Đường dẫn truy cập

Người đọc: Một sản phẩm mới của lịch sử?


Người đọc: Một sản phẩm mới của lịch sử?
Người đọc: Một sản phẩm mới của lịch sử?

Người cầm bút viết cho ai? Thì cho người đọc! Câu trả lời thật đơn giản. Tưởng không ai có thể nói điều gì khác hơn được. Nhưng vấn đề sẽ trở thành vô cùng phức tạp nếu chúng ta hỏi tiếp: Người đọc là ai?

Phức tạp vì thật ra không có cái gọi là người đọc chung chung và muôn thuở. Khái niệm "người đọc" chỉ là một cái gì rất mới, một sản phẩm của xã hội hiện đại, hơn nữa, ngay trong xã hội hiện đại, khái niệm "người đọc" cũng chỉ là một khái niệm hàm hồ, và vì tính chất hàm hồ ấy, nhiều người đã lợi dụng nó cho những trò chơi đầy gian lận.

Tôi đã thử tìm chữ "người đọc" trong cuốn Từ điển An Nam – Lusitan - Latin của Alexandre de Rhodes xuất bản tại Rome năm 1651: Không có. Tìm chữ "độc giả": Cũng không có. Cả trong cuốn Việt Nam Quốc âm Tự vị xuất bản tại Sài Gòn năm 1895 của Huình Tịnh Paulus Của cũng không có hai chữ ấy. Dĩ nhiên, tôi biết, chưa thể vì sự vắng mặt này mà chúng ta đã có thể đi đến kết luận là trước thế kỷ 20 hai chữ "độc giả" hay "người đọc" không từng hiện hữu. Có thể chúng đã có, nhất là chữ "độc giả".

Có thể. Nhưng nếu có, chắc chắn chúng không phải là những từ phổ cập trong xã hội: chúng nằm ngoài lỗ tai của Alexandre de Rhodes và cũng nằm ngoài cả trí nhớ cũng như sự ghi chép nhất định là rất cẩn thận và nghiêm túc của Huình Tịnh Paulus Của. Chưa có hoặc chưa phổ cập bởi vì, theo tôi, thời bấy giờ, ở Việt Nam không những chưa có khái niệm độc giả như một tầng lớp xã hội mà cũng chưa có cả khái niệm độc giả như một tư cách độc lập được hiểu như những kẻ tiêu thụ các sản phẩm văn học.

Thì cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Xin đừng quên là ở Việt Nam, trước thế kỷ 20, do sự kiểm soát của vua chúa quá nghiêm ngặt (1), do điều kiện kỹ thuật lạc hậu, do nền kinh tế nghèo nàn và cũng do nhiều yếu tố tâm lý và văn hoá khác, số lượng tác phẩm được khắc in rất hiếm. Có, nhưng hiếm. Cũng có cả trường hợp người ta mang tận sang Trung Quốc để thuê in (2) nhưng trường hợp ấy lại càng hiếm.

Hình thức tồn tại phổ biến nhất của các tác phẩm văn học, dù bằng chữ Nôm hay chữ Hán, là dưới dạng viết tay. Tất cả tác phẩm của những cây bút được xem là đại thụ của văn học Việt Nam thời trung đại, từ Nguyễn Trãi đến Nguyễn Du, từ Đoàn Thị Điểm đến Hồ Xuân Hương, đều được viết tay. Những bản khắc in mà chúng ta sưu tầm được hiện nay thường xuất hiện rất muộn sau khi tác giả đã mất. Muộn có khi đến cả mấy thế kỷ.

Người ta làm gì với các bản viết tay ấy? Thường là để tặng bạn bè hoặc "để ở nhà thờ" (3), tức là để cho con cháu chuyền cho nhau đọc. Hoạ hoằn cũng có trường hợp người ta dâng lên vua chúa, chắc là với hy vọng sẽ được lọt vào mắt xanh của vua chúa, từ đó, may ra, được trọng dụng hoặc được triều đình tài trợ cho việc khắc in. Nhưng dù thế nào đi nữa thì số người thực sự đọc các tác phẩm viết tay ấy cũng vô cùng ít ỏi. Ít ỏi đến độ không thành một "giới", như chữ "giới độc giả" chúng ta hiện đang dùng.

May mắn, phần nhiều những người đọc ít ỏi ấy lại là những người ưu tú trong xã hội thời bấy giờ. Do vị thế xã hội, chính trị và văn hoá của họ, những người đọc ấy có thể tác động đến quần chúng, những người chỉ nghe tác phẩm, hoặc thậm chí, chỉ nghe-nói-về-tác-phẩm, để tác phẩm ấy dần dần trở thành một thứ tài sản văn hoá của cả xã hội và của lịch sử.

Có thể nói hầu hết những tác giả trung đại còn lưu danh đến ngày nay chủ yếu là nhờ sự "tiến cử" của số người đọc ít ỏi này. Chứ không phải là quần chúng. Chẳng có quần chúng nào được đọc những Ức Trai thi tập hay ngay cả Quốc âm thi tập lúc Nguyễn Trãi còn sống. Cũng chẳng có quần chúng nào được đọc những Thanh Hiên tiền hậu tập, Nam trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục hay ngay cả Truyện Kiều lúc sinh thời của Nguyễn Du (4). Một phần vì họ không biết chữ. Phần khác, ngay cả khi họ biết chữ, họ cũng không đọc được: không phải ai cũng có cơ hội cầm được trong tay những bản chép tay hiếm hoi ấy.

Do đó, thời trung đại, quần chúng bao giờ cũng là những kẻ đến muộn, khi mọi giá trị đã được khẳng định một cách chắc chắn. Nói cách khác, quần chúng chỉ biết những tác giả ĐÃ nổi tiếng rồi mà thôi.

Độc giả, với tư cách một tầng lớp xã hội cũng như với tư cách một trong những thành tố quan trọng làm nên sinh hoạt văn học chỉ thực sự xuất hiện khi ngành báo chí và xuất bản đã phát triển. Khi thơ văn trở thành một thứ hàng hoá, người đọc mới có cơ hội làm một thứ khách tiêu thụ, những người, thứ nhất, có thói quen đọc sách khá đều đặn, ít nhất trong một thời gian nào đó; thứ hai, giữ một khoảng cách nhất định với tác giả, chỉ tiếp xúc với tác phẩm và, trong phần lớn các trường hợp, thưởng thức tác phẩm như một công trình nghệ thuật thuần tuý.

Một tầng lớp độc giả như thế chỉ có thể thực sự ra đời tại Việt Nam vào đầu thế kỷ 20.

Chú thích:

  1. 1. Trong lời tựa bộ Trích diễm thi tập, Hoàng Đức Lương (thế kỷ 15) cho biết: "thơ văn, hễ chưa có sắc chỉ của vua thì không dám khắc in lưu hành." In lại trong Trần Văn Giáp (1990), Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, tập 2, Hà Nội: nxb Khoa Học Xã Hội, tr. 38.
  2. 2. Theo Trần Văn Giáp (1990), sđd, tr. 99.
  3. 3. Như trên, tr. 128.
  4. 4. Trong lời tựa in trong một bản Truyện Kiều trước đây, Đào Nguyên Phổ cho biết là năm 1895, Truyện Kiều nổi tiếng đến độ "người sao chép nhiều, giấy bản ở đô thành trở nên hiếm đắt." (Theo Trần Văn Giáp, sđd, tr. 137). Tuy nhiên, chúng ta nên lưu ý đến cách viết cường điệu của người xưa, vả lại, trong tình trạng kinh tế cò con ở Việt Nam vào cuối thế kỷ 19, hiện tượng người ta mua nhiều đến độ giấy bị khan hiếm, thật ra, cũng không cho biết mức độ "nhiều" ấy là bao nhiêu. Cuối cùng, hiện tượng này chỉ xảy ra hơn 70 năm sau khi Nguyễn Du (1766-1820) qua đời.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG