềm nở đón nhận những người sắc tộc không thuộc dòng chính khác, đặc biệt là người Do Thái, trước kia cũng thường bị coi là những người ngoại cuộc, và người Mỹ gốc Phi châu, trước kia cũng bị các quản lý nhà hàng người da trắng kỳ thị từ chối không phục vụ.

Theo chuyện được nghe từ một người Mỹ gốc Do Thái và 1 người Mỹ gốc Phi châu trước kia kể lại thì tiệm ăn Tàu là nơi họ được phục vụ với sự tôn trọng.

Việc hạn chế di dân đã được nới lỏng trong thời thế chiến thứ hai , khi Trung Quốc trở thành đồng minh của Mỹ chống lại Nhật. Chuyến đi của tổng thống Richard Nixon đến Trung Quốc đầu thập niên 1970 không những mở đường cho việc thiết lập bang giao mà còn tạo được sự thích thú của người dân Mỹ về rất nhiều khía cạnh của nền văn hóa Trung Quốc. Ngày nay thì những nhà kinh doanh, quản trị các tiệm ăn Tàu như Frank Cheng ở tiệm ăn Ollie vẫn là những đại sứ văn hóa không chính thức.

Chúng tôi có thể giới thiệu cho họ những món ăn Tàu rất ngon,nhiều màu sắc, hương vị đậm đà, và lại kèm thêm một nụ cười rất niềm nở, tươi tắn nữa.

Và người ta có lý do chính đáng để nở một nụ cười. Bởi lẽ những di dân đến Mỹ từ những khu vực ít quen thuộc tại Trung Quốc di nhập vào Hoa Kỳ với một con số kỷ lục trong những năm gần đây, và hàng loạt những món ăn mơiù đặc biệt của từng vùng khác nhau tại Trung Quốc đã được nấu nướng cho thực khách tại các tiệm ăn Tàu mọc lên khắp nơi trên những đường phố chính của các thành phố và thị trấn của Hoa Kỳ. Và xin phép các bạn nhé, làm ơn cho tôi đôi đũa.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG