Đường dẫn truy cập

Bộ Ngoại giao Mỹ bác bỏ lời chỉ trích Ngoại trưởng Clinton


Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã bác bỏ các bài xã luận của một số nhật báo Mỹ chỉ trích ngoại trưởng Hillary Clinton đã giảm tầm quan trọng của vấn đề nhân quyền trong hai chuyến công du đầu tiên của bà ra nước ngoài. Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng những lời bình luận đó không công bằng mà cũng không chính xác. Theo dự kiến, bà Clinton sẽ gặp bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì trong ngày thứ Tư để thảo luận về nhiều vấn đề, kể cả vấn đề Tây Tạng. Thông Tín Viên David Gollust của Đài VOA tường thuật về vấn đề này như sau.

Với những lời lẽ gay gắt khác thường, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bác bỏ những bài xã luận chỉ trích rằng Ngoại trưởng Clinton đã bớt quyết liệt hơn liên quan tới các vấn đề nhân quyền trong các chuyến công du nước ngoài đầu tiên của bà trong cương vị Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ.

Bài xã luận đăng trên nhật báo Mỹ The Washington Post hôm thứ Ba, cáo buộc Ngoại Trưởng Clinton đã gây phương hại và làm xói mòn truyền thống bênh vực nhân quyền của nền ngoại giao Mỹ, qua việc giảm nhẹ các quan tâm của Hoa Kỳ về vấn đề nhân quyền trong các chuyến đi thăm Trung Quốc, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ mới đây của bà. Đây là những nước thường xuyên bị chỉ trích trong phúc trình hàng năm của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về vấn đề nhân quyền.

Những ý kiến trong bài xã luận của tờ The Washington Post chỉ trích Ngoại Trưởng Clinton về phát biểu của bà trong chuyến đi thăm Châu Á, lần đầu tiên, hồi tháng 2, rằng các quan tâm về nhân quyền không thể cản trở cuộc đối thoại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về các vấn đề kinh tế, an ninh và môi sinh.

Bài xã luận phê phán rằng bà Clinton đã giảm tính hiệu quả của các cố gắng của chính Bộ Ngoại giao Mỹ, bằng cách giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của các vụ vi phạm nhân quyền của chính phủ Tổng Thống Ai Cập Hosni Mubarak, cũng như các biện pháp hạn chế các hoạt động truyền thông của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ dưới quyền Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan.

Nói chuyện với các nhà báo, quyền Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ông Robert Wood, nói rằng các ý kiến chỉ trích bà Clinton không cương quyết và không cứng rắn trong các vấn đề nhân quyền, là không công bình và không chính xác.

Ông Wood nói rằng Ngoại Trưởng Clinton - cựu Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ, và cũng là một cựu Thượng Nghị sĩ, đã luôn luôn tìm cách tăng tiến nhân quyền trong suốt sự nghiệp chính trị của bà.

Vẫn theo người phát ngôn Robert Wood, thì trong suốt thời gian lưu lại Bắc Kinh, bà Hillary Clinton đã nói lên quan điểm của mình một cách rõ ràng về vấn đề nhân quyền và nhiều vấn đề khác. Bà đã mời giới truyền thông đến tường thuật cuộc gặp gỡ giữa bà với một số phụ nữ Trung Quốc hoạt động tích cực.

Ông Wood nói rằng Ngoại Trưởng Clinton bày tỏ sự bất bình về sự kiện đã không có bao nhiêu tiến bộ về nhân quyền tại những vùng như Tây Tạng và Belarus.

Ông Wood nói thêm rằng Ngoại Trưởng Clinton tin rằng chỉ nêu lên những quan tâm của Hoa Kỳ về vấn đề nhân quyền trong các cuộc gặp gỡ với các Bộ Trưởng Ngoại Giao nước ngoài không thôi, sẽ không mang lại hiệu quả mong muốn, và bà đang mưu tìm một phương cách mới hữu hiệu hơn để tạo các điều kiện thuận lợi phát huy nhân quyền tại Trung Quốc và các nơi khác.

Ông Wood nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động để nhân quyền được tôn trọng. Nhưng chúng tôi muốn các nỗ lực của mình có hiệu quả hơn so với các nỗ lực của các chính quyền tiền nhiệm. Trong nhiều trường hợp, "lớn tiếng hô hào" không nhất thiết giúp chúng ta đạt mục tiêu nhắm tới. Chúng ta phải cố gắng tìm ra một phương thức khác– chẳng hạn như các phương tiện truyền thông đại chúng hay những nhân tố khác để tạo ảnh hưởng nhằm đẩy vấn đề nhân quyền đi theo một phương hướng thuận lợi hơn. Tôi đã được nghe Ngoại trưởng Clinton nói về các vấn đề này một cách hết sức nhiệt tình.

Phát biểu tại một cuộc họp trước đó quyền phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Robert Wood nói ông hy vọng vấn đề Tây Tạng sẽ được nêu lên trong buổi họp hôm thứ tư, giữa Ngoại trưởng Clinton và vị tương nhiệm Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì. Cuộc gặp gỡ này diễn ra một ngày sau ngày kỷ niệm đánh dấu 50 năm cuộc nổi dậy bất thành của người Tây Tạng chống quyền cai trị của Trung Quốc.

Ông Robert Wood nói Hoa Kỳ muốn thấy một cuộc đối thoại có thực chất giữa chính phủ Trung Quốc với các đại diện của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ông nói đó là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề Tây Tạng vốn đã kéo dài quá lâu.

Ông Wood nói ông tin rằng cuộc gặp mặt giữa hai vị Ngoại trưởng cũng sẽ giải quyết sự cố về hàng hải diễn ra hôm chủ nhật. Trong vụ này, Hải quân Hoa Kỳ nói một tàu nghiên cứu của họ đã bị nhiều chiếc tàu Trung Quốc quấy nhiễu trong hải phận quốc tế ở vùng biển phía Nam Trung Quốc.

Cuộc gặp mặt hôm thứ Tư được xem là để tiếp nối các cuộc thảo luận hồi tháng trước giữa Ngoại trưởng Clinton với Ngoại trưởng Trung Quốc tại Bắc Kinh. Theo dự kiến vấn đề Bắc Triều Tiên và cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu cũng có thể được mang ra thảo luận.

Ngoại trưởng Dương Khiết Trì của Trung Quốc cũng sẽ gặp Bộ trưởng Tài chánh Timothy Geithner của Hoa Kỳ và các quan chức của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, trước khi ông lên đường về nước vào ngày thứ năm.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG