Tổ chức Y tế Thế giới đề nghị các chính phủ trên toàn thế giới lập lại cam kết phòng chống các dịch bệnh tác động đến 1/3 dân số thế giới và gây xáo trộn xã hội và kinh tế.
Các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới, còn gọi tắt là WHO, nói rằng trong khi những dịch bệnh như cúm gia cầm đang thu hút sự chú ý trên khắp thế giới, thì nhiều dịch bệnh miền nhiệt đới cũng đề ra một mối đe dọa nghiêm trọng hơn tại những nước nghèo, trong đó có Indonesia.
Tại một cuộc họp của WHO tại Jakarta, các chuyên gia báo cáo rằng có khoảng 2 tỷ người sống trong những nước miền nhiệt đới chịu đau khổ một cách không cần thiết vì những bệnh gây thương tật và làm mất khả năng như bệnh cùi. Họ nói rằng những bệnh này có thể được điều trị một cách dễ dàng và rẻ tiền.Giám đốc WHO ở Đông Nam Á phụ trách những bệnh lây nhiễm, ông Jai Narain, nói rằng quốc tế rất ít chú trọng vào những bệnh này.
Các bệnh nhiệt đới bị xao lãng, như tên gọi của chúng, bị người ta xao lãng. Chúng bị xao lãng bởi những người lập chính sách, bởi các cộng đồng khảo cứu, và luôn cả bởi cộng đồng quốc tế. Những đồng thời, những bệnh này lại gây ra một mức độ đáng kể về sự đau khổ, khuyết tật, biến dạng, và ngày cả tác động kinh tế xã hội, nhất là đối với số người đã sẵn bị xã hội ruồng bỏ.
Nhiều bệnh tật này, chẳng hạn như chứng bệnh do một loại ruồi sống trên cát, tác động đến những người nghèo nhất trong tầng lớp nghèo. Các chứng bệnh này lây lan dễ dàng do tình trạng thiếu vệ sinh và sống chật chội.
Ông David Molyneux là tổng thư ký của Liên Minh Toàn cầu Diệt trừ bệnh Lymphatic Filariasis, một loại bệnh gây biến dạng diện mạo do các loại muỗi thường được gọi là muỗi voi gây ra. Ông Molyneux nói rằng chi phí điều trị những bệnh này không đáng kể.
Và trong một vài trường hợp chỉ cần can thiệp mỗi năm một lần với một tổn phí nào đó, và tôi đã tham khảo chi phí ấy bởi vì nó rất quan trọng và được chứng minh trên khắp thế giới là chỉ chưa đầy 10 cent cho mỗi người được điều trị mỗi năm.
Ông Molyneux nói rằng đã đạt được thành quả mỹ mãn trong việc điều trị và xóa các bệnh này kể từ khi Tổ chức Y tế Thế giới và các đối tác họp lần đầu tiên vào năm 2005 để bàn về vấn đề này, nhưng cũng còn nhiều việc phải làm. Ông Molyneux giải thích thêm:
Tôi tin rằng nếu chúng ta xây dựng một hệ thống, trong khuôn khổ các dịch vụ y tế thông thường, thì chúng ta sẽ làm được một điều gì đó, và rất nhanh, bởi vì đó là một sự can thiệp giống như tiêm phòng. Bảo vệ trẻ em tránh khỏi những bệnh này là một vấn đề nhân quyền khi việc làm này hoàn toàn có thể thực hiện được.”
Tổ chức Y tế Thế giới cho biết sẽ dùng cuộc họp ở Jakarta để xác định những bước kế tiếp cần phải thực hiện để xóa các dịch bệnh nhiệt đới này.