Đường dẫn truy cập

EuroCham: Việt Nam là ‘ngôi sao đang lên’ đối với các nhà đầu tư


Công nhân đang làm việc tại một xưởng may mặc ở Nam Định. Thị trường thu hẹp khiến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong năm 2023
Công nhân đang làm việc tại một xưởng may mặc ở Nam Định. Thị trường thu hẹp khiến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong năm 2023

Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) mới công bố kết quả một cuộc khảo sát với hơn 1.400 thành viên có tên gọi Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI), trong đó nói rằng Việt Nam là “ngôi sao đang lên” về đầu tư trên toàn cầu.

Theo EuroCham, trong quý 4 năm 2023, vị thế “điểm nóng đầu tư” của Việt Nam đã “tăng lên đáng kể”. Khoảng 62% số người được khảo sát “đã xếp hạng Việt Nam trong số 10 điểm đến đầu tư toàn cầu hàng đầu”.

Hiệp hội này cho rằng cuộc khảo sát cũng “nêu bật vị trí chiến lược” của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á, và trong khi chỉ một phần nhỏ (2%) coi Việt Nam là “nước dẫn đầu ngành”, thì con số đáng chú ý là 29% xếp Việt Nam vào danh sách “các quốc gia có sức cạnh tranh hàng đầu” trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

“Phần lớn (45%) coi Việt Nam là đối thủ cạnh tranh, mặc dù thừa nhận một số thách thức nhất định”, và rằng điều này “khẳng định tầm ảnh hưởng ngày càng tăng và tiềm năng phát triển hơn nữa của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế ASEAN”, theo kết quả khảo sát.

Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit nói hôm 5/1 trong bản công bố BCI: “Mặc dù chúng ta vẫn còn một chặng đường dài để phục hồi hoàn toàn nhưng các doanh nghiệp đang cảm thấy hy vọng hơn. Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu ngày càng lạc quan rằng thời kỳ kinh tế đầy thách thức nhất hiện đã ở phía sau chúng ta”.

Tin cho hay, BCI hàng quý cung cấp cái nhìn tổng quan về tâm lý nhà đầu tư châu Âu tại Việt Nam. Được tiến hành từ năm 2011, cuộc khảo sát này lấy ý kiến của hơn 1.400 thành viên EuroCham ở nhiều lĩnh vực khác nhau, đưa ra những quan sát theo thời gian thực về thị trường Việt Nam.

Theo EuroCham, 31% công ty có kế hoạch mở rộng lực lượng lao động trong quý 1 năm 2024 và 34% công ty có ý định tăng cường đầu tư, mức tăng rõ ràng kể từ năm 2023.

Hiệp hội này nhận định: “Những số liệu thống kê này báo hiệu động lực tăng trưởng mạnh mẽ và cơ hội khi Việt Nam bắt đầu năm 2024”.

Tuy nhiên, thông qua cuộc khảo sát, EuroCham ghi nhận 52% số người được hỏi cho rằng “gánh nặng hành chính và sự kém hiệu quả của tình trạng quan liêu” là một trong ba rào cản hàng đầu. Ngoài ra, 34% doanh nghiệp nhấn mạnh “các quy tắc và quy định không rõ ràng, được diễn giải khác nhau” cũng là một thách thức lớn, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của sự rõ ràng và nhất quán trong khuôn khổ pháp lý.

Thêm nữa, theo EuroCham, 20% cho rằng tình trạng thiếu nhân công có chuyên môn địa phương trong các lĩnh vực chuyên ngành cũng là một vấn đề quan trọng cần được giải quyết.

Tổng cục Thống kê Việt Nam (TCTK) hôm 9/1 cho biết rằng tính tới 20/12/2023, vốn đầu tư nước ngoài thực hiện ước tính đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm trước.

Theo TCTK, về vốn đầu tư đăng ký, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 23,5 tỷ USD, chiếm 64,2% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 39,9% so với năm trước.

Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 4,67 tỷ USD, chiếm hơn 12,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 4,8% so với năm trước. Các ngành sản xuất, phân phối điện; tài chính ngân hàng xếp thứ 3 và 4 với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt hơn 2,37 tỷ USD (tăng 4,9%) và gần 1,56 tỷ USD (gấp gần 27 lần). Còn lại là các ngành khác.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG