Đường dẫn truy cập

Sự chuyển hướng chính sách ngoại giao của Mỹ ở châu Á Thái Bình Dương


Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama vẫy chào các binh sĩ sau buổi nói chuyện tai Căn cứ Không quân Hoàng gia Australia ở Darwin, Australia hôm 17/11/11
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama vẫy chào các binh sĩ sau buổi nói chuyện tai Căn cứ Không quân Hoàng gia Australia ở Darwin, Australia hôm 17/11/11

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã tái khẳng định “liên minh không thể phá vỡ được” của Washington với Australia trong một bài phát biểu trước Quốc hội Australia tại Canberra hồi hôm qua. Ông Obama tuyên bố trọng điểm ngoại giao của Hoa Kỳ nay sẽ chuyển từ cuộc chiến chống khủng bố qua các thách thức về kinh tế và an ninh trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Ông là vị tổng thống thứ tư của Hoa Kỳ nói chuyện với các nhà lập pháp tại thủ đô của Australia.

Trong lời giới thiệu Tổng thống Obama trước phòng họp Quốc Hội Australia, Chủ tịch Quốc Hội Australia nói bài diễn văn hôm nay là một dịp quan trọng trong lịch sử Quốc hội Australia.

Tổng thống Obama đã được các nhà lập pháp Australia đón tiếp một cách nồng nhiệt. Ông nói rằng liên minh an ninh song phương là “không thể phá vỡ” được và những mối liên kết giữa Hoa Kỳ và Australia rất sâu xa.

Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nói: “Từ những đường hào của Thế chiến thứ nhất cho đến những đồi núi ở Afghanistan, người Australia và người Mỹ đã sát cánh bên nhau. Chúng ta đã cùng chiến đấu, chúng ta đã cùng dâng hiến mạng sống trong mỗi một cuộc xung đột từ 100 năm qua, từng cuộc xung đột một. Tình đoàn kết đã chống đỡ cho chúng ta vượt qua một thập niên khó khăn. Chúng ta sẽ không bao giờ quên được các vụ tấn công ngày 11 tháng 9 đã cướp đi sinh mạng không những của người Mỹ, mà cả những người từ các quốc gia khác trong đó có Australia.”

Ông Obama đọc bài diễn văn trước Quốc Hội ở Canberra 1 ngày sau khi loan báo Hoa Kỳ sẽ bố trí máy bay quân sự và 2 ngàn 500 binh sĩ thủy quân lục chiến ở bắc bộ Australia, một quyết định được nhiều chuyên gia trong vùng coi như là gửi một thông điệp rõ ràng cho Trung Quốc.

Bắc Kinh đã đáp lại một cách lạnh lùng, và nhấn mạnh rằng việc điều quân này “có thể không thích hợp cho lắm.”

Tổng thống Obama hoan nghênh sự kiện Trung Quốc nổi lên như một cường quốc kinh tế và quân sự, nhưng nói rằng ông muốn có thêm sự giao tiếp giữa các lực lượng Hoa Kỳ và Trung Quốc “để ngăn tránh những vụ hiểu lầm.”

Tuy nhiên, ông hứa sẽ mở rộng tầm ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong vùng châu Á Thái Bình Dương và “phô bầy lực lượng và ngăn cản những mối đe dọa hòa bình” ở khu vực này của thế giới.

Tổng thống Hoa Kỳ nói: “Trong tư cách là khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới và là nơi tập trung hơn phân nửa nền kinh tế toàn cầu, khu vực châu Á Thái Bình Dương là cấp thiết cho việc đạt được ưu tiên cao nhất của tôi và đó là tạo dựng công ăn việc làm và cơ hội cho dân chúng Mỹ. Với phần lớn lực lượng hạt nhân của thế giới và khoảng phân nửa nhân loại, châu Á sẽ góp phần lớn trong việc xác định liệu thế kỷ sắp tới được đánh dấu bởi xung đột hay là hợp tác.”

Tổng thống Obama cũng nói các vụ vi phạm nhân quyền tiếp tục ở Miến Điện, và ông kêu gọi các quốc gia xây dựng sự hỗ trợ dành cho các quyền cơ bản của tất cả công dân.

Ông nêu ra rằng mặc dầu lãnh tụ dân chủ Miến Điện Aung San Suu Kyi hiện không còn bị quản thúc tại gia nữa và một số tù nhân chính trị đã được phóng thích, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục lên tiếng chống lại những vụ vi phạm nhân quyền.

Washington đã chuyển trọng tâm chú ý về mặt ngoại giao từ Trung Đông và cuộc chiến chống khủng bố qua các thách thức về an ninh và vận hội kinh tế trong vùng châu Á Thái Bình Dương.

Tổng thống Hoa Kỳ nói vào lúc Hoa Kỳ chấm dứt sự can dự quân sự ở Iraq và kết thúc dần các hoạt động ở Afghanistan, sẽ có một số cắt giảm về chi phí quốc phòng, nhưng ông hứa sẽ duy trì ảnh hưởng của nước Mỹ trong vùng châu Á Thái Bình Dương.

Tiếp theo bài diễn văn trước Quốc hội Australia ở Canberra, tổng thống sẽ đáp máy bay đến thành phố Darwin miền bắc trước khi tham dự hội nghị thượng đỉnh 18 nước Đông Á ở đảo Bali của Indonesia.

VOA Express

XS
SM
MD
LG