Đường dẫn truy cập

Lệnh cấm mang khăn che mặt có hiệu lực ở Pháp hôm nay


Theo luật mới, phụ nữ mang khăn che mặt ở nơi công cộng sẽ có thể bị phạt tới 200 đôla. Những người buộc phụ nữ mang khăn che mặt còn bị phạt nặng hơn – có thể lên tới 41.000 đôla và 1 năm tù
Theo luật mới, phụ nữ mang khăn che mặt ở nơi công cộng sẽ có thể bị phạt tới 200 đôla. Những người buộc phụ nữ mang khăn che mặt còn bị phạt nặng hơn – có thể lên tới 41.000 đôla và 1 năm tù

Hôm nay, Pháp đã trở thành nước đầu tiên áp dụng lệnh cấm mang niqab, tức khăn che mặt của phụ nữ Hồi giáo, khi một luật lệ mới bắt đầu được áp dụng. Thông tín viên VOA Lisa Bryant đã nói chuyện với các phụ nữ Hồi giáo về lệnh cấm tại khu ngoại ô Aubervilliers của Paris, và ghi nhận chi tiết trong bài tường trình sau đây.

Lễ cầu kinh hôm thứ Sáu tại Đền thờ Huynh Đệ ở Aubervilliers. Khu dành cho phụ nữ đông nghẹt và phản ánh thành phần phong phú của giới di dân Pháp. Đầy mầu sắc. Những áo djellaba và váy Phi châu vùng phía nam sa mạc Sahara chen lẫn với những cái áo trùm kín mít từ đầu đến chân màu đen, còn gọi là hijab.

Bài cầu kinh của giáo sĩ imam được truyền đi trên loa phóng thanh. Các khu vực dành riêng của phụ nữ và nam giới trong đền thờ hoàn toàn tách biệt. Vị giáo sĩ đang khiển trách thanh niên và phụ nữ đi chung mà không có liên hệ gia đình.

Đối với cô Someya, 22 tuổi, đây sẽ là ngày thứ sáu cuối cùng cô đến đền thờ với tấm khăn che mặt, gọi là niqab hay burqa. Đầu tuần sau đó, luật lệ mới của Pháp sẽ có hiệu lực cấm phụ nữ mang phục trang này.

Cô Someya nói cô sẽ rất đau lòng phải gỡ tấm khăn che mặt vì nó tiêu biểu cho đức tin Hồi giáo của cô. Cô cho biết cô đã tự ý theo Hồi giáo cách đây 6 tháng.

Cô sinh viên Yamina 24 tuổi mang áo hijab, một khăn trùm không che mặt.

Cô Yamina cho biết cô mang khăn hijab chứ không mang niqab bởi vì cô chưa có cơ hội, bởi vì luật lệ chống lại phụ nữ và Hồi giáo.

Nhưng cô Sarah Morvan, 18 tuổi vừa cải theo đạo Hồi, cho biết cô sẽ tiếp tục đeo khăn che mặt bất kể lệnh cấm. Cô sẽ ở nhà nhiều hơn.

Mang khăn niqab, cô Morvan nói cô cảm thấy được che chở tránh những cái nhìn của nam giới và người lạ. Cô cảm thấy tách rời khỏi xã hội.

Đó chính là điều mà giới ủng hộ lệnh cấm mang khăn che mặt đang tranh đấu chống lại. Tuy chính phủ ước tính chỉ có khoảng 2.000 phụ nữ mang khăn che mặt ở Pháp, những người ủng hộ lệnh cấm lập luận rằng luật này là cần thiết nếu khoảng chừng từ 5 đến 6 triệu người Hồi giáo, đa số là di dân, muốn hòa nhập vào xã hội.

Đi tiên phong trong việc vận động cho luật này là Tổng thống trung hữu Nicolas Sarkozy. Ông Sarkozy cũng nói rằng điều quan trọng là bảo đảm sự tôn trọng nữ quyền và tách rời giáo hội ra khỏi nhà nước.

Trong những bài phát biểu như bài này, vào năm 2009, ông Sarkozy tuyên bố không có chỗ cho mạng che mặt ở Pháp. Không có chỗ ở Pháp cho sự đàn áp phụ nữ – trong bất cứ tình huống nào.

Nhưng nhiều người Hồi giáo – kể cả những người không mang hoặc tán đồng khăn che mặt này – nói rằng họ đang bị nhắm làm mục tiêu một cách bất công. Họ nói ông Sarkozy và đảng UMP đang phân biệt đối xử người Hồi giáo, một phần trong cố gắng làm vừa lòng khối cử tri cực hữu chống di dân trước cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới.

Tuần trước, UMP đã châm ngòi cho một sự chỉ trích tương tự qua việc tổ chức một cuộc tranh luận về Hồi giáo và thế tục.

Tại đền thờ Hồi giáo Aubervilliers, một phụ nữ tên là Malika không mang khăn che mặt, nhắc lại bài phát biểu của ông Sarkozy trước một đám đông Hồi giáo bảo thủ cách đây vài năm – khi ông còn là Bộ trưởng Nội vụ Pháp.

Cô Malika nhắc lại rằng ông Sarkozy đã nói với phụ nữ dự cuộc họp hãy gỡ tấm khăn che mặt ra. Phụ nữ đã đáp lại bằng cách phất các thẻ căn cước Pháp và nói với ông rằng họ là người Pháp nhưng cũng là người Hồi giáo và họ hãnh diện về điều này.

Theo luật mới, phụ nữ mang khăn che mặt ở nơi công cộng sẽ có thể bị phạt tới 200 đôla và phải theo các lớp cải tạo. Những người buộc phụ nữ mang khăn che mặt còn bị phạt nặng hơn – có thể lên tới 41.000 đôla và 1 năm tù.

Bỉ đã thông qua một lệnh cấm tương tự hồi năm ngoái và các nước Châu Âu khác cũng đang xem xét dự luật, nhưng Pháp là nước đầu tiên thực thi dự luật này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG