Đường dẫn truy cập

Hiểm họa bùn đỏ (2)


Bùn đỏ độc hại tràn ngập nhiều thị trấn ở Hungary
Bùn đỏ độc hại tràn ngập nhiều thị trấn ở Hungary

Hiểm họa bùn đỏ ở Hungary lại khiến những ai quan ngại việc khai thác bauxite Tây Nguyên cất tiếng nói. Người khởi xướng là ông Nguyễn Trung, nguyên Đại sứ tại Thái Lan, một học giả rất uy tín trong giới trí thức. Nhưng trước tiên, xin nhắc là bất chấp mọi “phản biện” trong cũng như ngoài Quốc hội, nhà cầm quyền Việt Nam vẫn tiến hành xây dựng nhà máy Tân Rai ở Lâm Đồng và tiếp tục đàm phán với đối tác Trung Quốc thúc đẩy dự án xây nhà máy Nhân Cơ ở Đắc Nông. Những nhà máy này xây những hồ chứa bùn thải, sử dụng công nghệ “ướt”, rẻ tiền nhưng nhiều rủi ro (Việt Nam dùng công nghệ “ướt” rẻ tiền). Ngoài ra, vị trí những hồ bùn đỏ rất quan trọng: thảm họa nếu xảy ra ở một vùng như Tây Nguyên có địa hình cao, bùn đỏ sẽ trôi xuống những khu vực thấp hơn, mức độ tàn phá hẳn sẽ khủng khiếp. Vì thế, phần lớn các hồ chứa bùn đỏ của các nước khai thác bauxite đều nằm gần bờ biển, và nếu xảy ra sự cố rò rỉ hay vỡ hồ chứa thì bùn đỏ tràn ra biển và sẽ được nước biển pha loãng nên hạn chế được mức độ tác hại.

Theo ông Dương Văn Hòa, phó tổng giám đốc trực tiếp phụ trách dự án bauxite của TKV, thì hai nhà máy chế biến bauxite Tân Rai và Nhân Cơ mỗi năm sẽ thải ra khoảng 1.300.000m3 bùn đỏ. Việc lưu giữ bùn đỏ sau quá trình sản xuất sẽ không tập trung vào một hồ lớn mà chia thành nhiều ô khác nhau. Quá trình xây dựng các ô chứa sẽ đảm bảo luôn có một ô dự phòng nhằm sẵn sàng ngăn chặn, ứng cứu nếu xảy ra sự cố, đảm bảo hạn chế tối đa khả năng bùn tràn ra khu vực xung quanh. Tuy thế, sự cố Hungary với chưa tới 1 triệu mét khối bùn, lại không ở độ dốc như Tây Nguyên, mà đã tàn phá trầm trọng thì ở Việt Nam thật khó mà lường được hết hậu quả. Đối với dự án bauxite Tây Nguyên, Tập đoànThan- Khoáng sản chủ dự án cuối năm nay chính thức khởi công hạng mục hồ bùn đỏ, phải đòi hỏi đối tác Trung Quốc thi công đảm bảo chất lượng theo đúng thiết kế, và những đơn vị tư vấn độc lập phải tiến hành giám sát chặt chẽ. Cần lưu ý rằng: (a) Hungary nước đã khai thác quặng bauxite và sản sản xuất nhôm cả 100 năm qua và Công ty cổ phần nhôm (MAL) luôn tự hào, cam kết, về sự an toàn của đập hồ chứa bùn đỏ; (b) Kinh nghiệm sản xuất alumina, ý thức kỷ luật, dân trí và trình độ kỹ thuật của người Hungary chắc chắn cao hơn Trung Quốc và Việt Nam. Nhưng thảm họa sinh thái do vỡ đập vẫn đã xảy ra. Vì kinh nghiệm này, phía Việt Nam phải rà soát lại đồ án thiết kế, các biện pháp thi công, và trong tính toán phải có dự kiến tình huống bị vỡ đập hồ chứa bùn đỏ, không thể cứ hứa “khơi khơi” là sẽ bảo đảm “không cho vỡ” như kiểu phát ngôn duy ý chí, nhưng khi tai họa xẩy ra thì lại cúi đầu xì xào thuyết định mệnh.

Nhưng không phải không có những phương án khác. Phóng lao, đâu cứ buộc là phải theo lao, nếu là lao vào tai họa! Theo tài liệu hội thảo khoa học “Vai trò của công nghiệp khai thác bauxit sản xuất alumina-nhôm đối với phát triển kinh tế-xã hội Tây nguyên và những yếu tố ảnh hưởng đến môi trường, văn hóa khu vực” do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật VN cùng Bộ Công thương tổ chức hồi tháng 4-2009, PGS.TS Nguyễn Đình Hòe cho rằng với dự án Nhân Cơ, dung tích hồ thải bùn đỏ sau 15 năm lên tới 8,7 triệu m3, tổng lượng bùn đỏ phải tích trên cao nguyên trong cả đời dự án Tân Rai khoảng 80-90 triệu m3. Đặc biệt khả năng gây ô nhiễm nguồn nước ngầm và nước mặt là rất cao khi lưu giữ bùn với khối lượng lớn trong thời gian lâu dài. Gần đây, ông nhấn mạnh (Không thể chủ quan với bùn đỏ), độ pH trong bùn đỏ khoảng 13, nghĩa là gấp khoảng 1 triệu lần độ pH an toàn. Nếu sự cố xảy ra ở Tây nguyên, bùn đỏ trôi xuống sông Đồng Nai thì tính mạng, sức khỏe của hàng chục triệu sẽ người bị đe dọa.

Ngay sau khi sự cố bùn đỏ ở Hungary xẩy ra, ông Nguyễn Trung viết thư gửi Bộ Chính trị ĐCSVN, Quốc hội và Chính phủ, và phần lớn nội dung bức thư này được chuyển tải trong một Kiến Nghị mới đây được 12 trí thức hàng đầu ở Việt Nam đề xuất và kêu gọi mọi người Việt Nam, trong nước cũng như ở hải ngoại, có lòng với tiền đồ dân tộc và tương lai đất nước ký vào ủng hộ (Kiến nghị về dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên, với tấm gương về thảm họa vỡ hồ bùn đỏ ở nhà máy Ajka Timfoldgyar, Hungary). Tôi xin trích:

‘’…. Thảm họa vỡ hồ bùn đỏ Ajka ở Hungary là lời cảnh báo nghiêm khắc đối với vấn đề hồ bùn đỏ chứa chất thải trong sản xuất alumina ở Tây Nguyên.

Lường trước nguy cơ không thể kiểm soát nổi vấn đề bùn đỏ độc hại trong sản xuất alumina ở Tây Nguyên, chúng tôi, những người Việt Nam gắn bó với vận mệnh tồn vong của đất nước ký tên trong bản kiến nghị này, khẩn thiết yêu cầu

- Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam,

- Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam,

- Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

(1) Quyết định cho ngừng ngay việc xây dựng Nhà máy Tân Rai ở Lâm Đồng để nghiên cứu tiếp cách xử lý;

(2) Tạm hủy dự án đang đàm phán tiếp với đối tác nước ngoài về Nhà máy Nhân Cơ ở Đắc Nông;

(3) Tạm thời đình chỉ việc triển khai toàn bộ tổng dự án hiện thời về việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên để tổ chức nghiên cứu lại một cách nghiêm túc và khoa học;

(4) Lập nhóm nghiên cứu độc lập (nhóm đặc nhiệm) gồm những cá nhân có uy tín và có tâm huyết với đất nước trong giới các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế và những người hoạt động xã hội độc lập, để tiến hành nghiên cứu lại toàn bộ vấn đề bauxite Tây Nguyên.

(5) Những kết quả nghiên cứu lại một cách tổng thể vấn đề bauxite Tây Nguyên của nhóm đặc nhiệm này sẽ được trình bày trước Quốc hội, đồng thời được đem ra trưng cầu ý kiến nhân dân cả nước về đề tài kinh tế – xã hội vô cùng nhạy cảm này để quyết định.’’

Kiến Nghị này, tôi gọi là KN 2, lại thêm một lần nói lên sức sống tiềm tàng một xã hội dân sự vẫn hiện diện ngay trong cái môi trường ngặt nghèo ai cũng biết. Sự hiện diện này có, là vì trí tuệ và lương tâm tiếp tục tồn tại, bất chấp mọi kềm kẹp của thế quyền. Luận cứ tạo cơ sở cho KN 2 có thể tóm lược: “khai thác bauxite ở Tây Nguyên để sản xuất alumina như đang triển khai là phi kinh tế, hủy hoại môi trường, để lại nhiều hệ quả khó lường về kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội, uy hiếp nghiêm trọng an ninh quốc phòng của quốc gia… Nhìn lâu dài về tổng thể, 5 yêu cầu nêu trong kiến nghị này còn là phương án tốt nhất, kinh tế nhất và toàn diện nhất, với nghĩa các tổn thất do phải tạm hủy ngay hoặc thậm chí có khi phải đi tới kết luận sẽ phải hủy hoàn toàn việc khai thác bauxite Tây Nguyên, dù sao sẽ vẫn còn rẻ hơn cái giá phải trả không thể lường hết được và thậm chí không thể cứu vãn được cho những hệ quả và thảm họa có thể xảy ra.

Thêm luận cứ này, thiết tưởng cũng nên ghi nhận: đối tác khai thác những dự án bauxite Tây Nguyên là “người lạ” chịu trách nhiệm thi công mọi mặt, nhất là về kỹ thuật. Thử nghĩ xem, khi “người lạ” bất bình, thì hồ chứa hàng triệu mét khối bùn đỏ có thể là một quả bom “bắt bí” đe dọa sinh mạng chục triệu người và môi trường sinh thái của ba tỉnh thấp hơn kế cận Tây Nguyên. Tác động trái bom bùn đỏ này gấp hàng trăm hàng ngàn lần hai trái bom nguyên tử nổ ở Hiroshima và Nagasaki thời Thế chiến I I. Các Tướng Võ Nguyên Giáp, Đồng Sĩ Nguyên, Nguyễn Trọng Vĩnh cùng nhiều vị tướng tá khác trong Quân đội nhân dân Việt Nam lo ngại vấn đề an ninh quốc phòng là có cơ sở. Môi hở, và răng có khả năng cắn môi, cho đến khi môi mấp máy lời thần phục.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG