Đường dẫn truy cập

Cuộc thăm dò của LHQ về tham nhũng ở VN nhắm đem lại sức mạnh cho dân chúng


Dân làng trong huyện Văn Giang cố gắng ngăn chặn hàng ngàn cảnh sát chiếm quyền kiểm soát khu đất đang tranh chấp
Dân làng trong huyện Văn Giang cố gắng ngăn chặn hàng ngàn cảnh sát chiếm quyền kiểm soát khu đất đang tranh chấp

Nhiều người tại Việt Nam coi hối lộ như một vấn đề phổ biến. Vấn đề này đã châm ngòi cho những cuộc biểu tình nổi bật về quyền sử dụng đất đai. Nhưng một cuộc thăm dò mới của Liên Hiệp Quốc và chính phủ Việt Nam nhắm mục đích đem lại cho người dân bình thường một phương tiện nói lên kinh nghiệm của mình về tham nhũng để nhà chức trách có thể tìm cách giải quyết phần nào.

Cuộc thăm dò được thực hiện bởi Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc, tức UNDP, và Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam.

Cố vấn chính sách của UNDP, ông Jairo Acua-Alfaro nói cuộc khảo cứu diễn ra vào một thời điểm tăng trưởng kinh tế, trong đó nhiều người hơn đòi hỏi chính phủ cung cấp các dịch vụ tốt hơn:

“Càng có trình độ học vấn cao hơn, càng khỏe mạnh hơn thì người dân càng trông đợi chất lượng tốt hơn về mọi thứ, như giáo dục và y tế tốt hơn, và các công chức có tài hơn để xử lý các thủ tục hành chính một cách kịp thời.”

Nhiều người ở tuyến đầu của sự thay đổi này là nông dân bị mất đất vì các dự án phát triển.

Tuần trước, hàng trăm nông dân ở tỉnh Hưng Yên đã biểu tình phản đối một kế hoạch dọn đất cho một thành phố vệ tinh mới. Bà Lê Hiền Đức, một nhà tranh đấu chống tham nhũng và từng là thành viên trong ban tham mưu của cố chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng có mặt ở đó.

Bà nói bà nhìn thấy hơn 1.000 công an dùng hơi cay để giải tán độ 3.000 nông dân. Theo tin của truyền thông nhà nước thì 20 người đã bị bắt.

Vụ việc xảy ra chỉ vài tháng sau khi một nông dân ở Hải Phòng dùng súng và mìn để ngăn nhà chức trách tìm cách đuổi ông ra khỏi mảnh đất của ông.

Ông Alcuna-Alfoaro nói các vụ tranh chấp đất đai đặc biệt đáng quan tâm:

“Tôi nghĩ đây là điều chúng ta nhìn thấy về mặt đất đai. Tất cả các vấn đề chúng ta thấy trong mấy tháng đầu năm nay trong đó người dân bắt đầu lên tiếng khiếu nại với chính phủ rằng có lẽ tất cả những vụ xử lý đất đai này đều không có lợi cho họ.”

Các vấn đề sử dụng đất đai là một phần quan trọng trong Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh, phát động hôm thứ Năm tuần này.

Trong số 13.500 người được phỏng vấn trong cuộc thăm dò, chỉ có 9% công dân đã bị chính phủ chiếm dụng đất nói rằng họ nhận được tiền bồi thường gần với giá thị trường. Hai trong số 5 người được phỏng vấn nói cần phải hối lộ để được cấp chứng chỉ sử dụng đất.

Ông Alcuna-Alfaro nói kết quả thăm dò rất quan trọng bởi vì các nỗ lực chống tham nhũng ở Việt Nam thường được tự đánh giá, có nghĩa là các đối tượng hiếm khi có cơ hội nói lên ý nghĩ của mình:

“Chúng tôi đang lật ngược thế cờ và cung cấp một loại dữ liệu khác có thể khách quan hơn và mang tính đại diện hơn cho người dân, là những đối tượng sử dụng các dịch vụ đó, những dữ liệu cần phải được cứu xét khi thảo luận về những cải tiến trong luật lệ và trong việc thực thi các sách lược khác nhau ở cấp tỉnh.”

Một phần ba những người được phỏng vấn nói hối lộ là cần thiết để được chăm sóc y tế, và cứ 5 người thì có 2 người nói rằng hối lộ là cần thiết ở các trường học.

Trong một nước mà mức lượng hàng tháng trung bình chỉ có 150 đôla, con số những người được phỏng vấn đã phải chi tiền để hối lộ mỗi năm thật là đáng sợ. Trung bình, khoảng 125 đôla được dùng để hối lộ cho nhân viên y tế và 58 đôla cho các giáo viên và trường học.

Ông Đặng Ngọc Dinh, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng, nói con số có cao, nhưng không có gì lạ.

Ông nói tham nhũng giống như nạn kẹt xe, ai cũng biết vấn đề này hiện diện, nhưng không thể giải quyết trong một ngày một giờ.

Mục đích của cuộc thăm dò không phải là gây thất vọng vì những điểm thấp mà là để tìm cách giải quyết phần nào. Vì lý do đó, ông Dinh nói không nhất thiết coi điểm thấp là một điều xấu.

Ông nói điều quan trọng là giới hữu trách so sánh các điểm ghi nhận được và học hỏi từ đó để có thể làm việc hiệu quả hơn.

Ông Alcuna-Alfaro nói nay việc tiến hành biện pháp diệt trừ tham nhũng nay tùy thuộc các giới chức cấp tỉnh. Với hơn 13.000 tiếng nói, sẽ khó mà làm lơ trước các bằng chứng.

VOA Express

XS
SM
MD
LG