Cuộc bầu cử quốc hội Hoa Kỳ giữa Kỳ vào ngày 7 tháng 11 tới sẽ đặc biệt quan trọng đối với hai nhóm thiểu số lớn nhất Hoa Kỳ, đó là cộng đồng Người Mỹ gốc Châu Phi và cộng đồng người Mỹ gốc Châu Mỹ La tinh.
Những người Mỹ gốc Latinh có thể bị thôi thúc bởi vấn đề nhập cư và họ có thể sẽ đi bầu cử với số lượng lớn nhất từ trước tới nay. Đối với người Mỹ gốc Châu Phi, thì có 6 ứng cử viên gốc Châu Phi sẽ tranh cử hoặc chức thống đốc hoặc thượng nghị sĩ năm nay, đây là một con số kỷ lục các ứng cử viên chạy đua vào các cơ quan quyền lực cấp cao.
Thông tín viên đài VOA Bill Rodgers có một số nhận định về tác động của hai nhóm thiểu số này đối với cuộc bầu cử sắp tới.
Ông Michael Steele, phó thống đốc bang Maryland đang chạy đua vào ghế Thượng nghị sĩ. Là một đảng viên Cộng hòa, ông là một trong 6 ứng cử viên gốc Châu Phi của cả hai đảng đang ra tranh cử vào cơ quan quyền lực cấp cao của Hoa Kỳ trong cuộc bầu cử năm nay, một con số kỷ lục.
Nếu kết hợp số ứng cử viên tranh cử chức thống đốc và thượng nghị sĩ thì năm 2006 có con số lớn nhất từ trước tới nay.
Ông David Bositis chuyên gia nghiên cứu về vấn đề chính trị bầu cử của người da đen tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính Trị ở Washington. Ông nói tiếp:
Đây là một phần của xu thế ngày nay. Xin quí vị nhớ rằng, những người Mỹ gốc Châu Phi đã không được giữ nhiều chức vụ trong hầu hết các cơ quan quyền lực cấp cao trong nhiều năm nay. Tuy nhiên ngày nay, ngày càng có nhiều người Mỹ gốc Châu Phi có những kinh nghiệm chính trị và cá tính cần thiết cho phép họ chạy đua vào những cơ quan quyền lực cấp cao này.
Các ứng cử viên gồm từ Dân biểu Harold Ford, Jr. một đảng viên Dân chủ đang chạy đua vào Thượng viện ở tiểu bang miền nam Tennessee, đến đảng viên Cộng hòa bảo thủ Ken Blackwell đang hy vọng giành chức thống đốc bang Ohio.
Ngoài ra còn có 52 người Mỹ gốc Châu Phi đang chạy đua giành ghế Hạ viện. Hầu hết tất cả những đảng viên này đều thuộc đảng Dân chủ, ngoại trừ 8 người.
Dân biểu Elijah Cummings, một trong số 40 thành viên gốc Châu Phi của Hạ viện, hoan nghênh các ứng viên Mỹ gốc Châu Phi của cả hai đảng. Ông Cummings tin rằng điều này phần lớn là do tác động của ông Barack Obama, một Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ rất có sức lôi cuốn quần chúng đến từ bang Illinois, người đã được bầu vào năm 2004 và hiện là Thượng nghị sĩ người da đen duy nhất của Hoa Kỳ.
Tôi nghĩ rằng nhiều người trẻ tuổi đã coi ông Barack Obama như một ngôi sao nhạc rock chỉ sau một đêm đã bừng sáng. Họ đã thấy tấm gương của một người trẻ tuổi, thông minh, sắc sảo, được đào tạo tại đại học Harvard và nhiều người trong số họ đang tự nhìn nhận bản thân mình và nói rằng “mình cũng làm được như vậy”.
Những người Mỹ gốc Châu Phi có xu hướng bầu cử cho các đảng viên Dân Chủ, mặc dù điều này có thể sẽ thay đổi như nhận định của bà Karlyn Bowman thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ.
Những người Mỹ gốc Phi Châu là những cử tri trung thành nhất của đảng Dân Chủ, họ đã bỏ một số lượng phiếu lớn cho các ứng cử viên Dân Chủ. Theo số liệu thống kê thì những người Mỹ gốc Châu Phi trẻ ít ủng hộ đảng Dân Chủ hơn. Họ cũng không hẳn là ủng hộ đảng Cộng Hòa, họ gọi bản thân họ là những cử tri độc lập và điều này có thể cho thấy một sự thay đổi về lâu dài. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, đối với những cử tri người Mỹ gốc Châu Phi, những người sẽ đi bỏ phiếu, họ sẽ bỏ phiếu rất mạnh mẽ cho các ứng viên đảng Dân Chủ.
Đối với những người gốc Châu Mỹ la tinh, số cử tri đi bầu phiếu là trọng tâm của cuộc bầu cử năm nay, chứ không phải là số ứng cử viên đông đảo. Theo ước tính có khoảng 17 triệu cử tri gốc Châu mỹ la tinh được phép bầu cử hợp lệ vào tháng 11 này. Tuy nhiên, năm 2004 chỉ có 47% những người gốc Châu Mỹ la tinh đi bầu cử, so với 67% người Mỹ da trắng và 60% người Mỹ gốc Châu Phi.
Tuy nhiên cuộc bầu cử năm nay có thể sẽ khác biệt nếu đánh giá theo các cuộc biểu tình rầm rộ hồi đầu năm nhằm yêu cầu cải cách luật di trú và phản đối các biện pháp tăng cường các hình phạt đối với người nhập cư bất hợp pháp.
Các nhóm vận động như Hội đồng Quốc gia La Raza đang tiến hành đăng ký thêm cho nhiều cử tri gốc Châu Mỹ Latinh. Bà Clarissa Martinez cho biết những người Mỹ gốc Latinh sẽ phán xét các ứng cử viên dựa vào quan điểm của họ trong vấn đề nhập cư.
Không khí chống lại việc nhập cư ở trong nước phần lớn là từ phía Đảng Cộng hòa, và những thành viên chống đối nhập cư mạnh nhất cũng lại là các đảng viên Cộng hòa. Nhưng tôi cho rằng điều này đã là một điểm xấu cho đảng cộng hòa. Tôi cho rằng người dân đang xem xét xem ai thực sự lãnh đạo đảng Cộng hòa. Có phải là phe chống lại việc nhập cư hay là phe tin rằng chúng ta là quốc gia của những người dân di cư và chúng ta cần phải tìm cách giải quyết vấn đề này”
Tuy nhiên phân tích gia chính trị Stuart Rothenberg cho biết vấn đề nhập cư cũng thôi thúc các cử tri đảng cộng hòa.
Có những người đã tỏ ra tức giận, đặc biệt là bên phía bảo thủ, về những người nhập cư trái phép tại đất nước này và có thể họ cũng sẽ đi bỏ phiếu. Và thậm chí những cử tri ôn hòa và độc lập cũng cảm thấy tức giận và phẫn nộ về số lượng những người nhập cư bất hợp pháp ở đây và những lợi ích mà họ có được khi sinh sống ở Hoa Kỳ. Vì vậy đây có thể là một vấn đề có tiềm năng thúc đẩy các đảng viên Cộng hòa.
Người dân Mỹ cảm thấy thế nào về những vấn đề như nhập cư, và các ứng cử viên người Mỹ gốc Châu Phi nào sẽ giành được vị trí trong cơ quan quyền lực cấp cao Hoa Kỳ, tất cả sẽ được quyết định vào tháng 11 tới khi các cử tri đi bỏ phiếu.