Đường dẫn truy cập

Nhà hoạt động Thạch Soong tới Mỹ sau hơn 37 năm lánh nạn


Ông Thạch Soong và gia đình tại một khách sạn ở thành phố Portland, Oregon, ngày 3/12/2022. Photo by Nguyen Thi Thanh Tam.
Ông Thạch Soong và gia đình tại một khách sạn ở thành phố Portland, Oregon, ngày 3/12/2022. Photo by Nguyen Thi Thanh Tam.

Sau gần bốn thập niên lánh nạn chạy khỏi Việt Nam, một nhà hoạt động cho tự do của người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long, vừa đến Hoa Kỳ định cư, một chặng đường mà các tổ chức quốc tế và các quốc gia đón nhận người tị nạn chưa từng nghĩ đến.

Ông đặt chân đến Mỹ vào đầu tháng 12 để bắt đầu cuộc sống mới “tự do” tại vùng đất mà ông đã mong đợi từ lâu. Ông Thạch Soong nói với VOA Tiếng Việt vài ngày sau khi đến thành phố Portland, bang Oregon, miền tây Hoa Kỳ.

“Tôi rất vui mừng, rất phấn khởi khi được đến bến bờ tự do ở đất nước Hoa Kỳ. Gia đình tôi rất mừng”.

Trước khi trốn sang Campuchia và Thái Lan nhiều năm trước, ông Thạch Soong và gia đình được cho là bị chính quyền Việt Nam “đàn áp” vì vận động cho tự do tôn giáo tại quê hương của mình, nơi có đông đảo người Khmer Krom.

Chính quyền Việt Nam cho rằng những người thuộc tổ chức Khmer Krom có ý đồ thành lập “nhà nước Khmer Krom” tại các tỉnh Tây Nam Bộ, với “thủ đoạn gây hận thù” trong đồng bào Khmer, “kích động chống đối cực đoan, tiến hành các hoạt động đòi ly khai, tự trị”. Tuy nhiên, các nhà hoạt động Khmer Krom bác bỏ cáo buộc này.

Ông Thạch Soong chia sẻ với VOA:

“Trong thập niên 80-90, tôi hoạt động đấu tranh cho tự do tôn giáo và nhân quyền của Khmer Krom”.

Ông kể lại giai đoạn khó khăn nhất trong đời ông khi không thể sinh sống được trên chính quê hương nơi mình được sinh ra ở tỉnh Sóc Trăng.

Ông nói:

“Vào năm 1985, tôi bị bắt và bị giam tại huyện Long Phú khoảng một tháng. Sau khi thả tôi về họ vẫn theo dõi sát tôi. Tôi không thể ở trong địa phương mà phải bỏ nhà ra đi. Tôi đến tỉnh Bạc Liêu một vài năm, nhưng cũng không sống được nên đi Cà Mau. Không sống được ở đó vì sợ bị bắt nữa nên tôi chạy qua huyện Tri Tôn [tỉnh An Giang]. Và vẫn không thể sống ở đó được nữa vì họ cứ quần bắt những người đấu tranh nên tôi chạy qua Campuchia vào năm 2001”.

Sau khi sang Campuchia ông bị ở tù một thời gian do tiếp tục tranh đấu cho người Khmer Krom. Sau khi mãn hạn tù, ông cáo buộc rằng ông lại tiếp tục bị an ninh cả hai nước Campuchia – Việt Nam theo dõi: “Điệp viên của Cộng sản Việt Nam cùng phối hợp với Campuchia đã theo dõi tôi sát nên tôi không thể sống ở Campuchia được nữa cho nên tôi phải chạy sang Thái Lan vào năm 2004.”

Ông Thạch Soong, 63 tuổi, và gia đình đến thành phố Portland của Hoa Kỳ hôm 1/12, sau 37 năm tìm kiếm tự do, trong đó có 18 năm sống “bất hợp pháp” tại Thái Lan, đất nước không tham gia vào công ước LHQ về người tị nạn.

Vì là những người cư trú bất hợp pháp, ông và gia đình bị chính quyền Thái Lan phạt gần 4.000 đôla, sau đó giảm còn khoảng 2.600 đôla vì hoàn cảnh khó khăn, rồi mới được cho đi định cư tại Hoa Kỳ theo chương trình tị nạn của Cao ủy Tị nạn LHQ (UNHCR), ông Thạch Soong cho biết thêm.

Hòa thượng Son Yoeng Ratana, tại chùa Wat Khemara Rainsy ở San Jose, California, là trưởng ban thông tin của Liên đoàn Khmer Kampuchea Krom (KKF), một tổ chức vận động cho tự do của người Khmer Krom, trao đổi với VOA Khmer về việc ông Thạch Soong và gia định được đến Mỹ tị nạn:

“Ông Thạch Soong và gia đình đến được Hoa Kỳ nhờ các tổ chức (tị nạn) và nhờ chính phủ Hoa Kỳ đã công nhận ông là người tị nạn. Ông đã là người tị nạn ở thành phố Bangkok trong một thời gian dài”.

Ông Son nói rằng nhiều người Khmer Krom tị nạn bị chính quyền Việt Nam đàn áp vì vận động cho nhân quyền, tự do tôn giáo, tranh chấp đất đai và nhà cửa.

Nhiều người trong số những người tị nạn gặp khó khăn này đã chạy trốn khỏi quê hương của họ sang Campuchia và cuối cùng là Thái Lan, xin tị nạn ở các lãnh thổ độc lập hoặc các nước thứ ba như Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu.

Ông Son kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các tổ chức phụ trách người tị nạn tại Bangkok và tại Geneva, Thụy Sĩ, hay chính phủ Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu hãy can thiệp để đưa những người Khmer Krom tị nạn ở Bangkok sang sinh sống ở một đất nước tự do vì “rằng họ không thể trở lại Kampuchea Krom, hay một số người Khmer Krom tị nạn đã trốn sang Campuchia rồi trốn sang Thái Lan nhưng không thể quay về nước được”.

Một thành viên của KKF xác nhận với VOA Khmer rằng hiện có khoảng 205 người Khmer Krom đang sinh sống tại Thái Lan và đang xin quy chế tị nạn với UNHCR sau khi trốn khỏi Việt Nam.

Chính quyền Việt Nam xem KKF là tổ chức “phản động”, cho rằng tổ chức này thực hiện các hoạt động tuyên truyền, “xuyên tạc, vu cáo chống phá” chính quyền Việt Nam.

Từ Thái Lan, ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách khu vực Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), chúc mừng ông Thạch Soong và gia đình đã đến được đất nước Hoa Kỳ, nơi mà ông cho là một tin vui đối với ông và gia đình, sau nhiều năm dài kiên trì.

Ông Robertson cho VOA Khmer biết: “Ông ấy đã trải qua giai đoạn khó khăn với nhiều thử thách và thất bại. Những câu chuyện này minh họa cho những khó khăn đối với người Khmer-Krom trong việc giành được quy chế tị nạn và cho phép họ tìm kiếm sự bảo vệ từ các nước thứ ba”.

Trong những năm gần đây, chính phủ Thái Lan đã gia tăng các rào cản đối với những người xin tị nạn và người tị nạn. “Xu hướng mới này phản ánh mối lo ngại mạnh mẽ về mối quan hệ và hợp tác ngày càng tăng giữa Việt Nam, Campuchia và chính phủ Thái Lan, khiến các nhà hoạt động Khmer Krom ở Thái Lan ngày càng khó sinh sống an toàn”, ông Robertson nói.

Phil Robertson kêu gọi Hoa Kỳ giúp cải thiện tình hình: “Hoa Kỳ nên nỗ lực gấp đôi để hỗ trợ người Khmer Krom, những người tiếp tục bị chính quyền ở khu vực miền nam Việt Nam phân biệt chủng tộc và tôn giáo.

Chính phủ dưới sự cai trị độc đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam hạn chế nghiêm trọng quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do hội họp ôn hòa, tự do đi lại và tự do tôn giáo. Tuy nhiên, chính quyền Việt Nam luôn phủ nhận các cáo buộc này.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG