Đường dẫn truy cập

Phỏng vấn giáo sư David Ganttz, người vừa thực hiện một cuộc hội thảo tại Việt Nam về luật thương mại và đầu tư quốc tế.  - 2004-09-13


Trong phần tin tức kinh tế Việt Nam tuần này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị giáo sư David Ganttz, của trường đại học bang Arizona, là người vừa thực hiện một cuộc hội thảo tại Việt Nam về luật thương mại và đầu tư quốc tế.

Thưa ông xin ông cho biết qua về cuộc hội thảo tại trường Luật Hanoi trong lần thứ tư ghé Việt Nam này.

Mục tiêu của cuộc hội thảo tại trường đại học Luật Hanoi là nhằm giới thiệu cho một số giáo sư tại đó về Luật thương mại quốc tế. Nhưng trong vòng chỉ có bốn năm ngày, tôi chỉ có thể trình bày một số điểm xét thấy quan trọng cho Việt Nam ngày nay, trong khung cảnh của tình hình thương mại thế giới. Các giáo sư và các giới chức Việt Nam quan tâm nhiều đến luật về chống phá giá của quốc tế, nhất là của Hoa Kỳ, mà trường hợp điển hình là vụ cá basa và vụ tôm. Do đó chúng tôi dành khá nhiều thời giờ để nói về luật chống phá giá trên thế giới và nhất là tại Hoa Kỳ, để xem Hoa Kỳ đang thực thi các luật đó như thế nào.

Ông vừa nhắc đến vụ cá basa và vụ tôm, hai vụ này bây giờ theo những thông tin mà ông nhận được thì đã đi tới đâu?

Vụ cá basa coi như đã gần xong. Tôi cho rằng phía các nhà nuôi cá Hoa Kỳ đã thắng thế vì họ đã thuyết phục được Nhà chức trách Hoa Kỳ áp đặt thuế biểu khá cao cho cá basa Việt Nam. Vụ kiện tôm vẫn còn tiếp tục. Đã có một phán quyết sơ bộ nhưng phán quyết chung cuộc may ra cuối năm nay mới có. Vụ tôm có hơi khác vì có 6 quốc gia liên hệ, phán quyết sơ bộ không giống nhau, ví dụ như Tôm Việt Nam bị đánh thuế cao hơn tôm Thái Lan nhưng thấp hơn tôm Trung Quốc và Brazil. Do đó, trong lúc này, thật khó mà đánh giá tác động của quyết định đó lên các nhà xuất khẩu tôm của Việt Nam như thế nào, nhưng rõ ràng là có bất lợi.

Ngoài luật lệ về chống phá giá, những người tham gia cuộc hội thảo tại trường đại học Luật khoa ở Hanoi còn quan tâm đến đề tài nào khác hay không?

Họ cũng rất quan tâm đến quy trình mà Việt Nam phải trải qua để có thể trở nên một thành viên của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, có thể là vào năm tới. Ngoài ra họ cũng quan tâm đến việc thực thi Hiệp Định Thương Mại Song Phương với Hoa Kỳ.

Ông vừa nhắc đến việc gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, hay là WTO, tại sao chuyện này quan trọng cho Việt Nam và liệu Việt Nam có đáp ứng được thời hạn gia nhập vào năm tới hay không?

Trước tiên, về phía Hoa Kỳ, khi Việt Nam gia nhập WTO thì Hoa Kỳ khỏi phải mỗi năm mỗi gia hạn quy chế quốc gia ưu đãi, giống như Hoa Kỳ đã làm với Trung Quốc trước khi Trung Quốc gia nhập WTO. Kế đến, nó giúp Việt Nam có quyền tham gia vào cơ quan dàn xếp những cuộc tranh cãi tại WTO, điều này rất có ích, mỗi khi Việt Nam có tranh chấp thương mại với nước khác, giống như tranh chấp phá giá vừa qua. Và điều mà tôi nghĩ rằng quan trọng nhất, là để chuẩn biï gia nhập WTO, Việt Nam đang thay đổi một số luật lệ quan trọng và thay đổi chính sách thương mại; điều này rất có lợi cho phát triển kinh tế, khích động đầu tư, tạo thêm công ăn việc làm , tiếp thu công nghệ mới, và các lợi ích khác.

Về vấn đề Việt Nam có gia nhập WTO đúng thời hạn hay không là tùy thuộc chính phủ Việt Nam. Họ đã hiểu rõ những gì phải thay đổi về mức thuế quan, về rào cản thuế quan, và về dịch vụ; để có thể xúc tiến chuyện gia nhập vào năm 2005. Chuyện gia nhập đúng thời hạn phần lớn tùy thuộc vào một số quyết định mà chính phủ Việt Nam phải chọn; trong đó có những quyết định phải chọn ở cấp cao nhất của quốc gia.

Dĩ nhiên khi đã gia nhập thì cũng có những ưu và khuyết điểm. Việt Nam sẽ có cơ hội xuất khẩu nhiều hơn, nhưng phải mở cửa kinh tế để chịu sức cạnh tranh nhiều hơn. Khi đó những xí nghiệp quốc doanh kém hiệu năng, hay thua lỗ sẽ phải đóng cửa, những người làm ở đó sẽ mất việc; nhưng nhìn chung, nếu ta xét đến tiền thuê mướn lao động tương đối thấp, đội ngũ công nhân có trình độ tay nghề tương đối khá, tôi nghĩ rằng Việt Nam có tính cạnh tranh so với các nước khác, nhất là về các mặt hàng dệt may, điện tử , thủy sản. Khi nói đến hàng dệt may, tôi phải nói thêm một điểm nữa, là chế độ hạn ngạch quota đối với hàng dệt may sẽ chấm dứt vào đầu năm tới đối với những quốc gia đã có chân trong WTO; do đó một khi Việt Nam đã là thành viên của tổ chức này thì khỏi phải lo vấn đề quota nữa. Như vậy nếu so sánh giữa ưu điểm và khuyết điểm, tôi nghĩ rằng ưu điểm sẽ nhiều hơn khuyết điểm.

Cám ơn ông. Bây giờ xin chuyển sang cuộc hội thảo của ông ở Bộ Tư Pháp ở Hanoi, tại đó, đề tài nào được chú ý nhiều nhất.

Dĩ nhiên chắc ông cũng biết Việt Nam trong những năm qua cố gắng thu hút đầu tư nước ngoài và một trong những công cụ mà Việt Nam muốn làm để có thể thu hút nhiều đầu tư nước ngoài là ký hiệp định song phương với các quốc gia có người muốn đầu tư vào Việt Nam. Và trong trường hợp với Hoa Kỳ thì chương 4 của Hiệp Định Thương Mại Song Phương đã có đề cập. Cử tọa chú ý đến quyền của người đầu tư đi tìm sự phân xử của quốc tế khi có tranh chấp về đầu tư. Cử tọa muốn biết thủ tục này thực sự tiến hành ra sao, có thể là thông qua các cơ quan trọng tài, phân xử của Ngân Hàng Thế Giới hoặc của Liên Hiệp Quốc. Chúng ta cũng nên lưu ý rằng Bộ Tư Pháp của Việt Nam có nhiều điểm khác biệt so với Bộ Tư Pháp của Hoa Kỳ. Bộ Tư Pháp và Bộ Thương Mại của Việt Nam cùng chia sẻ trách nhiệm đàm phán về thương mại và đầu tư quốc tế, trong khi tại Hoa Kỳ, hầu hết các cuộc đàm phán thương mại quốc tế đều do Đại Diện Thương Mại phụ trách, và các cuộc đàm phán về đầu tư quốc tế thì do Bộ Ngoại Giao phụ trách.

Qua kinh nghiệm của ông tại các cuộc hội thảo này, ông thấy Việt Nam cần phải chú ý thay đổi nhiều nhất về luật lệ thương mại và đầu tư quốc tế như thế nào?

Rõ ràng là Việt Nam cần phải tập trung vào việc thay đổi càng sớm càng tốt các luật lệ để tạo điều kiện thuận lợi gia nhập WTO. Về mặt đầu tư thì Việt Nam được nhiều người biết đến như là một chỗ không mấy tốt để đầu tư. Có quá nhiều luật lệ, các nhà đầu tư không thể làm chủ tài sản, có những cơ chế thiếu minh bạch, không bảo vệ quyền tài sản trí tuệ, một điều rất quan trọng đối với công nghệ cao. Nói tóm lại, các nhà đầu tư nước ngoài rất khó dự báo những gì sẽ xảy ra, thành thử không thể lập kế hoạch kinh doanh được.

Cảm ơn ông.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG