Đường dẫn truy cập

Thăm Nice, một thành phố phía nam nước Pháp


Cuối tháng 6 vừa rồi, tôi có dịp về thăm lại Nice, thành phố nắng ấm nằm ở phía nam nước Pháp, gần sát Monaco và biên giới Ý. Nói “về” là vì tôi đã từng sống ở Nice những tháng đầu tiên khi tôi mới đến Pháp từ một trại tị nạn ở Indonesia (Galang). Tôi sống ở đó hơn nửa năm, rồi đi Paris, và từ Paris, mấy năm sau, sang định cư tại Úc. Trước khi sang Úc vào đầu năm 1991, tôi ghé thăm Nice. Để từ giã.

Bây giờ, 18 năm sau, tôi quay trở lại. Điều khiến tôi ngạc nhiên đầu tiên là Nice rất ít thay đổi. Ở Việt Nam, mỗi lần tôi về thăm là một lần thấy khác. Ở Úc cũng thế. Tốc độ thay đổi thật nhanh. Ở Singapore, nơi tôi ghé qua, trước và sau khi đi châu Âu, cũng thế. Khi xe chạy trên những điểm cao, ở giữa cầu, chẳng hạn, nhìn quanh trong thành phố, thấy ở đâu cũng có cần cẩu cao nghều nghệu là đủ biết: Bao nhiêu toà cao ốc mới sắp sửa ra đời. Ở Nice, ngược lại. Thay đổi, nếu có, thật ít. Chủ yếu là ở ngoài ngoại ô. Trong thành phố, tôi chỉ nhận ra vài thay đổi nhỏ. Trước hết, sự xuất hiện của xe điện trên tuyến đường chính, Jean Médecin. Gần cuối đường, công viên Massena được tân trang, thêm 7 bức tượng bằng thuỷ tinh dựng trên cột; bên trong tượng có bóng đèn nên mỗi tối, tượng lại sáng rực lên; từ xa, nhìn thấy người thì ngồi, người thì quỳ, trông rất thú vị. Một sự thay đổi nữa là ở bờ biển: Trước, nó là bãi sỏi trắng tinh dài tít tắp, vào mùa hè, đầy người, và người nào cũng ở trần, kể cả phụ nữ; bây giờ: Bãi biến bị cắt nát bởi các quán ăn và cho thuê ghế nhựa cho khách nằm phơi nắng.

Còn lại, mọi thứ dường như vẫn như cũ. Đường xá như cũ. Nhà cửa như cũ. Như cũ đến độ, sau 18 năm năm, trở lại, tôi không hề đi lạc. Và cũng không hề bỡ ngỡ. Đi từ đầu đường, tôi biết cuối đường có gì. Tôi đến thăm một số tiệm ăn và quán cà phê tôi từng là khách quen trước đây: Tất cả đều như cũ.

Cảm giác “như cũ” ấy khiến tôi xúc động ghê gớm. Cuối năm 2006, khi ghé thăm California, gặp lại một người thân cũ, tôi xúc động đến độ phải xoè tay xin một người bạn điếu thuốc lá, dù tôi đã bỏ thuốc từ lâu lắm. Ngày xưa, Hồ Dzếnh “nhớ nhà châm điếu thuốc”. Lúc ấy, tôi hút thuốc để xua đi niềm xúc động. Lần này cũng thế. Về Nice, tôi bỗng dưng thèm một điếu thuốc lá. Lại để xua đi niềm xúc động.

Xúc động nhất là khi đi thăm tiệm sách Fnac trên đường Jean Médecin.

Trước, nó nằm trong khu thương xá Nice Étoile; bây giờ, nó nằm riêng, trên một building khác, gần đó. Trước, nó chủ yếu bán sách; bây giờ, ngoài sách, nó bán nhiều thứ hàng điện tử khác, từ máy chụp hình đến tivi, CD, DVD và computer. Nhưng sách vẫn còn nhiều. Nguyên một tầng lầu. Sách đủ các loại. Từ sách giải trí, du lịch đến sách văn học, lý thuyết văn học, triết học, lịch sử, v.v…

Bước vào tiệm sách, không thể không nhớ những ngày đầu tiên đặt chân trên đất Pháp. Dạo ấy, bước vào tiệm sách, tôi choáng váng về độ lớn và sự đa dạng của nó. Ở Việt Nam (trước năm 1985), chưa bao giờ tôi thấy tiệm sách nào lớn đến như vậy. Sau này, đi nhiều, đặc biệt các xứ nói tiếng Anh, cũng ít khi nào tôi thấy tiệm sách nào đa dạng đến như vậy. Ở các xứ nói tiếng Anh, đặc biệt Mỹ và Úc, sách thường được chuyên biệt hoá rất rõ. Sách nghiên cứu có tính chuyên môn cao thường được xuất bản bởi các trường đại học và cũng chủ yếu bán cho các thư viện đại học cũng như giới nghiên cứu ở đại học. Các cuốn sách ấy hầu như không bao giờ có mặt trong các tiệm sách thương mại ngoài đường phố hoặc trong các thư viện cộng đồng (1). Ở Pháp thì khác: Trong một tiệm sách thương mại, người ta có thể tìm thấy những cuốn sách chuyên môn rất cao.

Nhưng tôi thích nhất là cái không khí trong tiệm sách. Lúc nào cũng đông người. Không phải ai cũng mua. Nhiều người chỉ đọc tại chỗ. Một số người ngồi trên ghế. Nhưng nhiều hơn, ngồi bệt dưới đất. Đọc say sưa, hết cuốn này đến cuốn khác. Các nhân viên bán hàng đi qua đi lại, cố ý lặng lẽ và nhẹ nhàng để người đọc khỏi bị chia trí. Thoạt đầu, nhìn, tôi rất ngạc nhiên. Sau, tôi cũng tham gia vào cái lực lượng đọc sách cọp đông đảo ấy. Cũng với lấy cuốn sách mình thích. Cũng ngồi bệt xuống đất. Và đọc. Xong, trả sách lại chỗ cũ; phủi đít ra về, không mua cuốn nào cả. Ngày nào rảnh, tôi cũng đều làm như thế. (Bây giờ, nghĩ lại, thú thực, tôi cũng không nhớ là tại sao dạo ấy mình lại không vào thư viện?).

Bởi thế, với tôi, Fnac là nơi đầy kỷ niệm.

Thăm lại, bâng khuâng nhớ những ngày đầu của cuộc đời tị nạn.

Những ngày ngơ ngác. Ngoảnh lại quá khứ: Tối om. Nhìn tới tương lai: Cũng đen nghịt.

Mới đó, đã mấy thập niên.

Nhanh thật.

Chú thích: (1). Một nhà văn ở Việt Nam lần đầu tiên sang Mỹ, vào các tiệm sách ngoài đường phố, chê ngay là dân Mỹ thiếu trí thức! Lý do: khong có sách triết học! Thành thực mà nói, sách triết – theo nghĩa cổ điển – không phải là mặt mạnh trong tiếng Anh. Tuy nhiên, nếu có, chúng cũng chỉ thường được bán trong các tiệm sách ở đại học mà thôi. Hệ quả là, ở các xứ nói tiếng Anh, rất khó có các “học giả tự do” ở ngoài môi trường đại học: Họ không có đủ điều kiện, trước hết, là không đủ sách để nghiên cứu.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG