Đường dẫn truy cập

LHQ: Bạo lực tồi tệ nhất ở Myanmar kể từ khi quân đội tiếp quản làm gia tăng khủng hoảng


Các thành viên tình nguyện của lực lượng nổi dậy Karenni tại Moe Bye, bang Kayah, Myanmar, ngày 12/11/2023.
Các thành viên tình nguyện của lực lượng nổi dậy Karenni tại Moe Bye, bang Kayah, Myanmar, ngày 12/11/2023.

Xung đột leo thang và bạo lực tồi tệ nhất ở Myanmar kể từ khi quân đội tiếp quản vào năm 2021 đang có tác động tàn khốc đến nhân quyền, các quyền tự do cơ bản và nhu cầu cơ bản của hàng triệu người, cũng như “tác động lan tỏa đáng báo động” trong khu vực, các quan chức LHQ cho biết hôm 4/4.

Trợ lý Tổng thư ký về các vấn đề chính trị Khaled Khiari nói với Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc rằng “số thường dân thiệt mạng tiếp tục tăng” trong bối cảnh có những báo cáo về việc lực lượng vũ trang Myanmar ném bom bừa bãi và pháo kích của nhiều bên khác nhau.

Xung đột vũ trang trên toàn quốc ở Myanmar bắt đầu sau khi quân đội lật đổ chính phủ dân cử của bà Aung San Suu Kyi vào tháng 2/2021 và đàn áp các cuộc biểu tình bất bạo động lan rộng đòi quay trở lại chế độ dân chủ.

Hàng ngàn thanh niên phải chạy trốn vào rừng núi ở các vùng biên giới xa xôi do bị quân đội đàn áp và có lý tưởng chung với lực lượng du kích dân tộc vốn đã dày công chiến đấu hàng chục năm với quân đội để giành quyền tự chủ.

Mặc dù có lợi thế lớn về vũ khí và nhân lực nhưng quân đội vẫn chưa thể dập tắt được phong trào kháng chiến. Trong 5 tháng qua, quân đội đã bị đánh tan tác ở bang Shan phía bắc, và đang phải nhượng lại nhiều vùng lãnh thổ ở bang Rakhine phía tây cũng như đang bị tấn công ngày càng nhiều ở những nơi khác.

Nhóm kháng chiến ủng hộ dân chủ chính của Myanmar hôm 4/4 cho biết cánh vũ trang của họ đã tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào sân bay và trụ sở quân sự ở thủ đô Naypyitaw, nhưng quân đội cầm quyền nói rằng họ đã tiêu diệt các máy bay không người lái khi chúng tấn công. AP không thể xác minh độc lập hầu hết các chi tiết của vụ việc, nhưng việc quân đội thừa nhận rằng vụ việc xảy ra tại một trong những địa điểm được canh gác nghiêm ngặt nhất đất nước sẽ được nhiều người coi là dấu hiệu mới nhất cho thấy họ đang mất thế chủ động.

Ông Khiari không đề cập đến vụ tấn công nhưng cho biết Hội đồng Tư vấn Thống nhất Quốc gia – được thành lập sau khi quân đội tiếp quản năm 2021 để thúc đẩy sự trở lại của nền dân chủ và bao gồm các nhóm dân tộc, chính trị, xã hội dân sự và các nhóm kháng chiến – đã triệu tập Quốc hội Nhân dân lần thứ hai vào hôm 4/4 “để xác định rõ hơn tầm nhìn chung của họ cho tương lai Myanmar”.

Ông chỉ ra cuộc giao tranh giữa lực lượng Arakan và quân đội ở bang Rakhine, bang nghèo nhất Myanmar, mà theo ông “đã đạt đến mức độ bạo lực chưa từng có”.

Ông Khiari cho biết “Quân đội Arakan được cho là đã giành được quyền kiểm soát lãnh thổ đối với hầu hết miền trung Rakhine và đang tìm cách mở rộng sang phía bắc Rakhine”, nơi có nhiều người Hồi giáo Rohingya thiểu số vẫn sinh sống.

Người Rakhine theo Phật giáo là nhóm dân tộc đa số ở Rakhine, còn được biết đến với tên cũ là Arakan và từ lâu đã tìm kiếm quyền tự trị. Họ đã thành lập lực lượng được huấn luyện và trang bị tốt của riêng mình được gọi là Quân đội Arakan.

Các thành viên của cộng đồng thiểu số Rohingya từ lâu đã bị đàn áp ở Myanmar, nơi đa số theo Phật giáo. Khoảng 740.000 người đã trốn khỏi Myanmar đến các trại tị nạn ở Bangladesh khi quân đội phát động chiến dịch chống nổi dậy tàn bạo vào tháng 8/2017 nhằm đáp trả các cuộc tấn công ở Rakhine của một nhóm du kích tự xưng là đại diện cho người Rohingya.

Ông Khiari kêu gọi tất cả các bên ở Rakhine ủng hộ người Rohingya, những người đang bị mắc kẹt giữa cuộc xung đột và tiếp tục gặp phải “những hạn chế đáng kể” đối với quyền tự do đi lại cũng như bị từ chối quyền công dân và dễ bị bắt cóc hoặc bị ép nhập ngũ.

Ông Khiari cho biết cuộc khủng hoảng tiếp tục tràn qua biên giới và nói thêm rằng xung đột ở các khu vực biên giới trọng điểm đã làm suy yếu an ninh. Tình trạng vi phạm pháp luật đã tạo điều kiện cho các nền kinh tế bất hợp pháp phát triển mạnh, với những mạng lưới tội phạm săn lùng những người dễ bị tổn thương và không có sinh kế.

“Myanmar đã trở thành trung tâm toàn cầu về sản xuất methamphetamine và thuốc phiện, cùng với tình trạng mở rộng nhanh chóng của các hoạt động lừa đảo qua mạng toàn cầu, đặc biệt là ở các khu vực biên giới”, ông nói. “Tình trạng lúc đầu là một mối đe dọa tội phạm khu vực ở Đông Nam Á thì giờ đây trở thành một cuộc khủng hoảng buôn bán người và thương mại bất hợp pháp tràn lan với những tác động toàn cầu”.

Quan chức nhân đạo cấp cao của Liên Hiệp Quốc Lisa Doughten nói tình trạng leo thang đang diễn ra đã khiến 12,9 triệu người – gần 25% dân số Myanmar – không có đủ lương thực, đồng thời nhấn mạnh rằng trẻ em và phụ nữ mang thai phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng.

Bà Doughten cho biết hệ thống y tế cũng đang trong tình trạng hỗn loạn, cạn kiệt thuốc men. Bà kêu gọi tài trợ khẩn cấp để hỗ trợ hàng triệu người đang gặp khó khăn, và cho biết lời kêu gọi để có số tiền 887 triệu USD vào năm 2023 chỉ nhận được tài trợ 44%, khiến 1,1 triệu người bị cắt viện trợ.

Cả ông Khiari và bà Doughten đều lặp lại lời kêu gọi của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres về một phản ứng quốc tế thống nhất trước cuộc xung đột đang leo thang và đặc biệt là các nước láng giềng sử dụng ảnh hưởng của mình để mở các kênh nhân đạo, chấm dứt bạo lực và tìm kiếm một giải pháp chính trị.

Ông Khiari cho biết ông Guterres có ý định sớm bổ nhiệm một đặc phái viên mới của LHQ tại Myanmar để sớm hợp tác với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 thành viên và các bên quan trọng khác nhằm hướng tới những mục tiêu đó.

Tuy nhiên, Đại sứ Anh tại Liên hợp quốc Barbara Woodward nói với hội đồng rằng “quân đội Myanmar từ chối tham gia vào các nỗ lực quốc tế nhằm đạt được giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng”.

Nhưng bà nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ không để cho Myanmar trở thành một cuộc khủng hoảng bị lãng quên”.

Gọi Myanmar là “người bạn lâu năm và đối tác thân thiết”, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia phản đối cuộc họp, nói rằng nước này không đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế.

Ông cáo buộc các quốc gia phương Tây hỗ trợ các nhóm đối lập có vũ trang và gây bất ổn ở Rakhine cũng như các trại dành cho người di tản “nhằm thúc đẩy các mối quan tâm địa chính trị của họ trong khu vực”.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG