Đường dẫn truy cập

Việt Nam ‘tăng cường quan hệ’ với Campuchia trước ảnh hưởng của Trung Quốc


Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc gặp Thủ tướng Campuchia Hun Sen (trái) tại Hà Nội vào ngày 4/10/2020.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc gặp Thủ tướng Campuchia Hun Sen (trái) tại Hà Nội vào ngày 4/10/2020.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Campuchia hôm 24/11 có cuộc điện đàm nhằm “thảo luận về các phương thức và biện pháp thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương” giữa bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng có nhiều ảnh hưởng lên Campuchia và Lào, hai quốc gia láng giềng thân cận của Việt Nam.

Theo Bộ Ngoại giao Campuchia, Thủ tướng Hun Sen chúc mừng Việt Nam về kết quả thành công của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị cấp cao liên quan, đặc biệt là việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

“Hai nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng về những tiến triển quan trọng của quan hệ hợp tác toàn diện Campuchia - Việt Nam trong những năm gần đây và nhất trí làm sâu sắc và mở rộng hơn nữa mối quan hệ gắn bó hiện có trên tinh thần ‘láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện và ổn định lâu dài’”, báo Khmer Times dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao nước này cho biết.

Tại cuộc điện đàm, lãnh đạo hai bên cũng đồng ý giải quyết các vấn đề phát sinh “trên tinh thần hữu nghị và hợp tác”, trong đó có việc tiếp tục thực hiện công tác phân giới, cắm mốc biên giới khu vực còn lại giữa hai nước.

Vào tháng 8 vừa qua, Việt Nam và Campuchia đã tiến hành giao nhận bản đồ địa hình biên giới tỷ lệ 1/25.000 tại cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Tây Ninh. Đây là kết quả của công tác phân giới cắm mốc 84% đường biên giới trên đất liên giữa Việt Nam và Campuchia kể từ năm 2006.

Thời gian gần đây, giới phân tích quốc tế nhận định rằng mối quan hệ giữa Việt Nam với Lào và Campuchia đang bị tác động đáng kể bởi tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

“Hà Nội không còn trông chờ vào Campuchia và Lào, đặc biệt là trong các vấn đề an ninh quốc gia”, EurAsian Times đưa ra nhận định hôm 24/11.

Với thực tế Trung Quốc là nhà tài trợ lớn nhất và cũng là nhà đầu tư, đối tác thương mại hàng đầu của Campuchia, một số người tin rằng Phnom Penh đã từ bỏ chủ quyền ở một số khu vực do các thỏa thuận từ Sáng kiến Vành đai và Con đường mà Bắc Kinh đưa ra, đặc biệt là tại các đặc khu kinh tế do Trung Quốc sở hữu.

Ngoài ra, thông tin về việc Trung Quốc có khả năng kiểm soát một số căn cứ quân sự của Campuchia cũng là một mối đe doạ với Việt Nam nếu xảy ra xung đột về chủ quyền trên Biển Đông.

Khi được hỏi về vấn đề này tại cuộc họp báo ngày 19/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định “Việt Nam luôn coi trọng và dành ưu tiên cao cho quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện và bền vững lâu dài với Campuchia”, và quan hệ giữa hai nước đã “phát triển rất tích cực” trong thời gian qua.

VOA Express

XS
SM
MD
LG