Đường dẫn truy cập

Phục hồi môi trường sống vùng ven Vịnh Chesapeake


Phục hồi môi trường sống vùng ven Vịnh Chesapeake
Phục hồi môi trường sống vùng ven Vịnh Chesapeake

<!-- IMAGE -->

Hiện tượng đất bị xói mòn và mực nước biển dâng cao đã khiến các vùng ven bờ dọc theo vịnh Chesapeake phía đông Hoa Kỳ mất đi khoảng 2 mét đất mỗi năm. Trong nhiều năm qua, giới hữu trách đã cố gắng tìm cách kiềm hãm tiến trình xói mòn, với kết quả lẫn lộn. Giờ đây, một phương pháp tiếp cận mới để hồi sinh các vùng ven biển đã giúp các nhà khoa học cảm thấy lạc quan hơn. Trong tiết mục Khoa Học và Đời Sống tuần này, biên tập viên Zulima Palacio của đài Tiếng Nói Hoa Kỳ đến quan sát một trong các dự án thí điểm, và thuật lại các chi tiết.

Vùng bờ biển này trông thật sinh động và thơ mộng, như muốn mời gọi khách nhàn du hãy dừng lại thưởng lãm. Tuy nhiên cách đây mới một tháng, cảnh tượng tại đây hoàn toàn khác hẳn. Phía sau những đổi mới đều có bàn tay của con người, ra sức làm việc để thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các loài sinh vật khác nhau, kể cả loại tôm có thân trong suốt tiếng Anh gọi là grass shrimp. Bà Jana Davis là Giám đốc và người cầm đầu toán khoa học gia thuộc Hội vịnh Chesapeake, một tổ chức vô vụ lợi tài trợ cho các dự án giáo dục và nghiên cứu nhằm khôi phục vùng ven vịnh Chesapeake.

Bà nói: "Loại tôm này rất yêu thích các khu đầm lầy vừa được tái tạo, chúng là nguồn thực phẩm của cá pecca và các loại cá khác. Giống tôm thân trong là một trong các động vật chúng tôi thấy xuất hiện nhiều nhất sau khi phục hồi môi trường sống của vùng ven vịnh Chesapeake."

Bà Jana Davis là đại diện của một trong hàng chục tổ chức tham gia dự án này.

Bà giải thích: "Dự án này là một thí dụ tốt đẹp về một chương trình sử dụng cả các đặc điểm của môi trường sống thiên nhiên, lẫn một số biện pháp truyền thống để bảo vệ các dải đất ven bờ tránh bị xói mòn."

Toán công tác xây những vách ngăn hoặc bức tường đá tại các bãi biển để chận sức gió và những ngọn sóng nhằm bảo vệ các vùng nước cạn, đồng thời trồng cỏ trong khu vực để tạo ra một môi trường sống tốt đẹp.

<!-- IMAGE -->

Vùng ven biển này là một phần trực thuộc một khu bảo tồn động thực vật hoang dã ở đầu nguồn vịnh Chesapeake, cách bờ biển khoảng 300 km. Bà Susanne Beard, quản trị viên của Khu bảo tồn Động Thực Vật Hoang Dã Hoa Kỳ vùng đầm lầy Chesapeake, phát biểu:

"Đây là một vùng vô cùng quan trọng của Khu Bảo tồn Động thực vật Hoang dã Quốc gia vùng eo phía đông, bởi vì dải nước hẹp tại đây bảo vệ nhánh sông Hail, tạo ra một môi trường thuận lợi cho đủ các loài chim sống ở nước, cũng như tôm cua, cá, sò hến và các sinh vật khác sinh sôi nảy nở và phát triển."

Hàng năm, hàng trăm chim di trú đến từ phương bắc vẫn kéo về khu vực này để tránh những tháng giá lạnh của mùa đông. Tại đây, các loài di điểu tìm được một vùng nước đầy dẫy lương thực, và một môi trường thuận lợi để sống còn.

Bà Susanne Beard nói đối với chim di trú, khu vực này trong những tháng mùa đông, là một trong những địa điểm thiết yếu dọc theo suốt vùng vịnh Chesapeake.

Tuy nhiên nạn đất bị xói mòn đang đe dọa khu vực. Ông Dave Sutherland là người đặc trách một chương trình phục hồi các vùng ven bờ cho toàn khu vực Chesapeake.

Ông nói: "Đất bị xói mòn từ 1 mét rưỡi đến hơn 2 mét mỗi năm."

Ông Sutherland nói trong khi hiện tượng đất đai vùng ven biển bị xói mòn xưa nay vẫn là một tiến trình tự nhiên, những biến đổi khí hậu và các hoạt động của con người làm thay đổi các hệ sinh thái là những nhân tố làm vấn đề càng thêm nghiêm trọng, đến nỗi vùng vịnh Chesapeake giờ đây cần thực hiện khẩn cấp các chương trình khôi phục môi trường.

Ông cho biết: "Riêng hiện tượng tăng nhiệt địa cầu, nó có thể không phải là một tiến trình tự nhiên. Mặc dù mực nước biển lên cao dần một cách tương đối đều đặn qua thời gian dài, nhưng bây giờ mực nước biển tăng theo tiến độ nhanh hơn nhiều so với lúc trước, trong khi đó chúng ta chỉ mới bắt đầu tìm cách giải quyết với các dự án thiết yếu nhất, đặt vào ưu tiên cao nhất."

Chương trình phục hồi và bảo vệ vùng ven biển Chesapeake còn tổ chức một số chương trình giáo dục. Mới đây, một số học sinh các trường tiểu học địa phương đã đến đây trồng cỏ.

Ông Sutherland nói về sinh hoạt này như sau:

"Hôm ấy trời gió, thời tiết không mấy đẹp nhưng các em học sinh thì tuyệt vời. Các em lắng nghe lời giải thích, rồi các em tiếp tay trồng cỏ, các em rất vui thích tham gia hoạt động này."

Ông Sutherland nói những vùng nước cạn tại đây tạọ ra một môi trường thuận lợi cho sự sinh sản của các loài cá và tôm. Dự án này bao gồm một chương trình phục hồi môi trường sống của sò hến.

Ông nói tiếp: "Đây là một số con sò lớn lên tại eo biển phía đông, kế cận trường Đại học Washington, chúng tôi dùng các con sò này trong một cuộc thí nghiệm thí điểm. Hy vọng chúng sẽ sinh sản trong mùa tới."

Cách đây không lâu, người ta sử dụng các phương pháp cũ để bảo vệ các vùng ven biển, chẳng hạn như xây các lớp đá phủ ngoài và các vách ngăn kín để chận nước tràn qua, gây lụt. Trong khi cả hai phương pháp truyền thống này đều bảo vệ các vùng ven biển, không phương pháp nào đóng góp cụ thể để cải thiện môi trường sống. Bà Jana Davis thuộc Quỹ phục hồi vùng vịnh Chesapeake nói:

"Lý thuyết mới bây giờ là hồi sinh môi trường sống tại các vùng ven biển, đây là một giải pháp hiệu quả hơn để đối phó với hiện tượng mực nước biển dâng cao, so với các phương pháp cũ, như dựng các vách đá để chận nước."

Bà Davis nói hiện còn quá sớm để có thể khẳng định rằng cuộc thí nghiệm tìm cách hồi sinh các vùng ven biển có thực sự là một giải pháp hiệu quả về lâu về dài hay không, nhưng chưa gì những người đến thăm khu vực đã tận mắt chứng kiến một số kết quả tích cực.

(Ngày phát sóng: 29/10/2009)

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG