Đường dẫn truy cập

Iran sẵn sàng phóng vệ tinh mới trong vài tháng tới


Phi đạn Sayyad 2 được hệ thống phòng không Talash Iran phóng đi trong một cuộc tập trận (ảnh do quân đội Iran cung cấp ngày 5/11/2018)
Phi đạn Sayyad 2 được hệ thống phòng không Talash Iran phóng đi trong một cuộc tập trận (ảnh do quân đội Iran cung cấp ngày 5/11/2018)

Iran sẵn sàng phóng vệ tinh trong vài tháng tới sau thất bại trong tuần này, Tổng thống Hassan Rouhani ngày 16/1 tuyên bố, bất chấp những cảnh cáo của Hoa Kỳ và các nước châu Âu.

Các giới chức phương Tây nói công nghệ phi đạn dùng trong những việc phóng như vậy có thể được áp dụng để phóng một vũ khí hạt nhân.

Nỗ lực của Iran phóng vệ tinh có tên Payam lên quỹ đạo trái đất hôm 15/1 đã thất bại vì rocket không đạt được tốc độ thích hợp ở giai đoạn ba.

Tuy nhiên ông Rouhani được truyền thông nhà nước trích lời nói rằng Iran “đã thành công to lớn trong việc chế tạo và phóng vệ tinh. Điều này có nghĩa là chúng ta đang đi đúng hướng. Những vấn đề còn lại là thứ yếu, sẽ được giải quyết trong ít tháng, và chúng ta sẽ sẵn sàng một vụ phóng mới.” ông Rouhani nói.

Trong tháng này Hoa Kỳ cảnh báo Iran chớ thực hiện 3 vụ phóng rocket được dự trù vì vi phạm những nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc do sử dụng công nghệ phi đạn đạn đạo.

Bộ Ngoại giao Pháp ngày 16/1 lên án vụ phóng vệ tinh bất thành và yêu cầu Iran ngưng các vụ thử nghiệm phi đạn đạn đạo mà Paris xem như là có thể sử dụng để phóng vũ khí hạt nhân.

“Chương trình phi đạn đạn đạo của Iran là nguồn quan ngại của cộng đồng quốc tế và Pháp,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Pháp Agnes von der Muhll nói trong một thông cáo.

“Chúng tôi kêu gọi Iran chớ tiến hành những cuộc thử nghiệm phi đạn đạn đạo mới, được thiết kế để có thể mang vũ khí hạt nhân, và thúc đẩy Iran tôn trọng các nghĩa vụ theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc,” bà Von der Muhll nói.

Phản ứng với bình luận của Pháp, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran nói khả năng vệ tinh của Iran không vi phạm các nghị quyết của Liên hiệp quốc hay bất cứ công ước quốc tế nào vì những vệ tinh này “không có tính cách quân sự.”

“Nước Cộng hòa Hồi Giáo sẽ chọn con đường phục vụ đất nước lâu dài và những lợi ích chiến lược, và sẽ không hy sinh việc phát triển khoa học của đất nước vì những quan tâm ngụy tạo và vô căn cứ của nước ngoài,” phát ngôn viên Bahram Qasemi được thông tấn xã Iran IRNA trích lời nói.

Theo nghị quyết Liên hiệp quốc chuẩn nhận thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 với Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga và Hoa Kỳ, Tehran được yêu cầu tự chế trong việc chế tạo phi đạn đạn đạo có khả năng mang vũ khí hạt nhân.

Một số quốc gia nói ngôn từ này không làm cho đây là cam kết bắt buộc. Iran đã liên tiếp nói rằng phi đạn đạn đạo đang được chế tạo có mục đích tự vệ thuần túy và không được thiết kế để mang đầu đạn hạt nhân.

Thỏa thuận hạt nhân đang lâm nguy vì Tổng thống Donald Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận này (một phần vì thỏa thuận không bao gồm chương trình phi đạn đạn đạo của Iran) và tái áp đặt những chế tài khắc nghiệt đối với Tehran.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG