Đường dẫn truy cập

Các bộ trưởng ngoại giao ASEAN đang cân nhắc đường lối để giải quyết một cuộc khủng hoảng về lãnh đạo


Các Thông Tấn Xã AP, AFP và Reuters hôm thứ Hai cho hay Bộ trưởng ngoại giao của các nước trong Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á – ASEAN - đang cân nhắc đường lối để giải quyết một cuộc khủng hoảng về lãnh đạo, bắt nguồn từ chuyện quốc tế chống đối việc Miến Điện đảm nhận chức Chủ Tịch luân phiên của ASEAN năm tới, trong đó có thể có chuyện Miến Điện phải tự nguyện từ chối chức vụ này.

Các nhà ngoại giao của ASEAN gặp nhau để thảo luận vấn đề vừa kể trên đảo Mactan của Philippines, nơi người ta cho là Ngoại trưởng Nyan Win của Miến Điện sẽ lên tiếng bênh vực cho quyền của nước ông được đảm nhận chức vụ cao quí đó.

Vấn đề vừa kể đã gây phân hóa trong nội bộ ASEAN, với Kampuchia, Lào và Việt Nam hậu thuẫn cho quyền của Miến Điện được giữ chức chủ tịch luân phiên. Tin nói rằng Malaysia, Singapore và Philippines muốn Miến Điện trước hết phải thực hiện những cam kết cải cách chính trị được hứa hẹn từ lâu.

Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu đe dọa sẽ ngưng tài trợ cho các dự án phát triển của ASEAN và sẽ tẩy chay các phiên họp của ASEAN nếu Miến Điện được phép giữ chức Chủ Tịch này. Trung tâm điểm của vấn đề là thành tích nhân quyền yếu kém của Miến Điện do phe quân nhân lãnh đạo và việc phe quân nhân tiếp tục giam giữ hàng trăm người tranh đấu đòi cải cách chính trị, trong có lãnh tụ lực luợng tranh đấu cho dân chủ là bà Aung San Suu Kyi.

Một nhà ngoại giao Đông Nam Á thông thạo tin tức về các cuộc thảo luận cho hay các nhà ngoại giao có thể phá vỡ tình trạng bế tắc này bằng cách khích lệ Miến Điện thực hiện những cải cách chính trị đủ để làm giảm nhẹ sự chống đối nhắm vào giới lãnh đạo.

Theo nhà ngoại giao này, Miến Điện cũng có thể tình nguyện không giữ chức vụ Chủ Tịch, nhưng ông cho hay đây là một sự kiện Miến Điện khó có thể chấp nhận. ASEAN cũng có thể để cho Miến Điện đảm nhận chức vụ này vô điều kiện. Một nhà ngoại giao cấp cao của Lào, nước đang giữ chức Chủ Tịch luân phiên của ASEAN, ghi nhận sự kiện là Miến Điện khó có thể nhượng bộ, vì nhượng bộ như vậy là sẽ tạo một tiền lệ và làm suy yếu Hiệp Hội, vì Hiệp Hội sẽ bị coi như đã khuất phục trước áp lực từ bên ngoài.

Tuy nhiên Miến Điện đã gửi vài dấu hiệu cho thấy là không muốn gây khó khăn cho ASEAN về chức Chủ Tịch này và sẽ cứu xét các quan điểm của ASEAN.

Ngoại trưởng Philippines Alberto Romulo cho rằng rồi đây thế nào cũng sẽ tìm ra được một sự đồng thuận cho vấn đề. Ông cho biết sẽ lập lại lời kêu gọi Miến Điện trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi, soạn thảo một bản hiến pháp với sự đóng góp ý kiến của phe đối lập và cho phép một đặc sứ của Liên Hiệp Quốc được viếng thăm nước này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG