Đường dẫn truy cập

Kinh tế Châu Á: Tổng kết cuối năm & Triển vọng năm 2004. - 2003-12-29


Lời dẫn: Thưa quý thính giả, trong năm mới, 2004, dự phóng các nền kinh tế Á Châu sẽ đạt được những thành quả thuận lợi hơn xa, so với năm 2003 sắp sửa chấm dứt, nhờ sự gia tăng mạnh mẽ của các hoạt động xuất khẩu, và nhờ nhu cầu nội địa tăng cao. Dựa trên bài tường trình của đặc phái viên Ron Corben của đài Tiếng Nói Hoa Kỳ gửi về từ thủ đô Bangkok, Tiết mục Nhìn Về Á Châu do Hoài Hương phụ trách, tuần này, sẽ trình bày những yếu tố chủ yếu khiến các nhà kinh tế tin tưởng vào triển vọng kinh tế tươi sáng hơn cho Châu Á trong năm 2004. Mời quý vị theo dõi.

Trước thềm năm dương lịch mới, 2004, Châu Á đang đứng trước triển vọng kinh tế được đánh giá là tươi sáng. Theo dự kiến, một số quốc gia trong khu vực sẽ đạt được những thành quả kinh tế tốt đẹp nhất, tính từ sau cuộc khủng hoảng tài chánh khu vực năm 1997. Hai yếu tố chủ yếu là mức tăng trưởng kinh tế vượt trội của Trung Quốc, và tiến trình hồi phục kinh tế đã bắt đầu tại Hoa Kỳ.

Chuyển hướng tốt đẹp của nền kinh tế các nước Á Châu vào thời điểm cuối năm 2003, đánh dấu một tương phản rõ rệt với những bất định trong khu vực trong giai đoạn đầu năm 2003. Vào lúc đó, chiến tranh chống Iraq, và sự xuống dốc của kỹ nghệ du lịch gây ra bởi các cơn bộc phát bệnh Sars tại nhiều nước Á Châu, đã đẩy các nền kinh tế trong khu vực vào tình trạng tuột dốc.

Thế nhưng đến quý thứ Tư, Châu Á đã hồi phục lại sức mạnh kinh tế. Khuynh hướng tuột dốc của thị trường chứng khoán đã bị chận đứng, và đến cuối năm 2003, thì các chỉ số chứng khoán chủ yếu trên đa số các thị trường Á Châu đã vươn lên cao hơn chỉ số hồi đầu năm. Đây cũng là năm đầu tiên mà những thành quả trên các thị trường chứng khoán Á Châu được củng cố, tính từ năm 1999.

Tại Thái Lan, trị giá chỉ số chứng khoán hầu như đã tăng gấp đôi trong năm 2003, trong khi đó tại Pakistan, chỉ số chủ yếu của thị trường chứng khoán tại đây tăng vọt lên 60%, và tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei tăng gần 20%.

Ông Raj Kumar là một nhà kinh tế nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại văn phòng khu vực của Liên Hiệp Quốc ở thủ đô Bangkok. Ông Kumar nhận định:

Tôi tin rằng triển vọng kinh tế của Châu Á hết sức tươi sáng, thuận lợi hơn xa so với triển vọng của khu vực cách đây chỉ vài tháng trước. Chúng tôi tin rằng các quốc gia đang phát triển trong khu vực sẽ đạt được mức tăng trưởng vào khoảng 6% trong năm tới.

Ông Kumar nói rằng tình hình kinh tế Châu Á đã trở nên năng động nhờ các hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, đặc biệt xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ, nơi nền kinh tế đang trên đà hồi phục. Tại nhiều quốc gia, khâu xuất khẩu tăng hơn 20%, và xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2004. Ông Kumar nói rằng mức tăng trưởng kinh tế hiện nay, được đặt trên sự tự tin của giới doanh thương.

Vẫn theo ông Kumar, Trung Quốc đóng một vai trò hàng đầu trong triển vọng kinh tế tươi sáng của khu vực. Ông Kumar nhận định tiếp:

Thành quả kinh tế của Trung Quốc đã giúp đẩy mạnh mức tăng trưởng trong khu vực, với mức tăng trưởng kinh tế hàng năm của nước này vượt quá 8%. Cùng lúc, số lượng sản phẩm Trung Quốc nhập khẩu từ các nước khu vực cũng nhảy vọt.

Kinh tế gia hàng đầu của Citigroup, ông Don Hanna, nói rằng hoạt động xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao sẽ tiếp tục tăng trong năm tới, và tình trạng này đặc biệt có lợi cho Singapore, Nam Triều Tiên và Đài Loan. Trong thời gian qua, các nền kinh tế này đã lâm vào tình trạng suy thoái, sau khi mức cầu của Hoa Kỳ đối với máy điện toán và các bộ nhớ sút giảm trong năm 2001. Sau đây là phát biểu của kinh tế gia Don Hanna:

Một trong những điểm tích cực vẫn tiếp tục là sức mạnh của mức cầu từ Hoa Kỳ, chúng tôi tin rằng nhu cầu của Hoa Kỳ nhập khẩu hàng hóa sẽ rất mạnh, bất kể đồng đôla giảm giá. Đặc biệt, nguồn đầu tư từ Hoa Kỳ sẽ đẩy mạnh nhu cầu nhập các sản phẩm công nghệ cao, mà Châu Á là một khu vực chuyên sản xuất các sản phẩm này.

Theo ông Don Hanna thì Nam Triều Tiên cũng sẽ đạt được một tỷ lệ tăng trưởng cao trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa và dịch vụ nói chung.

Riêng Thái Lan, nước láng giềng của Việt Nam, là nền kinh tế tăng trưởng nhanh thứ nhì trong khu vực trong năm 2003, chỉ đứng sau Trung Quốc. Mức tiêu thụ nội địa cao và sự tính năng động của lĩnh vực xuất khẩu là hai yếu tố đã đẩy mạnh nền kinh tế Thái Lan, một nền kinh tế mà sức tăng trưởng liên tục vượt trội mức dự đoán trong mấy tháng gần đây.

Tổ chức nghiên cứu và tham vấn của chính phủ Thái Lan, mang tên là Hội Đồng Kinh Tế Quốc Gia và Phát Triển Xã Hội, đã phải điều chỉnh mức dự đoán về tổng sản lượng nội địa năm 2003 lên 8%, cao hơn mức dự đoán trước đó là 6,3%.

Ông Bob Broadfoot làm việc cho một công ty tham vấn tại Hong Kong chuyên về các Rủi Ro Kinh Tế. Ông nhận định:

Tôi tin rằng trong ngắn hạn, Thái Lan có triển vọng trở thành một trong các nền kinh tế thành công hàng đầu ở Châu Á. Tôi không tin là có bất cứ điều gì xảy ra, có thể cản trở đà tăng trưởng của nước này.

Nhưng ông Broadfoot khuyến cáo rằng, cũng có một số quan ngại là thành quả kinh tế đáng kể của Thái Lan có thể chỉ là một ảo giác trong giai đoạn tiến tới một cuộc khủng hoảng tài chánh khác, như đã từng xảy ra trong cuộc khủng hoảng tài chánh khu vực năm 1997. Mặc dù vậy, đằng nào, theo ông Broadfoot, khó có triển vọng điều đó sẽ xảy ra trong năm tới.

Vào lúc thế giới sắp sửa bước sang năm 2004, một khuynh hướng rõ rệt, theo giới phân tích, là giá trị các đơn vị tiền tệ trong khu vực đang được củng cố, so với đồng đôla. Đồng đôla yếu kém có thể sẽ cắt giảm nhu cầu trên thị trường Hoa Kỳ đối với các hàng hóa nhập khẩu từ các nước Á Châu.

Ông Richard Duncan, tác giả quyển sách mang tựa đề “Cuộc Khủng Hoảng Đồng Đôla”, nói rằng đồng đôla hạ giá là một điều cần thiết để điều chỉnh lại những bất cân bằng trong cán cân mậu dịch đang có giữa Châu Á và Hoa Kỳ. Ông Duncan nói:

Mức thâm hụt trong cán cân mậu dịch của Hoa Kỳ với thế giới nói chung trong năm 2003, được ước lượng vào khoảng từ 550 tỉ tới 600 tỉ đôla. Cách duy nhất để điều chỉnh mức thâm hụt này là các quốc gia khác phải để cho đơn vị tiền tệ của họ tăng giá trị, so với đồng đôla.

Một số các chuyên gia kinh tế khác cũng khuyến cáo rằng, có nguy cơ nền kinh tế Trung Quốc sẽ phát triển nhanh quá mức, và trở nên quá tải. Chưa gì đã có dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang tìm cách giảm bớt phần nào đà phát triển kinh tế quá nhanh đó. Nếu nỗ lực này thành công, đà tăng trưởng của Trung Quốc sẽ được điều chỉnh xuống, từ 10% còn khoảng 7% trong năm 2004. Tuy nhiên, nếu các biện pháp mà Bắc Kinh áp dụng quá nghiêm ngặt, đà tăng trưởng kinh tế của nước này có thể tụt dốc mạnh hơn, tình trạng đó sẽ giảm bớt nhu cầu của Trung Quốc đối với hàng nhập từ các nước láng giềng ở Châu Á.

Mặc cho những khuyến cáo vừa kể, nhiều nhà kinh tế vẫn kết luận rằng, các nước Á Châu có thể trông đợi một mức tăng trưởng kinh tế tốt đẹp hơn trong năm tới. Tình trạng lạm phát trong khu vực được đánh giá là thấp, và lãi xuất cũng thế, đó là những tin đáng mừng, xét tình trạng bất định mà khu vực đã trải qua trong hầu hết năm 2003.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG