Một hiệp định về vấn đề con nuôi giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã hết hạn hôm thứ Hai vừa rồi vì đôi bên không thể giải quyết được với nhau những bất đồng về tệ nạn gian lận và tham nhũng.
Sự kiện này đã làm buồn lòng hàng trăm người đáng lẽ đã được trở thành cha mẹ, và những người này giờ đây phải đi xin con nuôi tại những nước khác.
Tin của nhật báo Telegraph của Anh và Tehran Times của Iran cho hay hai nước tuyên bố sẽ tiếp tục giải quyết những bất đồng vừa kể, nhưng vào lúc này, chương trình về vấn đề con nuôi bị đình chỉ vô hạn định.
Ông Vũ Đức Long, viên chức đứng đầu chương trình con nuôi phía Việt Nam, cho hay Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các thủ tục cho những bậc cha mẹ nào đã được dàn xếp để được nhận các em cô nhi về làm con nuôi trước khi bản hiệp định hết hạn.
Tuy nhiên, một số lớn trong khoảng 1,700 ca đang trong tình trạng chờ đợi sẽ không được giải quyết. Ông Long cho biết thêm là cơ quan của ông đang tìm biết con số chính xác của những ca vừa kể và sẽ thông báo trong tuần này.
Tin kể lại trường hợp của bà Chandra Wilmsmeyer, cư dân của thành phố Memphis, tiểu bang Tennessee, một trong hàng trăm người trước đây có viễn tượng trở thành cha mẹ, nhưng những ca xin con nuôi của họ đã bị hủy bỏ hôm thứ Hai. Bà rất bất mãn về chuyện hai bên không giải quyết được những bất đồng. Bà hy vọng hai bên sẽ giải quyết được vấn đề một cách mau chóng, nếu không, theo bà, các em cô nhi sẽ còn phải kéo dài thêm cuộc sống trong các viện mồ côi.
Bà Wilmsmeyer và chồng giờ đây sẽ tìm xin con nuôi ở Nga, nhưng cho biết hai ông bà cùng muốn có một con nuôi người Việt. Bà cho hay hai ông bà đã tìm hiểu về đất nước và văn hóa Việt Nam và rất yêu thích Việt Nam. Cả hai cùng ước mong mang được một đứa con nuôi từ Việt Nam về Mỹ.
Đại diện của các cơ quan Mỹ lo chuyện con nuôi nhìn nhận chương trình con nuôi của Việt Nam có vấn đề, nhưng theo họ, đại đa số trường hợp xin nhận con nuôi đã diễn ra rất hợp pháp. Các cơ quan này hy vọng các viên chức Mỹ sẽ cho phép những vụ nhận con nuôi hợp pháp tiếp tục được xúc tiến trong khi làm việc với phía Việt Nam để loại trừ các hành động lạm dụng.
Ông Tom Atwood, Chủ tịch Hội Đồng Quốc Gia về vấn đề con nuôi ở Washington, cho rằng đường lối của Hoa Kỳ là đổ lỗi cho Việt Nam rồi để cho chương trình con nuôi đổ vỡ. Theo ông, điều bất hạnh cho các trẻ tho xấu số này là chính phủ Mỹ không giải quyết được tình hình trong một phương thức cho phép những vụ xin con nuôi chính đáng tiếp tục diễn tiến.
Cả hai bên vẫn hy vọng giải quyết được những bất đồng, nhưng không rõ khi nào chuyện này mới có thể xảy ra. Một nữ viên chức của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam không muốn tiết lộ tên tuổi cho biết chính sách của Hoa Kỳ là luôn luôn hậu thuẫn cho việc xin con nuôi trên khắp thế giới, và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục làm việc với chính phủ Việt Nam để có thể tiếp tục lại chương trình con nuôi.
Tuy nhiên, bà cho biết Hoa Kỳ chỉ thỏa thuận mở lại chương trình con nuôi nếu chương trình này bảo vệ quyền lợi của các em cô nhi, của cha mẹ ruột cũng như của cha mẹ nuôi các em. Bà cũng cho biết thêm là phía Việt Nam còn phải hành động nhiều để giải quyết thỏa đáng những lo ngại của chính phủ Mỹ, nếu Việt Nam ký kết bản hiệp ước La Haye về vấn đề con nuôi quốc tế, trong có những điều khoản ngăn chặn gian lận và tham nhũng.
Tin cho hay ông Vũ Đức Long đã gửi một phúc trình lên quốc hội Việt Nam, đề nghị Việt Nam tham gia hiệp ước vừa kể. Ông tỏ ý hy vọng quốc hội sẽ chấp thuận đề nghị của ông.
Tháng Tư vừa rồi, Việt Nam loan báo ngưng nhận các đơn xin con nuôi mới của người Mỹ, sau khi chính phủ Mỹ phổ biến một phúc trình tố cáo hệ thống cho con nuôi của Việt Nam đầy rẫy tham nhũng, gian lận và những vụ bán trẻ thơ. Lúc đó, ông Long cho rằng những lo ngại của chính phủ Mỹ đã được thổi phồng một cách quá lố, và rằng phía Việt Nam cố gắng hết mình để loại trừ những trường hợp sai trái xảy ra một cách riêng lẻ.
Chương trình con nuôi giữa Việt và Mỹ cũng đã bị ngưng hoạt động năm 2003 sau khi Hoa Kỳ nêu ra những quan ngại tương tự về tệ nạn tham nhũng. Chương trình được mở lại năm 2006 sau khi hai bên đạt được một thỏa hiệp nhằm bảo đảm việc xin nhận con nuôi diễn ra một cách đúng đắn.
Tuy nhiên, phía Hoa Kỳ cho rằng Việt Nam đã không có khả năng thi hành những điều khoản đề ra trong thỏa hiệp này vì giới hữu trách về vấn đề con nuôi ở trung ương không có đủ quyền hạn để kiểm soát giám đốc các viện mồ côi.
Đọc nhiều nhất
1