Đường dẫn truy cập

Đến 2016 mới có bầu cử ở Thái Lan


Giới hữu trách ở Thái Lan, quốc gia đang thiết quân luật và đang do một vị tướng lãnh hồi hưu điều hành, cho biết họ không dự báo việc tổ chức bầu cử vào năm tới như đã hứa lúc ban đầu.

Một giới chức cấp cao hôm thứ Năm nói với các phóng viên rằng không thể tổ chức được một cuộc tổng tuyển cử vào năm tới bởi vì các nhóm ở Thái Lan chống đối tập đoàn quân nhân cầm quyền, gọi là Hội đồng Hoà bình và Trật tự Quốc gia.

Ông Prawit Wongsuwan, một vị tổng tư lệnh quân đội hồi hưu của quân đội Hoàng gia Thái, hiện nắm các chức vụ bộ trưởng quốc phòng và phó thủ tướng trong nội các quân nhân, cũng cho biết giới hữu trách cần có thêm thời giờ để viết một bản hiến pháp mới.

Ông Prawit nói Thái Lan “sẽ có thể tổ chức bầu cử vào khoảng đầu năm 2016 một khi hiến pháp được thảo xong."

Trước đây, người cầm đầu cuộc đảo chính và hiện đang làm thủ tướng là ông Prayuth Chan-ocha, đã hứa sẽ trở lại thể chế dân chủ với các cuộc bầu cử vào khoảng tháng 10 năm 2015.

Ông Sunai Phasuk, nhà nghiên cứu kỳ cựu về Thái Lan của tổ chức phi chính phủ quốc tế Human Rights Watch, nói rằng thời biểu bầu cử không đúng hạn là điều không phải là bất ngờ:

“Không bất ngờ chút nào. Rõ ràng là tập đoàn quân nhân cầm quyền không có cam kết thực hiện lời hứa phục hồi thể chế dân chủ dân sự trong vòng một năm.”

Hiến pháp trước đây đã bị bãi bỏ bởi tướng Prayuth khi đó là tổng tư lệnh quân đội và một ủy ban đã được bổ nhiệm để thảo một hiến pháp mới sau khi vị tướng lãnh này lật đổ chính phủ dân sự của Thái Lan cách đây sáu tháng trong một cuộc đảo chính không đổ máu. Đây là cuộc đảo chính mới nhất trong một loạt nhiều hành động can thiệp chính trị của quân đội trong nhiều thập niên để lật đổ các chính phủ dân cử hay được bổ nhiệm.

Trước đây trong tuần này, tổ chức Human Rights Watch phàn nàn rằng Thái Lan đã rơi vào một cái hố dường như không đáy bởi vì những người chỉ trích thường bị truy tố, hoạt động chính trị bị cấm chỉ, truyền thông bị kiểm duyệt và những người bất đồng chính kiến bị đưa ra xét xử trước toà án quân sự.

Theo ông Sunai, trong bầu không khí hiện thời không thể nào tiến hành một cuộc bầu cử khả tín.

“Hoạt động chính trị, kể cả hoạt động của các chính đảng, đã bị cấm chỉ. Không có sự bảo đảm nào rằng một cuộc bầu cử khi diễn ra sẽ là một cuộc bầu cử tự do và công bằng, trong đó mọi người đều có thể ra tranh cử một cách tự do, và tiến hành cuộc vận động một cách tự do.”

Các giới chức trong tập đoàn cầm quyền đã thừa nhận rằng mục tiêu chủ yếu của cuộc đảo chính ngày 22 tháng 5 là xoá bỏ vĩnh viễn ảnh hưởng chính trị của phe đảng Shinawatra. Các chính đảng có liên minh với gia đình giàu có này đã thắng mọi cuộc tổng tuyển cử kể từ năm 2001, phần lớn là nhờ sự ủng hộ của giới nghèo khó bất mãn ở vùng nông thôn miền bắc.

Ông Thaksin Shinwatra đã bị lật đổ khỏi chức thủ tướng trong một cuộc đảo chính năm 2006, và hiện đang bị coi là một người bị truy nã sống lưu vong. Người em gái ông, bà Yingluck Shinawatra, đã bị đẩy ra khỏi cùng chức vụ ấy ngay trước khi xảy ra cuộc đảo chính trong năm nay.

Một số chuyên gia phân tích không muốn nêu danh tính cũng nói rằng thời điểm vụ đảo chính mới nhất được tính toán để bảo đảm phe nhóm bảo hoàng trong quân đội lên nắm quyền vào lúc có sự lo ngại ngày càng tăng về vấn đề cực kỳ nhạy cảm là việc kế vị nhà vua.

Quốc vương Bhumipol, được nhiều người kính nể, ăn mừng sinh nhật thứ 87 vào tuần tới và sức khoẻ đã ở trong tình trạng suy yếu từ nhiều năm nay.

Đông cung Thái tử Maha Vajiralongkorn không được lòng dân giống như vua cha, là nhà vua trị vì lâu năm nhất thế giới. Mọi sự bàn tán về hoàng gia đều bị ém nhẹm vì các luật lệ về khinh quân rất gắt gao.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG