Đường dẫn truy cập

Ðiểm qua những tin tức và diễn biến liên quan đến tình hình phụ nữ quốc tế


Tháng ba được chọn làm tháng lịch sử phụ nữ tại Hoa Kỳ, và ngày 8 tháng 3 đã được định là ngày phụ nữ quốc tế. Minh Phượng xin dành Câu Chuyện Phụ Nữ kỳ này để điểm qua những tin tức và diễn biến liên quan đến tình hình phụ nữ quốc tế.

Các nhà lãnh đạo cuộc tranh đấu đòi bình đẳng nữ quyền khẳng định là không thể đi ngược lại cuộc cách mạng đã bắt đầu cách đây 30 năm mặc dầu những khó khăn trước mắt vô cùng to lớn.

Các nhận định vừa kể được đưa ra tại một hội nghị của Liên Hiệp Quốc nhằm đánh giá tiến bộ thế giới đã đạt được hướng đến bình đẳng giới tính. Cuộc họp trong 2 tuần từ ngày 28 tháng 2 đến ngày 11 tháng 3 do Ủy ban Liên Hiệp Quốc về tình trạng phụ nữ tổ chức để duyệt lại việc thực thi tuyên ngôn và chương trình hành động của hội nghị phụ nữ thế giới lần thứ tư tại Bắc Kinh vào năm 1995. Cuộc họp đã thu hút các đại biểu của 130 quốc gia và 6 ngàn đại diện của các tổ chức phụ nữ và nhân quyền.

Trước khi các vị bộ trưởng và các nhân vật quan trọng rời hội nghị, một buổi lễ kỷ niệm trước ngày phụ nữ quốc tế đã được tổ chức với sự hiện diện của 2 khôi nguyên giải Nobel hòa bình và các chủ tịch của 4 hội nghị của Liên Hiệp Quốc kể từ năm 1975 đã xây dựng nên phong trào phụ nữ.

Nhà hoạt động cho môi sinh của Kenya, bà Wangari Maathai, người đoạt giải Nobel hòa bình năm ngoái, nói rằng phụ nữ phải ăn mừng các thành quả của họ, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Bà kêu gọi phụ nữ chống lại nạn nghèo khó bằng cách vận động đòi xóa nợ và mở cửa thị trường và giải quyết các vấn đề thay đổi khí hậu và nạn phá rừng.

Bà Rigobertha Menchu, nhân vật Ấn Độ tranh đấu cho nhân quyền đoạt giải Nobel hòa bình năm 1992, nói rằng phụ nữ phải là một ngọn đuốc hy vọng cho những người tranh đấu chống nạn kỳ thị chủng tộc, và thiếu cơ hội kinh tế.

Trong thông điệp được thu hình gửi từ tư thất ở Phần Lan, bà Helvi Sipila, tổng thư ký hội nghị Liên Hiệp Quốc về phụ nữ lần đầu tiên ở Mexico City năm 1975, nói rằng phụ nữ đã đạt được những tiến bộ đáng kể hướng tới bình đẳng giới tính, và "mỗi ngày là một cơ hội để hành động, chứ không phải chỉ là những lời nói xuông."

Bà Gertrude Mongella, tổng thư ký hội nghị Bắc Kinh và hiện là chủ tịch Nghị viện toàn châu Phi nhắc lại rằng trong bài phát biểu cuối cùng của tại hội nghị Bắc Kinh năm 1995, bà đã nói rằng, "một cuộc cách mạng đã bắt đầu và không thể đi ngược lại cuộc cách mạng đó."

Theo bà, 10 năm sau, phụ nữ đã nổi bật hơn, bình đẳng giới tính đã trở thành một khái niệm có thể thực hiện được trên toàn thế giới, và "phụ nữ và nam giới nay được huy động để nhận thấy rằng các vấn đề phụ nữ là những vấn đề xã hội, cho dù họ có muốn hay không.

Bà Rachel Mayanja, cố vấn đặc biệt của tổng thư ký Kofi Annan về các vấn đề phụ nữ nói rằng tuy phong trào phụ nữ diễn tiến chậm chạp và không đều đặn, đã có những tiến bộ đạt được qua việc một số quốc gia đã thông qua những bộ luật bảo vệ phụ nữ. Cưỡng hiếp và bạo hành tình dục đã được thừa nhận là tội ác chiến tránh; số trẻ gái ghi danh vào cấp tiểu học đã tăng, và việc tuyển dụng phụ nữ đã có những dấu hiệu khích lệ.

Tuy nhiên, người từng giữ chức vụ này trước đây và đã đứng ra tổ chức hội nghị Liên Hiệp Quốc về phụ nữ năm 2000 là bà Angela King, nói rằng các khó khăn của 5 năm trước vẫn là những khó khăn của ngày hôm nay.

Con số phụ nữ sống trong tình trạng nghèo khó vẫn gia tăng, phụ nữ vẫn bị tụt hậu trong tiến bộ kinh tế, và hiện tượng toàn cầu hóa đang gây thiệt hại cho nhiều phụ nữ; số trường hợp bị nhiễm HIV/AIDS gia tăng trong giới phụ nữ trẻ tuổi, và số phụ nữ bị bạo hành cũng nhiều hơn trong các cuộc xung đột có vũ trang, ở trong nước, và qua tình trạng bị mua bán.

Bà King nói rằng tiến bộ chậm chạp có nhiều nguyên do, không có ngân sách dành cho các chương trình giới tính, chỉ có 4 phụ nữ làm thủ tướng của các quốc gia độc lập và sự khó khăn trong việc thay đổi thành kiến về vai trò giới hạn của phụ nữ.

Tổ chức phát triển và môi trường của phụ nữ lên án các quốc gia trên thế giới là đã làm lu mờ các hy vọng về bình đẳng giới tính được nêu lên tại Bắc Kinh.

Tổng giám đốc của tổ chức phi chính phủ này, bà June Zeitlin nói rằng tuy có đạt được vài bước tiến bộ, thế giới thiếu ý chí chính trị và bà muốn kêu gọi các chính phủ thay đổi chính sách ngay bây giờ.

Trong bài phát biểu kỷ niệm ngày 8 tháng 3, quyền cao ủy Liên Hiệp Quốc, bà Wendy Chamberlin nói rằng đây là dịp để xét lại tiến bộ và các khó khăn còn tồn tại liên quan đến bình đẳng giới tính và nữ quyền.

Bà nêu ra rằng vào lúc khai mạc hội nghị tại New York, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Kofi Annan đã nói không có công cụ phát triển nào hữu hiệu hơn là đem lại quyền cho người phụ nữ.

Dựa vào chủ đề ngày quốc tế phụ nữ năm nay là "Bình đẳng giới tính: Xây dựng một tương lai an toàn hơn," cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc đặt trọng điểm vào công tác giáo dục và lãnh đạo cho phụ nữ và các bé gái tỵ nạn. Bà Chamberlin nói rằng giáo dục là chìa khóa để chuẩn bị các em gái tự bảo vệ và quản lý đời sống của mình. Giáo dục cũng là nền tảng để các em gái hy vọng và đạt được các vị trí lãnh đạo và tham gia vào việc thực hiện các quyết định.

Quyền cao ủy Liên Hiệp Quốc cũng loan báo việc thành lập giải thưởng của cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc sẽ được trao vào tháng 6 cho 3 hoạt động toàn quốc có các hoạt động sáng tạo để thăng tiến sự tiếp cận giáo dục và lãnh đạo của phụ nữ và các trẻ gái.

Trong khi đó, rất nhiều sinh hoạt diễn ra trên khắp thế giới để đánh dấu ngày phụ nữ quốc tế, từ các cuộc thi về huấn luyện kỹ năng cho đến các cuộc hội thảo về sức khỏe phụ nữ, các hội nghị về giáo dục trẻ gái, các cuộc thảo luận về vai trò của những phụ nữ hồi hương, và ngay cả các cố gắng của nam giới trong việc làm nhẹ gánh nặng của phụ nữ.

Tại thủ đô Washington, bộ ngoại giao Hoa Kỳ đã tổ chức một hội nghị nhân ngày phụ nữ quốc tế 8 tháng 3, với sự tham dự của đệ nhất phu nhân Mỹ, bà Laura Bush và ngoại trưởng Condoleezza Rice.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ lên tiếng như sau:

"Theo ý tôi, không có cách nào hay hơn để kỷ niệm ngày phụ nữ quốc tế là tổ chức hội nghị các nhà nữ lãnh đạo các quốc gia trong vùng Trung Đông mở rộng và Bắc Phi. Trong khắp vùng này, một loạt những tiếng nói đã vang lên đòi hỏi tự do và dân chủ. Rất nhiều tiếng nói này là của phụ nữ và chúng ta gặp nhau hôm nay để gửi đi một thông điệp rõ ràng đến phụ nữ trên thế giới chưa được tự do là trong khi các bạn đứng lên tranh đấu cho nữ quyền và tự do, thì nước Mỹ cùng đứng sát cánh với các bạn."

"Phụ nữ Mỹ đoàn kết với phụ nữ trên toàn thế giới. Chúng tôi lấy làm kinh tởm trước sự tàn ác và đối xử một cách vô nhân đạo phụ nữ Afghanistan dưới chế độ Taleban. Gạt phụ nữ ra khỏi trường học và không cho họ công ăn việc làm nhắm mục đích hạ phụ nữ xuống tình trạng thấp kém vĩnh viễn. Đó là điều không thể chấp nhận được trong bất cứ xã hội nào. Nhốt trong nhà một nửa xã hội và cấm đoán họ mở mang trí tuệ và đóng góp vào sinh hoạt quốc gia há chẳng phải là một hành động thiếu khôn ngoan?"

Đó là trích đoạn bài phát biểu của đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ tại hội nghị các nhà nữ lãnh đạo của các quốc gia vùng Trung Đông mở rộng và Bắc Phi do bộ ngoại giao tổ chức nhân ngày phụ nữ quốc tế 8 tháng 3.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG