Đường dẫn truy cập

Bộ Nội vụ Anh: Nước Việt Nam cộng sản không an toàn cho một số di dân lậu nếu họ bị trả về


Thủ tướng Anh Rishi Sunak muốn mạnh tay đối với những di dân lậu vượt biển bằng thuyền nhỏ, bao gồm cả người Việt.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak muốn mạnh tay đối với những di dân lậu vượt biển bằng thuyền nhỏ, bao gồm cả người Việt.

Thủ tướng Vương quốc Anh Rishi Sunak đề xuất rằng có thể trả lại Việt Nam thêm nhiều di dân đã đến Anh bằng thuyền nhỏ, nhưng đề xuất này vấp phải trở ngại lớn khi các luật sư của chính phủ Anh mô tả Việt Nam là đất nước “không an toàn” để thực hiện việc trục xuất, báo Daily Mail đưa tin hôm 29/4.

Theo Daily Mail, ông Sunak muốn ngăn chặn tình trạng số lượng người Việt Nam đến Anh tăng vọt bằng cách đi đến một thỏa thuận về hồi hương tương tự như bản thỏa thuận đã dẫn đến mức giảm sâu về di dân Albania.

Nhưng các luật sư của Bộ Nội vụ Anh mới đây nói với các bộ trưởng rằng Việt Nam “không đáp ứng được các tiêu chí về một quốc gia an toàn”, Daily Mail tường thuật.

Các viên cố vấn pháp lý của bộ cảnh báo rằng một số cá nhân “thực sự có nguy cơ” bị áp bức tại đất nước có chính phủ cộng sản này.

Họ nói rằng chế độ cầm quyền không dung thứ việc phản đối trên công luận về tình hình nhân quyền của Việt Nam và bất kỳ sự chỉ trích công khai nào đối với nhà nước đều có thể dẫn đến việc bị theo dõi, giám sát. Các quan chức về pháp lý tại Bộ Nội vụ Anh cho rằng những người biểu tình chống chính phủ, một số nhóm tôn giáo, các nhà hoạt động nhân quyền và nhà báo sẽ gặp nguy hiểm nhiều nhất, vẫn bài báo của Daily Mail cho hay.

Do đó, Bộ Nội vụ sẽ không thể đưa Việt Nam vào danh sách các nước an toàn và không thể xếp các đơn xin tị nạn của người Việt vào diện “không được chấp nhận” theo luật mới được thông qua năm ngoái.

Khoảng 1.266 di dân người Việt đã đến Anh từ ngày 1/1 đến 21/4, chiếm 1/5 tổng số người vượt biển bằng thuyền nhỏ – tăng mạnh so với con số 125 người trong cùng kỳ năm ngoái.

Nói về số người vượt biển tăng vọt tính từ đầu năm đến nay, Thủ tướng Anh Sunak nói với Sky News vào cuối tuần trước: “Gần như toàn bộ mức tăng đó đến từ một nước, đó là Việt Nam. Năm ngoái, chúng tôi đã giải quyết vấn đề di dân bất hợp pháp từ Albania – chúng tôi đã trả lại hàng nghìn người và thấy con số này giảm xuống. Điều đó cho ta thấy rằng các biện pháp ngăn chặn có hiệu quả đấy chứ. Chúng tôi cũng sẽ có thể làm được điều đó với người Việt”.

Thỏa thuận của chính phủ Anh với chính quyền của Albania vào cuối năm 2022 đã đơn giản hóa việc hồi hương những người Albania đến Anh bằng thuyền nhỏ. Vào năm 2022, 12.600 người đã vượt biển. Năm ngoái, chưa tới 1.000 người làm như vậy và từ đầu năm 2024 đến nay chỉ có 20 người.

Daily Mail dẫn dữ liệu của Bộ Nội vụ cho thấy với các thỏa thuận hiện thời giữa Anh và Việt Nam, chỉ có 8 người bị buộc phải hồi hương về Việt Nam trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 năm ngoái.

Bài báo hôm 29/4 của Daily Mail trích lời một phát ngôn viên của chính phủ Anh nói: “Việt Nam là nước an toàn cho việc hồi hương tự nguyện và bắt buộc và chúng tôi đã có một thỏa thuận về hồi hương rất chặt chẽ kể từ năm 2004. Đầu tháng này, hai nước đã ký tuyên bố chung với các bước tiếp theo rõ ràng nhằm ngăn chặn việc vượt biển bằng thuyền nhỏ vừa bất hợp pháp vừa rất nguy hiểm”.

VOA liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị họ cho biết phản ứng về những nhận xét của Bộ Nội vụ và chính phủ Anh nhưng chưa có hồi đáp.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG