Đường dẫn truy cập

Người dân Brazil sợ ‘chết đói hơn dịch bệnh’


Phu đào mộ đang chôn cất các nạn nhân Covid-19 ở nghĩa trang Vila Formosa ở ngoại ô Sao Paulo
Phu đào mộ đang chôn cất các nạn nhân Covid-19 ở nghĩa trang Vila Formosa ở ngoại ô Sao Paulo

Nhu cầu đi làm kiếm tiền của dân chúng cộng với thái độ coi thường dịch bệnh của Tổng thống Brazil khiến nhiều người dân nước này phớt lờ lệnh ở nhà dù virus corona đang lan tràn dữ dội, một Việt kiều đang sống ở Sao Paulo nói với VOA.

Chỉ trong một thời gian ngắn, Brazil đã tăng tốc trở thành vùng dịch Covid-19 lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ, tính về số lượng người nhiễm bệnh, với hơn 420.000 ca nhiễm tính đến ngày 28/5.

Số lượng người chết ở quốc gia Nam Mỹ này cũng tăng vọt và hiện đã vượt qua 26.000 người, là ổ dịch chết chóc thứ 6 thế giới. Gần đây, có ngày Brazil ghi nhận hơn một ngàn người chết và có lúc số tử vong trong ngày của Brazil cao hơn Mỹ vốn là nước có số người chết vì COVID cao nhất hiện nay.

‘Bắt đầu thấy sợ’

VOA đã liên lạc với anh Võ Thiện Tài, 40 tuổi, hiện là chủ nhà hàng Việt Nam Miss Saigon ở Sao Paulo, thành phố lớn nhất Brazil, để tìm hiểu về tình hình chống dịch ở nước này. Anh Tài sinh ra và lớn lên ở Brazil sau khi cha mẹ anh vượt biên khỏi Việt Nam vào năm 1979 và được tàu của Brazil cứu đưa về định cư ở nước này cho tới nay.

Anh Tài cho biết với tình hình dịch đang diễn biến theo chiều hướng xấu ở Brazil thì ‘trong tuần này người dân đã bắt đầu sợ hơn’. “Người dân đã bắt đầu đeo khẩu trang rất nhiều, lúc trước chỉ có 5 trên 10 người xài, bây giờ thì khoảng 8 người xài,” anh nói.

“Trước đây, Chính phủ có đưa lệnh ra nếu mà không xài khẩu trang thì phải về nhà hay bị phạt nhưng mà người dân vẫn không sợ họ vẫn tiếp tục ra ngoài đường không xài khẩu trang,” anh Tài nói với VOA.

Theo lời chủ nhà hàng này thì đến giờ ‘chưa thấy có ai bị phạt vì không đeo khẩu trang’ mà ‘chỉ có cảnh sát thấy đám đông tụ tập thì đến giải tán thôi’.

Tuy nhiên, thị trường khẩu trang ở Brazil trong vòng một tháng rưỡi qua ‘rất khan hiếm’, anh Tài cho biết, và nhiều người phải lấy vải tự may khẩu trang cho mình và bán cho những người xung quanh.

Về tình hình giãn cách xã hội ở Brazil theo lệnh của chính quyền các bang, anh nói ‘người dân Brazil vẫn ra đường bình thường, chỉ có vắng hơn chút xíu thôi’.

“Hôm bữa chính phủ dồn mấy ngày nghỉ lễ tháng sau lên cho dân nghỉ trước nhưng mà dân họ đa phần đâu có ở nhà đâu,” anh cho biết. “Có nhiều người chạy xuống biển, đi về quê, hoặc là đi du lịch ở chỗ này chỗ kia trong nước.”

Anh dẫn ra số liệu thống kế trên báo chí Brazil cho biết ‘chỉ có 54% người dân Brazil chịu ở trong nhà trong kỳ nghỉ lễ trong khi chính phủ đặt mục tiêu là đạt đến tỷ lệ 70%’.

Anh cũng cho biết là việc xét nghiệm virus corona hiện đang rất thiếu thốn và đắt đỏ.

“Có ít chỗ để xét nghiệm, với lại bị tính tiền riêng, khoảng từ 300-600 real (55-110 đô la Mỹ) cho mỗi xét nghiệm,” anh nói. “Đa phần người dân không có tiền để trả tiền xét nghiệm.”

Do đó, theo lời anh thì ở Brazil hiện nay ‘có rất nhiều người bệnh mà không biết, vì không được xét nghiệm’.

Trong tình hình số bệnh nhân tăng vọt mỗi ngày như hiện nay, anh Tài cho biết các bệnh viện ở Sao Paulo vẫn còn thừa công suất trong khi một số địa phương khác đã gần như quá tải.

“Các phu đào mộ phải làm hết sức, làm cho lẹ để chôn xác vì xác đến rất nhiều,” anh nói.

Tổng thống ‘mờ mắt’

Về tinh thần chống dịch của chính phủ Tổng thống Jair Bolsonaro, anh Tài đánh giá là ‘không tốt’.

“Tổng thống Ba Tây đã nói là bệnh này chỉ giống như bệnh cảm cúm chút xíu thôi, thành ra không làm được tấm gương cho người dân ở nhà. Ông ấy cũng không nói người dân nên ở nhà nên người dân Ba Tây tưởng là bệnh bình thường thôi,” anh lý giải.

“Ông ấy (Bolsonaro) giống như đang bị mờ mắt vì không biết hướng nào phải đi,” anh nói và đưa ra dẫn chứng Tổng thống Bolsonaro liên tục sa thải các Bộ trưởng Y tế vì bất đồng quan điểm trong cách chống dịch.

“Tổng thống không cho phép phong tỏa theo đề nghị của các Bộ trưởng khi thấy số người chết tăng lên,” anh cho biết. “Các Bộ trưởng nói rằng người dân phải ở nhà đã bị Tổng thống đuổi.”

Ngoài ra, một điều bất đồng nữa giữa ông Bolsonaro với giới chức y tế Brazil là ông kêu gọi dùng thuốc chống sốt rét hydoxychloroquine để ngăn ngừa và chữa trị Covid-19 nhưng các quan chức y tế không đồng ý vì thuốc này vẫn đang được thử nghiệm chưa biết hiệu quả như thế nào, anh Tài nói thêm.

“Hiện giờ người dân có thể ra nhà thuốc hỏi mua hydoxychloroquine thoải mái,” anh cho biết và nói rằng điều này dẫn đến tình trạng khan hiếm loại thuốc này khiến nhiều bệnh nhân mắc các chứng bệnh khác ‘mua không được’.

Theo lời anh, ông Bolsonaro ‘đang bận tâm lệnh ở nhà sẽ làm nền kinh tế Brazil ngưng trệ’ vì ông biết rằng ‘chính phủ không có tiền để giúp đỡ người dân lâu dài’.

“Chính phủ nói nếu ai cũng ở nhà hết thì làm ăn kinh tế bắt đầu ngưng lại, không có ai phát triển, không có thuế má,” anh nói.

‘Cuộc sống khó khăn’

Theo lời anh, dịch bệnh đã làm cho đời sống kinh tế của người dân Brazil ‘khó khăn nhất trong nhiều năm gần đây’ và thậm chí còn khổ hơn thời khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi năm 2008.

Anh cho biết hiện giờ ở Brazil người thất nghiệp rất nhiều do bị hãng xưởng sa thải vì chủ hãng xưởng không muốn phải trả lương cho công nhân để họ ở nhà tránh dịch theo yêu cầu của chính phủ mặc dù số tiền này sau này được chính phủ hứa sẽ hoàn lại.

“Rất nhiều công ty đuổi công nhân để họ lãnh tiền thất nghiệp,” anh dẫn số liệu của chính phủ cho biết tính đến ngày 30/4 tỷ lệ thất nghiệp của Brazil đã là 12% và sẽ còn tiếp tục tăng lên vì ‘các hãng vẫn đang tiếp tục đuổi người’ trong khi ‘không có ai thuê mướn gì cả’.

Hiện tại những người bị đuổi việc ngang sẽ được chủ sử dụng lao động bồi thường theo luật Brazil là 50% lương tháng, nhưng số tiền này khi chuyển khoản đến nhà băng thì nhà băng sẽ giữ lại 10% và đến tay người bị đuổi việc chỉ còn 40%, theo lời anh.

“Ai mà làm lâu năm như 5-6 năm thì khi bị đuổi sẽ nhận được tiền bồi thường cho 5-6 tháng lương thì họ vẫn còn có tiền để sống trong mùa dịch,” anh cho biết. Ngoài ra, những người thất nghiệp còn được hưởng tiền trợ cấp của chính phủ là 622 real (115 đô la) một tháng trả trong vòng 2-3 tháng.

“Số tiền này chỉ đủ để mua thức ăn và trả tiền mướn nhà thôi chứ không có tiền cho con đi học hay đi bệnh viện,” anh nói thêm.

“Mấy công nhân làm không lâu thì không lãnh được bao nhiêu từ công ty mà chỉ lãnh được tiền trợ cấp của chính phủ,” anh cho biết. “Nhưng số tiền đó sắp hết rồi sau 2 tháng. Tới giờ chính phủ đâu có nói sẽ giúp thêm nữa đâu.”

Hiện giờ, theo lời anh, ở Sao Paulo đã có một số tổ chức và cá nhân phát đồ tự thiện như thức ăn, quần áo để ‘người dân không chết đói’.

Các hãng xưởng nào không sa thải công nhân cũng phải cho công nhân nghỉ ở nhà tránh dịch trong 2-3 tháng và trả cho họ khoảng 70% lương. Số tiền này sẽ được nhà nước hoàn lại sau cho các doanh nghiệp.

Về sự trợ giúp cho các doanh nghiệp, anh nói: “Nếu anh muốn mượn tiền để bỏ vô làm ăn thì chính phủ nói là phải theo điều lệ, trong đó điều lệ thứ nhất là không được nợ thuế má. Nhưng ở Ba Tây thì hãng xưởng nào cũng đang nợ tiền thuế nhà nước.”

“Rốt cục sự giúp đỡ mà chính phủ nói thì các hãng xưởng không có hưởng được,” anh nói.

Anh cho biết trong tình hình khó khăn như vậy thì rất nhiều người đang làm việc cho các hãng xưởng như sản xuất xe cộ, ổ khóa, túi xách… – vốn thuộc dạng không thiết yếu nên bị buộc phải đóng cửa theo lệnh các tiểu bang – bắt buộc phải ở nhà trong khi họ ‘muốn làm việc để kiếm tiền’.

Anh nói trong một phóng sự phát trên truyền hình địa phương, có người còn nói rằng thà họ đi làm dù có dính virus corona ‘vẫn còn hơn chết đói ở nhà’.

‘Chỉ đủ sống’

Hiện tại, nhà hàng Miss Saigon của anh Tài đã đuổi toàn bộ 7 nhân công vì ‘trả lương không nổi’ và toàn bộ công việc nhà hàng do hai anh em của anh và cha mẹ anh xoay sở, anh cho biết.

Do nhà hàng thuộc lĩnh vực thiết yếu nên vẫn được phép mở cửa, theo lời anh, nhưng chỉ được phục vụ cho khách mua mang về mà thôi.

Lượng khách đến nhà hàng hiện đã giảm đi rất nhiều, nếu lúc trước 90% khách đến ăn tại chỗ, 10% mua mang về thì giờ đây ‘không còn khách ăn tại chỗ nữa trong khi lượng mua về chỉ được 20% thôi’.

“Thu nhập hiện cũng vừa đủ để không phải chết đói,” anh nói và cho biết gia đình anh không ai nhận trợ cấp của chính phủ vì vẫn còn đi làm được.

“Hiện tại tôi đang nợ tiền thuê nhà hàng hai tháng nhưng giờ cũng đâu làm gì được. Chủ đất cũng phải chờ mọi thứ trở lại bình thường mới đòi tiền thuê được.”

Anh nói ba mẹ anh dù đã lớn tuổi, thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao nếu mắc bệnh Covid-19, nhưng vẫn phải ra đường, đi chợ, mua hàng về nấu nướng.

“Tôi cũng sợ ba mẹ mắc bệnh nhưng cũng đâu có cách nào khác đâu. Nếu cả gia đình không làm việc thì làm sao mà kiếm sống được,” anh phân trần.

Theo lời anh thì người Việt ở Sao Paulo là một cộng đồng nhỏ chỉ với ‘khoảng 70-80 người thôi’.

Phần đông người Việt ở đây làm nghề buôn bán phải đóng cửa trong thời dịch bệnh nhưng ‘cũng không đến nỗi’ vì phần lớn các gia đình người Việt đều có ‘tiền dành dụm lúc trước khi buôn bán được’ giờ lấy ra tiêu xài cho việc ăn uống.

Người chủ nhà hàng này nói anh mong nền kinh tế mở cửa để cho người dân có đường mưu sinh nhưng với điều kiện ‘ai cũng phải xài khẩu trang hết’ và ‘đi làm xong thì phải về nhà chứ không được đi nhà bạn, đi chơi hay tụ tập đám đông nhiều người’ thì mới giảm bớt sự lây lan của dịch bệnh.

“Mong muốn lớn nhất của tôi là sớm có vaccine để chống lại Covid để đời sống mình trở lại bình thường,” anh bày tỏ với VOA. “Lúc này rất là khó khăn cho tất cả mọi người.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG