Đường dẫn truy cập

Cuộc triển lãm ảnh 'Cơ Hội Sống'


Trên thế giới hiện nay có 40 triệu người bị lây nhiễm HIV/AIDS. Thuốc đặc trị ARV có thể làm chậm lại sự phát triển của virút HIV và tác hại của bệnh AIDS được một vài thập niên hoặc hơn. Tuy nhiên, mới có khoảng 1/3 số bệnh nhân trên toàn thế giới nhận được loại thuốc đặc trị này. Tại một cuộc trưng bày hình ảnh mới đây, các kết quả do thuốc đặc trị ARV mang lại được mô tả bằng các hình ảnh do Quỹ toàn cầu chống bệnh AIDS, Lao, và Sốt rét và tổ chức chuyên tạo hình ảnh Magnum phối hợp thực hiện. Trong bài tường trình sau đây, thông tín viên Rosanne Skirble của Đài VOA nói rằng hai tổ chức này hy vọng cuộc triển lãm ảnh này sẽ thu hút được sự quan tâm giúp đỡ cho mục tiêu người bệnh trên toàn thế giới có thể nhận được thuốc đặc trị ARV miễn phí.

Chị Thoba Nzima là một người lao động ở một làng nông nghiệp gần thủ đô của Swaziland. Chị sống chung nhà với mẹ chị, cách nơi làm việc chỉ cách vài phút đi bộ. Chị có hai đứa con, đứa lớn là một bé gái, năm nay 15 tuổi, đứa sau là một bé trai 5 tuổi.

Chị Nzima bị nhiễm HIV, và con gái chị cũng vậy. Hoàn cảnh như của gia đình chị Nzima khá phổ biến tại tại Swaziland, nơi mà trung bình cứ trong 3 phụ nữ thì có một bị lây nhiễm HIV.

Chị Nzima phải vượt qua một chặng đường khá dài để đến với cuộc triển lãm ảnh mang chủ đề 'Cơ hội Sống' được tổ chức tại phòng triển lãm tranh ảnh nghệ thuật Corcoran ở thủ đô Washington. Chị Nzima là một phụ nữ cao ráo, năm nay khoảng 30 tuổi, mặc chiếc áo dài nhiều màu sắc đứng bên cạnh những bức hình chụp của chính chị. Chị muốn chứng minh rằng chị còn khỏe mạnh được như vậy là nhờ nhận được thuốc đặc trị ARV miễn phí bắt đầu từ năm 2007. Chị Nzima tỏ ra rất vui mừng khi câu chuyện của chị được thể hiện qua các bức ảnh treo trên tường của phòng triển lãm.

Chị Nzima nói: "Tôi rất vui và phấn khởi được có mặt tại buổi triển lãm hôm nay. Những bức hình trong cuộc triển lãm này thật đẹp, nhất là những bức hình của chính tôi. Trước đó tôi không tưởng tượng là sẽ có được một dịp quý như thế này."

Hai người đàn ông trước đây từng chung sống với chị Nzima đều đã chết vì bệnh AIDS. Chị Nzima nói rằng thuốc đặc trị ARV đã mang lại ý nghĩa mới cho đời chị. Cũng giống như mọi người làm mẹ khác, chị mơ ước về tương lai của con cái chị.

Chị Nzima nói: "Tôi mong sao cho con cái tôi được cắp sách đến trường, được lớn lên và hiểu biết về cuộc sống. Tôi cố giữ cho chúng khỏe mạnh, mặc dù tôi phải hơi tránh xa chúng. Tôi hiểu rằng mẹ của tôi cũng cố gắng làm những điều như vậy."

Ông Larry Towell đã chụp ảnh Nzima tại nhà, tại nơi làm việc và tại trung tâm y tế. Ông giải thích rằng nội dung của những bức ảnh này nói lên tính nhân đạo vốn là một vấn đề chung của toàn thế giới.

Ông Towell nói: "Với cái máy chụp hình đeo ở cổ, tôi đã được phép tìm hiểu về đời tư của nhiều người để minh chứng bằng hình ảnh và để những hình ảnh đó kể lại một phần câu chuyện của họ, và để chính họ kể về họ. Hy vọng của tôi là sẽ thu hút được người xem đến nơi triển lãm, và để người xem có cảm giác như là mình đang có mặt ngay tại nơi của những gì được mô tả trên các bức ảnh đó. Nếu đạt được mục đích đó thì tôi đã hoàn thành ý nguyện của việc mình làm."

Trên một bức tường khác, ông Towell trưng bày những bức ảnh mô tả cuộc sống của cô Litho Nayanda, 19 tuổi, người Nam Phi. Cô Nyanda sống với gia đình tại một khu nghèo khó ở ngoại ô thành phố Capetown.

Ông Towell nói: "Đây là túp lều nơi cô Nyanda sinh sống. Còn đây là bức tranh toàn cảnh mà cô Nayanda ngắm nhìm mỗi sáng từ cửa chính nhà cô. Đây là nhà cửa của chòm xóm quanh nhà cô."

Ông Towell đã mô tả quá trình chuyển biến của cô Nyanda trong 4 tháng dùng thuốc đặc trị ARV, từ lúc ban đầu là một thiếu niên gầy như một bộ xương khô đi trên xe lăn, cho đến lúc trở thành một thiếu nữ khỏe mạnh có thể biểu diễn giữ đứng cán chổi trên đầu một ngón tay.

Ông Towell nói: "Cô Nyanda là một người rất hay. Cô rất cởi mở với tôi. Tôi thực sự thích cô Nyanda. Tôi để lại cho cô ấy một chiếc máy hình chụp xong một cuộn phim rồi bỏ để cô ấy chụp một số hình trong sinh hoạt của cô, cũng giống như tôi vẫn để máy hình loại này cho nhiều bệnh nhân khác. Tuy nhiên các bức hình đó không thể đưa ra triển lãm được."

Ông Towell là một trong 8 nghệ sĩ chụp ảnh những người bị lây nhiễm HIV/AIDS ở 9 nước khác nhau. Hình chụp của họ thể hiện các nội dung từ hình một người đàn ông Nga đang tìm hiểu về những chứng đau nhức trên cơ thể có liên quan đến bệnh AIDS cho đến hình một phụ nữ Ấn Độ với khuôn mặt tươi cười ở giữa chợ.

Quỹ toàn cầu chống bệnh AIDS, Lao và Sốt rét đã giúp cung cấp thuốc đặc trị ARV miễn phí đến cho khoảng 1/3 số người bị lây nhiễm HIV/AIDS. Ông Jon Liden, một người phát ngôn của tổ chức này nói rằng cuộc triển lãm này đã mang một nụ cười thân mật đến với cuộc cách mạng thầm lặng trong lãnh vực thuốc đặc trị, và là một lời kêu gọi thêm sự ủng hộ.

Ông Liden nói: "Bằng cách tạo điều kiện cho người bệnh tiếp cập được với thuốc đặc trị, chúng ta đã thực hiện cam kết cứu giúp cho cuộc sống của hàng triệu người. Và chúng ta cần phải tiếp tục đẩy mạnh nhiệm vụ đo. Đó là điều không thể thay đổi được theo trào lưu chính trị hiện nay và mức độ ưu tiên. Đó là điều mà chúng ta cần phải phát huy."

Trong vài tháng tới, quốc hội Hoa Kỳ sẽ tranh luận về việc gia hạn Chương trình Khẩn cấp Nghiên cứu Bệnh AIDS. Chương trình này có phần hỗ trợ Quỹ Toàn cầu. Ông Liden hy vọng rằng trước khi các nhà lập pháp biểu quyết, họ sẽ có dịp ghé tham quan cuộc triễn lãm 'Cơ hội Sống' ở phòng trưng bày nghệ thuật Corcoran gần đó.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG