Đường dẫn truy cập

Quân đội Myanmar rút lui khi phiến quân tuyên bố kiểm soát thị trấn biên giới quan trọng


Các thành viên của lực lượng dân quân Myanmar bên kia sông Moei ở phía Myanmar, ảnh chụp từ tỉnh Mae Sot của Thái Lan vào ngày 11/4/2024.
Các thành viên của lực lượng dân quân Myanmar bên kia sông Moei ở phía Myanmar, ảnh chụp từ tỉnh Mae Sot của Thái Lan vào ngày 11/4/2024.

Khoảng 200 binh sĩ Myanmar đã rút lui đến một cây cầu dẫn sang Thái Lan hôm 11/4 sau cuộc tấn công kéo dài nhiều ngày của lực lượng kháng chiến chống chính quyền.

Lực lượng này tuyên bố đã giành quyền kiểm soát thị trấn biên giới quan trọng Myawaddy trong một chuỗi chiến thắng của phiến quân này.

Chính phủ do quân đội điều hành của Myanmar đang phải chiến đấu với quân nổi dậy trên nhiều mặt trận và đã hứng chịu một loạt thất bại ở các khu vực biên giới kể từ tháng 10 năm ngoái, khi các nhóm nổi dậy tiến hành một cuộc tấn công phối hợp gần biên giới Trung Quốc.

Quốc gia Đông Nam Á nghèo khó này đang rơi vào tình trạng hỗn loạn sau khi quân đội lật đổ chính phủ dân cử trong cuộc đảo chính năm 2021, gây ra một cuộc kháng chiến vũ trang trên toàn quốc, hiện đang có sự tham gia của một số nhóm nổi dậy thiểu số lâu đời.

“Hôm nay, lực lượng kháng chiến chung do KNU lãnh đạo đã chiếm được căn cứ quân sự còn lại ở Myawaddy,” ông Kyaw Zaw, người phát ngôn của Chính phủ Thống nhất Quốc gia Myanmar, nói với Reuters.

Tổ chức này là một chính phủ ngầm của các nhà lập pháp bị lật đổ và các nhóm chống chính quyền.

“Đây là một chiến thắng quan trọng cho cuộc cách mạng của chúng tôi vì Myawaddy là một thị trấn biên giới quan trọng đối với chính quyền, một trong những nguồn thu nhập chính từ thương mại biên giới”, ông Zaw nói.

Người phát ngôn của chính quyền Myanmar không trả lời các cuộc điện thoại yêu cầu bình luận của Reuters.

Việc rút lui của quân đội chính quyền ở Myawaddy, nơi tiếp giáp với thị trấn Mae Sot của Thái Lan, báo hiệu khả năng mất một tiền đồn thương mại biên giới quan trọng khác có đường cao tốc dẫn thẳng tới các khu vực miền trung Myanmar.

Ông Saw Taw Nee, người phát ngôn của Liên minh Quốc gia Karen (KNU), một nhóm chống chính quyền dẫn đầu cuộc tấn công vào Myawaddy, hôm 11/4 cho biết rằng khoảng 200 binh sĩ Myanmar chạy trốn đã tập trung tại một cửa khẩu biên giới sang Thái Lan.

Hãng tin Khit Thit cho biết chính quyền Thái Lan đang đàm phán với các binh sĩ để quyết định xem có cho họ tị nạn hay không.

Sang Thái Lan lánh nạn

Cuộc tấn công vào Myawaddy bắt đầu vào tuần trước sau khi KNU cho biết họ đã tấn công một trại quân sự gần thị trấn, buộc khoảng 500 nhân viên an ninh cùng với gia đình họ phải đầu hàng.

Quân đội đã mất quyền kiểm soát các khu vực dọc biên giới Myanmar với Bangladesh, Trung Quốc và Ấn Độ, đồng thời bị tổn thất đáng kể về nhân lực, khiến quân đội lần đầu tiên phải đưa ra kế hoạch cưỡng bách tòng quân.

“Tiếp theo, lực lượng kháng chiến có thể tấn công các thị trấn lớn trên khắp Myanmar”, nhà phân tích chính trị Than Soe Naing nói, đồng thời cho biết thêm rằng lực lượng kháng chiến của Myanmar kiểm soát hầu hết các trạm thương mại biên giới sau vụ tiếp quản mới nhất ở Myawaddy.

Các cửa khẩu biên giới trong khu vực đã được mở cho thường dân từ Myanmar đến Thái Lan với số lượng lớn, theo cảnh sát Borwornphop Soontornlekha, giám đốc di trú ở tỉnh Tak của Mae Sot, cho biết.

“Thông thường có khoảng 2.000 người đến Mae Sot từ Myawaddy mỗi ngày, nhưng ba ngày qua con số này lên tới gần 4.000 người một ngày,” ông Borwornphop nói với Reuters.

Các gia đình có trẻ em nằm trong số những người xếp hàng dài tại một cửa khẩu biên giới gần Mae Sot hôm 11/4, trong khi binh lính Thái Lan kiểm tra túi xách và đồ đạc của những người qua cửa khẩu.

Quân đội Thái Lan đã tăng cường an ninh ở khu vực biên giới, sử dụng xe quân đội được trang bị súng máy gắn trên nóc xe.

Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin, người trước đó nói với Reuters rằng chính quyền Myanmar đang “suy yếu” và thúc đẩy việc mở các cuộc đàm phán với chính quyền, hôm 11/4 nói rằng cuộc giao tranh gần đây không nên tràn sang không phận nước ông.

Ngoại trưởng nước này cho biết Thái Lan vẫn trung lập trong cuộc xung đột ở Myanmar và có thể tiếp nhận tới 100.000 người phải di dời từ Myanmar do tình trạng hỗn loạn.

Theo nhóm xã hội dân sự Mạng lưới Hỗ trợ Hòa bình Karen, ít nhất 2.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa ở Myanmar do đợt giao tranh mới nhất giữa phe nổi dậy và quân đội.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG