Đường dẫn truy cập

Sự tái phát của dịch cúm gia cầm tại một số nước ở Châu Á.


Vào những ngày cuối cùng của năm 2004, các tin tức về trận động đất dử dội ở ngoài khơi Indonesia với những đợt sóng thần trên Ấn Độ Dương gây thiệt mạng cho hàng trăm ngàn người tại nhiều nước ở Đông Nam Á đã làm lu mờ những tin tức trước đó nói về sự tái phát dịch cúm gia cầm tại một số nước ở châu Á.

Theo một số nhà phân tích thì dịch cúm gia cầm chẳng khác nào một quả bom nổ chậm, nghĩa là đến một thời điểm nào đó H5N1 sẽ có thể biến thành một loại vi rút có khả năng lây nhiễm giửa người và người, và lúc đó, những thiệt hại về nhân mạng và kinh tế còn lớn lao hơn nhiều. Vậy biến cố đó có thể nào xảy ra cho nhân loại hay không? Sau đây là nhận định của một số nhà phân tích và chuyên gia về vấn đề này do Trần Nam ghi nhận từ các nguồn tin nước ngoài và Việt Nam.

Trong những ngày cuối năm 2004, tin tức từ Việt Nam cho hay dịch cúm gia cầm đã tái phát tại một số trại chăn nuôi ở miền Nam, khiến cho các giới chức thú y phải tiêu hủy khoảng 11 ngàn gia cầm, gồm có gà vịt ngan ngỗng, để đề phòng lây nhiễm. Tuy sự bộc phát lần này chỉ nằm trong phạm vi các tỉnh Bạc Liêu, Long An, Trà Vinh, Hậu Giang, An Giang và Cần Thơ nhưng đây là dấu hiệu cho thấy rằng dịch cúm gia cầm vẫn chưa chấm dứt như nhà cầm quyền Việt Nam đã tuyên bố trước đó.

Hôm 30 tháng 3, Việt Nam cho hay đã kiểm soát được dịch bệnh này nhưng sau đó công nhận rằng lời loan báo vừa kể là quá sớm sau khi có 3 người bị chết vì dịch cúm gà hồi tháng 8. Và gần đây nhất, hồi tháng 10, Hà Nội cũng lại tuyên bố là đã kiểm soát được dịch cúm gia cầm. Sau vụ dịch cúm gà tái phát ở 6 tỉnh miền Tây Nam Phần vào cuối tháng 12 vừa qua, giới hữu trách Việt Nam thú nhận rằng thật khó mà loại trừ tận gốc dịch bệnh này, một phần là vì các loài chim hoang dã đã mang vi rút H5N1 từ nơi này sang nơi khác. H5N1 là một loại vi rút gây bệnh cúm được tìm thấy trong các loại gia cầm.

Lúc đầu các nhà khoa học tin rằng loại vi rút này không thể nào trực tiếp lây nhiễm sang người, tuy nhiên vụ bộc phát bệnh cúm gia cầm tại Hồng Kông vào năm 1997 gây thiệt mạng cho 6 người trong số 18 người nhiễm bệnh, đã chứng minh lập luận lúc ban đầu của các khoa học gia là không đúng. Sau đó cúm gia cầm đã bộc phát tại một số nước trong khu vực Đông Nam Á, khiến cho hàng triệu gà vịt và các loại gia cầm khác đã bị chết hoặc bị mang ra giết để đề phòng sự lây nhiễm. Trong năm 2004 tại Thái Lan và Việt Nam đã có 44 trường hợp bệnh cúm được xác nhận là do vi rút H5N1 gây ra, khiến cho 32 người bị thiệt mạng, trong đó có 20 người tại Việt Nam.

Tính đến nay thì loại vi rút H5N1 chẳng những chỉ gây bệnh cho các loại gà vịt chim chóc mà còn lây sang các loại thú khác như mèo, heo và thậm chí cả loài hổ nữa. Các chuyên gia sợ rằng trong tương lai, vi rút H5N1 sẽ biến đổi và trở thành một loại vi rút có thể lây lan giữa người và người. Sự kiện này có thể xảy ra qua một tiến trình được gọi là những thay đổi tính chất di truyền hoặc còn được gọi là sự pha trộn giữa các Gene của vi rút cúm gia cầm và vi rút cúm người.

Theo các khoa học gia thì các loại vi rút của bệnh cúm thông thường hiện nay thường hay thay đổi dần mỗi năm để trở thành một loại vi rút mới trong mổi chu kỳ vài thập niên, Đó là lý do tại sao mổi năm người ta lại có những loại thuốc chủng mới để phòng ngừa bệnh cúm. Tuy nhiên vì đây là những loại vi rút thường xảy ra cho con người trong nhiều năm qua cho nên dù nhiều hay ít cơ thể của con người cũng có được một mức độ miễn nhiễm nào đó. Còn đối với loại vi rút cúm gia cầm H5N1 thì hiện nay người ta vẫn chưa có thuốc chủng ngừa. Lâu nay các khoa học gia vẩn tin rằng cứ mỗi chu kỳ vài chục năm. thì sẽ xảy ra một dịch cúm, tuy nhiên không ai biết rõ chừng nào thì dịch bệnh sẽ xảy ra và mức độ của nó sẽ to lớn như thế nào.

Trong quá khứ đã có một số bằng chứng cho thấy rằng dịch cúm đã xảy ra theo từng chu kỳ như vậy. Một thảm họa lớn được gọi là dịch cúm Tây Ban Nha đã giết chết ít nhất là 20 triệu người trên thế giới vào năm 1918. Những vụ bộc phát dịch cúm vào cuối thập niên 1950 và 1960 cũng đã khiến cho nhiều người bị chết, trong đó chỉ riêng tại Hoa Kỳ, hàng chục ngàn người đã bị thiệt mạng. Ông Stephen Morse, Giám Đốc Trung Tâm Y Tế Công Cộng tại trường Đại Học Columbia ở New York nói rằng hiện nay hầu hết mọi người trong lãnh vực y tế đều cảm thấy rằng khó mà tránh được một trận dịch cúm, do đó chúng ta cần phải chuẩn bị để đối phó với tình trạng này.

Tuy số người bị nhiễm bệnh và thiệt mạng vì loại vi rút cúm gia cầm, tính đến nay, vẫn còn là những con số quá nhỏ so với những thiệt hại về nhân mạng do thiên tai hoặc các dịch bệnh khác gây ra từ trước đến nay nhưng các chuyên gia tin rằng nếu không có những biện pháp ngăn chận hữu hiệu và lâu dài thì trong tương lai dịch cúm này có thể trở thành một đại họa cho nhân loại. Trong tháng trước các chuyên gia y tế từ Hoa Kỳ, châu Âu, châu Á, Úc, và Tân Tây Lan đã có mặt tại trụ sở của Tổ Chức Y Tế Thế Giới ở Geneve để tham dự một loạt những cuộc thảo luận nhằm tìm cách đối phó với dịch cúm trong tương lai.

Theo ước tính trong bản phúc trình của Viện Nghiên Cứu Y Khoa được phổ biến trong tháng trước về Mối Đe Dọa của Dịch Cúm thì trong trường hợp nặng nhất, con số tử vong tại Hoa Kỳ sẽ có thể vào khoảng 207 ngàn người, và 733 ngàn người phải vào bệnh viện. Còn theo ước tính của Tổ Chức Y Tế Thế Giới thì trong tương lai vi rút H5N1 có thể lây nhiễm đến 30% dân số trên thế giới. Ông Shigeru Omi, giới chức của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, trong tháng trước, đã lên tiếng báo động rằng có ít nChất từ 2 đến 7 triệu người trên thế giới sẽ bị chết vì dịch cúm. Tuy nhiên theo các chuyên gia khác như nhà vi trùng học Michael Lai, thuộc trường Đại Học Los Angeles ở miền Nam California thì ông không tin như vậy. Ông nói rằng những lời báo động ghê gớm về dịch cúm đã được phổ biến rộng rãi từ khi có dịch gia cầm tại Hồng Kông từ năm 1997, tuy nhiên cho đến nay người ta vẫn chưa thấy xảy ra một trận dịch cúm lớn lao nào cho con người do vi rút H5N1 gây ra. Hơn nữa không ai biết một cách chắn chắn rằng loại vi rút này có thể sinh sôi nẩy nở như thế nào trong cơ thể con người một khi bị vi rút này xâm nhập.

Nó có thể gây thiệt mạng cho nhiều người nhưng cũng có thể không tác hại bao nhiêu. Ông Gilbert Ross, bác sĩ và cũng là Giám Đốc Điều Hành trong Hội Đồng Khoa Học và Y Tế Hoa Kỳ, cũng có những quan điểm tương tự mặc dù nhóm của ông thường hay lên tiếng kêu gọi mọi người hảy chú trọng đến vấn đề sức khỏe công cộng. Ông nói rằng sự chuẩn bị chu đáo luôn luôn là điều tốt tuy nhiên việc báo động về một dịch cúm gia cầm to lớn với hàng tỉ người mắc bệnh và hàng triệu người chết là có vẻ thổi phồng.

Một số chuyên gia lập luận rằng ngày nay nhờ các phương tiện phòng chống tinh vi và các phương thức trị liệu tối tân cho nên nếu xảy ra một dịch bệnh qui mô thì số thiệt hại về nhân mạng sẽ không thể nào lớn lao cho bằng số người chết vào năm 1918. Dù có những lập luận trái ngược nhau về thời gian và mức độ của một dịch cúm nhưng hầu hết mọi người đều đồng ý rằng ý thức được vấn đề và sự chuẩn bị trước luôn luôn vẫn là một điều tốt để có thể đối phó với mọi tình huống bất ngờ của dịch bệnh.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG