Đường dẫn truy cập

Thơ Uyên Nguyên


Thơ Uyên Nguyên
Thơ Uyên Nguyên

Uyên Nguyên hiện sống tại Úc. Anh làm thơ nhiều nhưng hầu như chỉ đăng trên tạp chí Việt (1998-2001) và Tiền Vệ (http:///tienve.org), nên có lẽ ít người biết. Nhưng theo tôi, anh là một trong những nhà thơ có tài khá đặc biệt.

Ðọc anh, tôi vừa thích nhưng lại vừa thấy tiếc. Thích cái đẹp nhưng lại tiếc cho cái quá đẹp.

Tôi biết thơ Uyên Nguyên không mới hẳn. Mới, rõ ràng là mới, nhưng không mới hẳn như một cuộc cách mạng. Đâu đó, trong thơ Uyên Nguyên, người ta dễ dàng bắt gặp một số kiểu kết hợp từ, một số hình ảnh và nhất là một số khuôn nhạc ít nhiều quen thuộc. Tuy nhiên, thứ nhất, vượt lên trên một số yếu tố ít nhiều quen thuộc ấy, Uyên Nguyên đã tạo được cho mình một phong cách riêng, ở đó, người ta có thể phát hiện dấu vết xa xôi của một số nguồn ảnh hưởng, nhưng không thể lẫn lộn với bất cứ ai khác; thứ hai, so với những người ít nhiều có cùng một giọng điệu, thơ Uyên Nguyên đạt đến mức độ chín hơn hẳn.

Ví dụ như thơ collage.

Kiểu thơ ấy, trước Uyên Nguyên, đã có người làm rồi. Ở Việt Nam, không nhiều, nhưng cũng có. Thi thoảng. Nhưng có lẽ không ai có thể tìm ra bất cứ bài thơ collage nào bằng tiếng Việt dài hơi và hoàn chỉnh như những bài thơ collage của Uyên Nguyên. Ít có ai, như Uyên Nguyên, từ những lượng chữ cực kỳ ít ỏi và có vẻ như rất xa thơ, thậm chí phi thơ, trong các mẩu tin vắn hay rao vặt trên nhật báo hay tuần báo, có thể làm thành những bài thơ đẹp một cách bề thế như những “Giáng Kiều” và “Độc Kiều” trong chùm “Hai biến khúc từ mục kết bạn và nhắn tin” hay bài “Đồng Hương Tích” mà tôi trích dưới đây.

Thơ collage không phải là những bài thơ xuất sắc nhất của Uyên Nguyên, tuy nhiên, từ những bài thơ được hình thành trong điều kiện ngặt nghèo, giống như tự trói chân trói tay mình như thế, chúng ta rất dễ thấy nội lực của anh: Trí tưởng tượng của anh thật phong phú, sức liên tưởng hầu như vô tận, kỹ thuật lập tứ vô cùng điêu luyện, và một khả năng sử dụng chữ tài tình hiếm có.

Tất cả những yếu tố ấy làm cho Uyên Nguyên có khuynh hướng làm thơ dài, và những bài thơ dài ấy bao giờ cũng thật giàu có hình ảnh; giàu có đến độ ngổn ngang: ở đó hình ảnh này nối tiếp hình ảnh khác, có lúc cơ hồ tan mất những đường viền, thành trùng trùng điệp điệp.

Đi vào thế giới vừa mênh mông vừa chằng chịt ấy, người đọc phải tập trung phát hiện và sau đó, men theo các mối liên hệ mong manh giữa các hình ảnh để có thể thưởng thức bài thơ như một chỉnh thể nghệ thuật thống nhất và hoàn chỉnh. Nhưng ngay cả khi chưa nắm bắt được tính chất thống nhất và hoàn chỉnh ấy, người đọc cũng vẫn có thể bị mê hoặc bởi những cái đẹp lấp lánh từ những chi tiết có tính chất tạo hình hay từ độ vang của chữ, của câu, và ngay cả từ những khoảng lặng giữa các chữ, các câu, nơi nhà thơ cố tình bỏ trống trên trang giấy.

Bản thân tôi, tôi rất yêu những khoảng lặng ấy. Với tôi, những khoảng lặng ấy bao giờ cũng xôn xao và nói thật nhiều điều. Một cảm giác bần thần. Một nỗi ngẩn ngơ. Một niềm thương tiếc. Vân vân. Tuỳ từng bài; và trong từng bài, tuỳ từng chỗ. Nhưng trên hết, hầu hết những khoảng lặng ấy đều nhắc nhở: Chậm lại! Chậm lại để nghe cái chữ phía trước còn ngân và để nghe cái chữ phía sau đang phập phồng đợi. Chậm lại để có thể nhìn thấy sự chuyển động của hình ảnh, của cảm xúc và của tư tưởng trong bài thơ thật nhanh. Nhanh và đẹp.

Tôi quý cái nhanh nhưng lại hơi tiếc cho cái đẹp ấy. Nói chung, theo tôi, thơ Uyên Nguyên còn vấp phải một khuyết điểm là đẹp quá. Bài nào cũng đẹp. Lại là cái đẹp khá tròn trịa, khá mượt mà và khá nuột nà. Như là hoa. Đẹp. Đành là đẹp. Rất đẹp nữa là khác. Nhưng có những lúc tự dưng tôi thèm một vẻ đẹp thô nhám, sần sùi, gai góc của đất, của đá, của những mảnh sứ bị rạn hay những mảnh sành bị nứt, nhìn vào thơ Uyên Nguyên: không thấy. Bỗng đâm ra tiếc. Biết, nỗi tiếc ấy không chừng hơi hơi vô duyên. Nhưng vẫn tiếc.

Bài thử đọc hai bài thơ collage dưới đây của Uyên Nguyên xem sao.

Hai biến khúc từ mục kết bạn và nhắn tin

1. giáng kiều

Mai về hẻm phố
còn ai
trang thư mở một đời không tuổi
gốc hạnh đường
trăng đứng
hỏi
từ Giáng Kiều hoang
lạnh thảo trang
thành Tây trăng lạc phố
hoa biết tuổi về đâu
thảo điền sương
tây hồ lịch lịch
mông
lãnh
thu ba

Mai về hẻm phố
chừng nghe
hồ nhị
những nếp gấp phần đời
đã mất
đàn đi bước hoàng hoa

Mai
về lạc phố
Giang Đông không gặp
Nhị Kiều đâu
1 sớm
đàn Quyên ở lại đồng Nam

Mai
về phố thị
không hay
Hà Nội
Sài Gòn
bát hương đền thần xá
ngãi duyên đưa
lạnh
1 trở đường

Mai về phố thị
một hẻm trăng
tìm
hương không tuổi
độc thư
thư trung hữu nữ
vẻ trăng duyên những dáng Kiều

Mai về lạc phố
ương hoa
hoàng hôn biên ngoại trường giang sương
biết đâu
ly hợp
những ngày không
tìm
gặp
lại
lứa đời quen
thôi đã

Mai
về hợp phố
sẽ phần thư
chân dung vừa mới
đường xa đâu đó
hương ba

Ai về
mai
hẻm phố
tiên
1 bước xuống đời


(12/08/98)

2. độc kiều

Người là ai
sao sống lại những hoàng hôn
1 trường giang khác
cuộc hồi hương
không định trước
nào ai
người độc bộ
hành trang cho phần đời còn lại
sau đường trăng goá phụ
đã về đâu bước lạc
đồng nội thị thành
1 sớm thiên cư

Người là ai
từ độ thu nào
ở lại đồng sương đứng
tiền đình hoa lạc
tận
không hay

Người từ đâu
Trường An nhã phố
Hà Nội Khâm Thiên
hoa lạc thanh lâu
nghiệp đàn kỹ nữ
nào nhị nào hồ nào trăng nào tuyết mai tâm sự
Tiền Đường đâu
ly hợp
giang ba

Người là ai
sớm mai sương
những thì hoa
cô tận
trăm năm không
gốc thàng tùng

Người từ đâu
biên đình giang ngoại
dáng đứng thiên thần
tuổi bình minh
một bước đổi đời
sao định số hàng thần

duyên
lòng mỹ nữ
nghiệp

đâu đường thiên lý đâu bước giang hồ đâu chí lớn tứ thiên tài
tuấn
người đâu
thôi
sao lạc
đứng âm đàn

Người là ai
bước đường cùng
trường thương lạc bộ
chiếu giường đâu
phẳng nếp đời trang
hoa đăng
thôi đã

Người từ đâu
thảo trang trăng nhã nhạc
thư lâu độc lạc
không minh đại trường thiên
từ tâm
hành tâm sự tài định thân
thi số

nghe đâu
nghiệp lớn để đời
không phải vị thân
sao chia chánh phụ
nào đâu Lê
nào đâu Nguyễn
chỉ còn lại con người
và bước tiến về hướng bình minh

Người là ai
sao phải
đưa hùng tâm về địa các
đón đại lạc lại trường an
đâu đến ba trăm năm
thi đàn
mông
lãnh
tài hoa 1 chiếu trăng sương


(17/08/98)

Ghi chú:

Bài “hai biến khúc từ mục kết bạn và nhắn tin” là hai bức collage thực hiện từ những mảnh chữ nhặt được trong mục “Kết Bạn” và “Nhắn Tin” trên báo Dân Việt (Úc) số thứ Năm, 23/07/98. Tác giả sử dụng hoàn toàn các chữ và số có sẵn trong các mục ấy, và không thêm bất cứ vật liệu ngôn ngữ nào khác. Nguyên văn các mục ấy được chụp lại ở trang sau. Những chữ và số có gạch dưới là những vật liệu tác giả đã sử dụng.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

VOA Express

XS
SM
MD
LG