Đường dẫn truy cập

Thế nào là yêu nước? (1)


Thế nào là yêu nước? (1)
Thế nào là yêu nước? (1)

Xin nói ngay: cái nhan đề trên được mượn lại từ một bài viết của Joyce Anne Nguyễn (Nguyễn Đắc Hải Di), một blogger 16 tuổi, mới rời Việt Nam sang định cư tại Na Uy được hơn một năm. Bài viết, vốn, thoạt đầu, được đăng trên blog cá nhân của Joyce, sau đó, được phổ biến rộng rãi trên nhiều trang mạng khác nhau và gây nên khá nhiều tranh cãi, là những cảm nhận riêng tư về ý niệm yêu nước trước tình hình chính trị tại Việt Nam hiện nay. (1)

Trong bài viết này, tôi thử nhìn vấn đề từ góc độ lý thuyết và lịch sử.

Từ hai góc độ này, đặc biệt về phương diện lý thuyết, giới nghiên cứu không thu hoạch được điều gì đáng kể từ sách báo bằng tiếng Việt. Thật ra, nói cho công bằng, ngay bằng tiếng Anh và tiếng Pháp cũng không nhiều. Igor Primoratz và Aleksandar Pavkovié (2007), trong cuốn Patriotism, Philosophical and Political Perspectives, thừa nhận là tuy tình yêu nước là một nguồn cảm hứng mãnh liệt và lâu đời trong văn chương và nghệ thuật, nó lại ít được chú ý trong triết học và chính trị học cho tới khoảng thập niên 1980, đặc biệt sau bài thuyết giảng “Yêu nước có phải là một đức hạnh?” (Is Patriotism a Virtue?) nổi tiếng của Alasdair MacIntyre vào năm 1984 (2).

Chậm, nhưng ở Tây phương, khi nó đã được quan tâm, đề tài yêu nước thu hút ngay nhiều thành quả nghiên cứu của giới học giả. Ở Việt Nam, ngược lại, cho đến nay, dù ai cũng nói đến chuyện yêu nước và dù các cơ quan truyền thông cứ ra rả chuyện yêu nước, hầu như không ai bàn đến khái niệm yêu nước một cách nghiêm túc cả. Ngay trong cuốn “Trong dòng chủ lưu của văn học Việt Nam: Tư tưởng yêu nước” của Trần Văn Giàu cũng không hề có một câu, một dòng nào định nghĩa chữ yêu nước (3). Nguyễn Gia Kiểng, trong bài “Yêu nước”, khi cho người Việt Nam không hề yêu nước, hoặc nếu có, chỉ có một cách rất mờ nhạt và tương đối, cũng không hề có một lời giải thích nào về cái thuật ngữ ông sử dụng. Ông chỉ căn cứ trên một tiền đề: “Ta không có tự hào dân tộc, mà đã không có tự hào dân tộc thì không thể yêu nước” (4). Dường như, nếu Nguyễn Gia Kiểng không đồng nhất hai khái niệm tự hào dân tộc và yêu nước thì ít nhất ông cũng xem lòng tự hào dân tộc là biểu hiện duy nhất hay là điều kiện thiết yếu của tình yêu nước. Nhưng, có thực vậy không?

Có lẽ sự thực không đơn giản như vậy.

Các cuốn từ điển tiếng Việt, cũ cũng như mới, ở miền Nam cũng như ở miền Bắc, đều không có chữ “yêu nước”. Lý do có thể giải thích thế này: người ta xem “yêu nước” là một ngữ (phrase) chứ không phải một từ (word). Là ngữ nghĩa là một kết hợp tự do, lỏng lẻo và có thể thay đổi. Như yêu người, như thể thao, yêu thiên nhiên, yêu thú vật. Tôi không đồng ý. Theo tôi, nên xem “yêu nước” là một từ hơn là một ngữ. Lý do: một, nó có cấu trúc chặt, không giống các ví dụ vừa kể; hai, mức độ phổ biến cao; và ba, ý nghĩa khá đặc biệt.

Như, yêu nước khác với yêu chó, yêu mèo, yêu hoa, yêu cỏ, hay yêu người, chẳng hạn.

Khác, ít nhất ở hai điểm.

Thứ nhất, trong yêu nước, có sự đồng nhất (identification) giữa chủ thể và khách thể. Bản sắc của một cá nhân bao giờ cũng được khẳng định một phần, thậm chí, phần lớn, từ bản sắc của đất nước. Ai cũng vừa là mình đồng thời vừa là đất nước. Ở Tây phương, gặp nhau, người ta thường hỏi: Ông/bà/anh/chị/em/mày từ đâu đến vậy? (Where do you come from? / D’où est-ce que tu viens?). Người Việt thẳng thừng hơn, hỏi: Ông/bà/anh/chị/em/mày là người nước nào vậy? Biết tỏng là người đối thoại có quốc tịch Úc, quốc tịch Mỹ, quốc tịch Pháp hay một quốc tịch nào đó, người ta cũng vẫn hỏi vậy. Cho nên, không phải quốc tịch mà chính cái gốc gác mới góp phần định nghĩa một cá nhân. Tôi là tôi. Đồng ý. Có vẻ như đó là chuyện hiển nhiên. Nhưng, không phải. Trừ các danh nhân ở tầm quốc tế, câu “tôi là tôi” thường là một câu vô nghĩa. Chẳng ai biết cái “tôi” ấy là gì cả. Người ta cần một định nghĩa khác: Cái “tôi” ấy là người nước nào? Việt? Lào? Miên? Tàu? Nhật? Hàn Quốc? V.v... Như vậy, tôi là tôi nhưng tôi cũng là người Việt Nam. Thậm chí, dưới mắt vô số người, tôi là người Việt Nam trước khi là Nguyễn Hưng Quốc. Nhìn vào dáng dấp tôi, người ta biết tôi là người Việt Nam. Nhìn vào da dẻ tôi, người ta biết tôi là người Việt Nam. Nghe giọng nói tiếng Anh của tôi, người đối thoại, xa lắc bên kia đường dây điện thoại, chưa thấy mặt mũi tôi bao giờ, cũng có thể dễ dàng biết ngay tôi là người Việt Nam.

Hơn nữa, có thể nói “tôi là người Việt Nam” là giới hạn cuối cùng mà người ta có thể hình dung được. Thời cách mạng Pháp, năm 1789, de Maistre tuyên bố: “Tôi chỉ thấy người Pháp, người Ý, người Nga; còn con người, tôi chưa từng gặp; nếu hắn có, tôi không hề biết.” Có lẽ đó cũng là quan niệm của Henry James khi ông viết cho William Dean Howells: “Con người không là gì cả. Làm người Mỹ, người Pháp, v.v... đã quá nhiều rồi.” (5) Các nhà Văn hoá học, sau này, ghi nhận thêm một đặc điểm: cái gọi là ký ức tập thể (collective memory) hay ký ức văn hoá (cultural memory), yếu tố căn bản tạo nên ý niệm về bản sắc, chỉ dừng lại ở giới hạn tối đa là một nước. Không có cái gọi là ký ức quốc tế hay ký ức toàn cầu.

Trong tình yêu gia đình cũng có sự đồng nhất tương tự. Nhưng khác hẳn về mức độ. Với gia đình, sự đồng nhất thường dừng lại ở phạm trù huyết thống, quyền lợi và danh dự. Rất hiếm khi nó liên quan đến vấn đề bản sắc. Trừ một ngoại lệ: các thế gia vọng tộc. Kiểu con vua, con chúa, chẳng hạn. Còn bình thường, cái gọi là bản sắc gia đình hay dòng tộc rất mờ nhạt, không đóng góp được gì cho bản sắc cá nhân cả. Ví dụ, tôi mang họ Nguyễn: cái họ ấy chẳng nói thêm được điều gì về bản thân tôi. Nhấn mạnh thêm: “Nguyễn-Hưng”. Thì cũng vậy. Ý nghĩa của một dòng họ hiếm khi vượt khỏi ranh giới của cái cổng làng. Đất nước thì khác. Đó không những là đơn vị lớn nhất mang bản sắc tập thể mà còn là đơn vị chính tạo nên cái gọi là văn minh nhân loại. Sự nối kết giữa ý niệm về bản sắc cá nhân và bản sắc dân tộc, do đó, là điều dễ hiểu.

Không những đồng nhất về bản sắc, giữa cá nhân và đất nước còn có sự đồng nhất về quyền lợi. Nếu sự đồng nhất về ý niệm bản sắc tương đối đồng đều, gắn liền với ngay cả một yếu tố phi - văn hoá: màu da, màu mắt và màu tóc, sự đồng nhất về quyền lợi có nhiều mức độ hơn; khoảng cách giữa các mức độ ấy có khi rất xa nhau, tuỳ vị thế chính trị và xã hội của mỗi người. Tuy nhiên, nói chung, vì tất cả chịu sự chi phối của một hệ thống thuế giống nhau, một chính sách an sinh xã hội giống nhau, bất cứ biến động nào về kinh tế, chính trị và xã hội đều ảnh hưởng đến mọi người. Trước năm 1975, chiến tranh Việt Nam không phải chỉ diễn ra ở chiến trường mà nó còn hiện hình ngay dưới từng mái nhà, ngay trên bàn học của học sinh sinh viên hay ngay trên giường ngủ của mỗi người, kể cả trong các thành phố lớn, lúc, trừ Tết Mậu Thân, có vẻ như bình an vô sự: Không ai thực sự thoát khỏi ảnh hưởng, trực tiếp hay gián tiếp của chiến tranh. Hành động khủng bố nhắm vào Trung tâm Thương mại Thế giới tại Manhattan và Ngũ Giác Đài ở Arlington vào ngày 11 tháng 9 năm 2001 không chỉ làm dân chúng ở New York hay Virginia rúng động mà còn làm cho cả nước Mỹ, mọi người dân sống trên đất Mỹ cũng như mọi người Mỹ ở rải rác trên khắp nơi trên thế giới, cảm thấy bất an.

Chính sự đồng nhất về quyền lợi và ý niệm về bản sắc ấy, mọi người đều cảm thấy mình là một phần của đất nước. Cảm giác ấy nảy sinh ra ba yếu tố khác: liên đới, tự hào và cảm giác gắn bó.

Trước hết, nói về sự liên đới. Sống ở nước ngoài, theo dõi tin tức trên tivi, thấy một người Việt Nam lạ hoắc nào đó được tuyên dương, chúng ta thấy sung sướng hẳn; ngược lại, thấy người Việt Nam nào đó, cũng lạ hoặc, bị bắt vì tội ăn trộm, ăn cướp hay buôn bán ma tuý, tự nhiên chúng ta cũng thấy có chút xấu hổ. Tại sao? Vì tất cả đều dính chặt với nhau trong cái gọi là “người Việt”.

Cũng chính vì là một phần của đất nước nên hầu như ai cũng ít nhiều tự hào về đất nước. Xin lưu ý là: không có dân tộc nào không có lòng tự hào cả. Không tự hào về kinh tế, khoa học, kỹ thuật thì người ta tự hào về lịch sử, về truyền thống, trong đó, với người Việt Nam, chẳng hạn, có truyền thống đánh giặc. Không tự hào về hiện tại thì người ta tự hào về quá khứ. Không tự hào được khi so sánh với các nước lớn thì người ta tự hào khi so sánh với các nước nhỏ và yếu hơn. Không tự hào về những cái lớn lao hùng vĩ (kiểu Vạn lý trường thành hay Đế Thiên Đế Thích, v.v...) thì tự hào về những cái nho nhỏ, xinh xinh (kiểu nhà cổ, phố cổ, cầu khỉ, giếng làng, tranh trên giấy dó, v.v...). Nhưng nội dung phổ biến nhất của lòng tự hào là về văn hoá. Trong văn hoá, biểu hiện rõ nhất của sự tự hào là nhấn mạnh, thậm chí, cường điệu về tính cách đặc thù của dân tộc mình. Nếu dân tộc mình không nhất thì cũng... khác các dân tộc khác. Thứ chủ nghĩa mình-thì-khác ấy, nghĩ cho cùng, cũng là một biểu hiện của lòng tự hào dân tộc. Có điều đó là thứ tự hào của kẻ yếu và biết mình ở thế yếu. Do đó, vừa tự hào lại vừa tự ti. Quan hệ giữa tự hào và tự ti là thứ quan hệ cực kỳ phức tạp. Nó thay đổi tuỳ theo thời: có lúc, nhất là lúc bế quan toả cảng, lòng tự hào biến thành tự tôn một cách mù quáng: “Ta là ta mà vẫn cứ mê ta!”; thời khác, tiếp xúc nhiều với bên ngoài, biết người biết ta, lòng tự ti nổi lên, có khi làm biến tướng lòng tự hào: người ta bịt tai và nhắm mắt tự khen mình như những kẻ lên đồng. Nó cũng tuỳ người nữa: người tỉnh táo khác kẻ mê muội; người thành thực khác kẻ giả dối; người thông minh khác kẻ đần độn. Chỉ có điều chắc chắn là: không ai không có tự hào dân tộc. Chỉ khác nhau ở mức độ. Và nội dung của những điều tự hào. Tự hào dân tộc là một phần của tự hào về bản thân.

Một biểu hiện khác của sự đồng nhất cá nhân và đất nước là sự gắn bó và quan tâm một cách đặc biệt của cá nhân đối với đất nước. Ở nơi nào cũng thế, tin tức trong nước bao giờ cũng thu hút sự chú ý của nhiều người nhất. Người ta theo dõi từng chính sách, từng biến động trên thị trường, từng quan hệ ngoại giao với các nước khác trên thế giới. Người ta lo lắng về số phận của đất nước trong tương lai. Sự quan tâm ấy, một mặt xuất phát từ quyền lợi, mặt khác, từ thói quen, nhưng nhìn một cách tổng quát, chính là một biểu hiện của lòng yêu nước.

Tuy nhiên sự đồng nhất giữa cá nhân và đất nước (với ba biểu hiện chính là cảm giác liên đới, lòng tự hào và sự quan tâm) chỉ là một khía cạnh. Liên quan đến cái gọi là lòng yêu nước, người ta, nhất là giới cầm quyền, luôn luôn đòi hỏi một khía cạnh thứ hai: sự dấn thân tuyệt đối. Không phải dấn thân. Mà là dấn thân tuyệt đối. Không có chút giữ kẽ gì cả.

Có thể nói cái gọi là tình yêu trong lòng yêu nước đầy những yêu sách. Trước hết, nó yêu sách về bổn phận: yêu nước là phải làm gì cho đất nước. Kế, nó yêu sách về sự trung thành: với vợ hay chồng, người ta có thể ly dị; với đất nước thì không. Ngay cả khi tự từ bỏ quốc tịch, người ta vẫn bị đòi hỏi hoặc tự đòi hỏi sự trung thành như thường, nhất là khi đối diện với những hoàn cảnh buộc người ta phải lựa chọn. Nó còn yêu sách về sự hy sinh. Trong các loại tình yêu khác, sự hy sinh, nếu có, chỉ có tính chất tự nguyện. Trong tình yêu nước, hy sinh là một mệnh lệnh. Kể cả hy sinh tính mệnh của mình. Các câu khẩu hiệu kiểu “Giặc đến nhà đàn bà phải đánh”, “Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách” hay “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” được lặp đi lặp lại nhiều thế hệ, bất chấp các chế độ chính trị khác nhau. Cuối cùng, nó yêu sách về sự khuất phục: đất nước là nhất, tình yêu nước là nhất. Tình gia đình, dù sâu đậm đến mấy, vẫn bị giới hạn bởi luật pháp. Không thể nhân danh tình yêu gia đình để giết người, hay thậm chí, đánh người. Đánh hay giết người, vì bất cứ ly do gì, cũng đều bị xem là phạm pháp. Liên quan đến tình yêu nước thì khác. Xâm chiếm tài sản của người khác ư? Được! Hành hạ người khác? Cũng được! Cầm súng bắn xả vào người khác ư? Thì cũng được nốt! Có thể nói, với lòng yêu nước, mọi thứ đều được phép.

Trong hai đặc điểm chính của lòng yêu nước kể trên, sự đồng nhất và sự dấn thân, đặc điểm thứ nhất dễ nhận được sự đồng tình của mọi người. Chỉ có đặc điểm thứ hai là có vấn đề. Tại sao đất nước lại có thể đứng cao hơn luật pháp, và nhất là, cao hơn đạo đức? Luật pháp nào cũng cấm đoán bạo động, trừ một ngoại lệ: vì yêu nước. Đạo đức nào cũng lên án sự sát nhân, trừ một ngoại lệ: vì yêu nước.

Trong lịch sử, phần lớn các tội ác tập thể đều liên quan đến lòng yêu nước. Nhân danh lòng yêu nước, người ta đối xử một cách đầy kỳ thị với người khác. Nhân danh lòng yêu nước, người ta xâm lăng các nước khác. Nhân danh lòng yêu nước, người ta tha hồ hành hạ người khác, bắt người khác làm nô lệ, thậm chí, tiêu diệt nguyên cả một sắc tộc hoặc chủng tộc.

Bạn nghĩ lại coi, những bất hạnh lớn nhất của dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay chủ yếu đến từ đâu?

– Từ những cái được gọi là tình yêu nước của người Trung Hoa và của người Pháp đó! Nhân danh lòng yêu nước của họ, người Trung Hoa bao nhiêu lần tràn qua biên giới Việt Nam, giết chết và đày đoạ người Việt Nam. Cũng nhân danh tình yêu nước của họ, bao nhiêu người Pháp chĩa súng bắn vào những người Việt Nam vô tội.

Còn chính chúng ta nữa. Trong lãnh vực này, chúng ta không phải là những kẻ vô can. Cũng nhân danh tình yêu nước, chúng ta nhiều lần giết hại người khác cũng như giết hại chính đồng bào của mình. Bằng chứng đầy trong lịch sử và ký ức đó!

Đây là lý do chính khiến nhiều nhà đạo đức học, nhất là những người theo chủ nghĩa đạo đức phổ quát (moral universalism), không cho lòng yêu nước là một đức hạnh, mà còn, hơn thế nữa, coi đó là một tội ác. Guy de Maupassant cho lòng yêu nước là một quả trứng nở ra chiến tranh. Samuel Johnson cho “lòng yêu nước là chỗ ẩn náu cuối cùng của những kẻ vô lại”. Leo Tolstoy, vâng, chính cái ông Tolstoy, tác giả của bộ Chiến tranh và hoà bình vĩ đại mà nhiều người Việt Nam sùng bái, cho lòng yêu nước là một thứ chủ nghĩa vị kỷ quốc gia (national egoism), là trái với đạo lý, là nguyên nhân chính gây ra những ngộ nhận, căng thẳng và cuối cùng, chiến tranh, giữa các quốc gia: “Lòng yêu nước là nguyên tắc biện chính cho việc giết người hàng loạt”. Gustave Hervé coi lòng yêu nước chỉ là một thứ mê tín: về phương diện tôn giáo, mê tín nảy sinh từ sự dốt nát; về phương diện chính trị, sự mê tín về lòng yêu nước, ngược lại, nảy sinh từ giả dối và lừa đảo. (6)

Vân vân.

Những lời phê phán tình yêu nước nhiều vô cùng. Bạn chỉ cần vào Google là thấy ngay. Tuy nhiên, bài này đã khá dài. Xin tạm dừng lại ở đây đã.

Mai mốt, hưỡn, bàn tiếp.

Chú thích:

  1. 1. Blog của Joyce Anne Nguyễn tạm đóng nên quý bạn đọc có thể đọc bài này trên: http://danluanvn.blogspot.com/2010/02/joyce-anne-nguyen-nao-la-yeu-nuoc.html
  2. 2. Igor Primoratz và Eleksandar Pavkovic (2007), Patriotism: Philosophical and Political Perspectives, Hampshire: Ashgate, tr. 1.
  3. 3. Nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố HCM, 1983.
  4. 4. Nguyễn Gia Kiểng (2001), Tổ quốc ăn năn, Paris: tác giả tự xuất bản, tr. 65-9.
  5. 5. Dẫn theo Adam Kuper (1999), Culture, The Anthropologists’ Account, Cambridge: Havard University Press, tr. 6-7.
  6. 6. Các ý kiến thuộc loại này thường được đăng tải rất nhiều trên các mục danh ngôn về tình yêu nước, có thể tìm thấy dễ dàng trên Google.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG