Đường dẫn truy cập

Chủ nghĩa hiện thực dưới mắt các nhà hậu hiện đại


Houses lie flattened after a powerful earthquake in Iwaki, Fukushima Prefecture, Japan, March 11, 2011
Houses lie flattened after a powerful earthquake in Iwaki, Fukushima Prefecture, Japan, March 11, 2011

Trong bài “Chủ nghĩa hiện thực đã lỗi thời”, tôi nêu lên một số phê phán, thậm chí, phủ định đối với chủ nghĩa hiện thực, từ ba góc độ: ngôn ngữ học, triết học và chủ nghĩa hiện đại (modernism).

Thế còn với chủ nghĩa hậu hiện đại (postmodernism) thì sao?

Thì cũng phủ định. Hơn nữa, có thể nói: Các lý thuyết gia hậu hiện đại lại càng phủ định chủ nghĩa hiện thực.

Xin lưu ý là chủ nghĩa hậu hiện đại không quá cực đoan và cũng không quá nhấn mạnh vào các phiêu lưu và thử nghiệm như chủ nghĩa hiện đại, thậm chí còn chủ trương quay về truyền thống, dung hợp các thành tựu trong quá khứ, từ xu hướng tự sự trong văn học đến xu hướng mô tả trong hội hoạ và tính cung thể (tonality) trong âm nhạc. Tuy nhiên, như Hans Bertens nhấn mạnh, điều đó không có nghĩa là chủ nghĩa hậu hiện đại phục hồi chủ nghĩa hiện thực thế kỷ 19.(1)

Ngược lại, chủ nghĩa hậu hiện đại phát triển theo hướng ngược chiều hẳn với chủ nghĩa hiện thực: trong khi chủ nghĩa hiện thực tin vào cái thực và vào khả năng tái hiện hiện thực của ngôn ngữ, chủ nghĩa hậu hiện đại không những ngờ vực khả năng tái hiện hiện thực như các nhà hiện đại chủ nghĩa đầu thế kỷ 20 mà còn ngờ vực cả cái gọi là hiện thực; (2) trong khi chủ nghĩa hiện thực thiên về tính chất quy chiếu (referential), chủ nghĩa hậu hiện đại thiên về tính hình thức; trong khi chủ nghĩa hiện thực quan tâm đến tính lịch sử, chủ nghĩa hậu hiện đại lại quan tâm nhiều hơn đến tính văn bản và liên văn bản; trong khi chủ nghĩa hiện thực khao khát tìm kiếm “quy luật”, “chân lý” hay “bản chất” của hiện thực, chủ nghĩa hậu hiện đại dừng lại ở những hiện tượng bên ngoài, trên bề mặt, thiếu hẳn chiều sâu.

Theo các lý thuyết gia Tây phương về chủ nghĩa hiện thực, từ Georg Lukács đến Erich Auerbach, đặc điểm nổi bật nhất của chủ nghĩa hiện thực là khả năng tái hiện một cách trung thực tính toàn thể (totality) và tổng thể (wholeness) của kinh nghiệm sống.(3) Tính toàn thể và tổng thể ấy, một mặt, gắn liền với lịch sử như là một chuỗi sự kiện có quan hệ nhân quả chặt chẽ với nhau; mặt khác, có thể được xem như những biểu hiện của những đại tự sự (grand narrative) hay siêu tự sự (metanarrative), nói theo thuật ngữ của Jean-François Lyotard, một đặc trưng của chủ nghĩa hiện đại, ở đó, người ta có tham vọng xây dựng những tự sự lớn lao, bao trùm mọi thứ để chính thức hoá những dự án chính trị, triết học hay đạo đức học của họ.

Về khía cạnh thứ nhất, hầu hết các lý thuyết gia hậu hiện đại, từ các nhà nữ quyền đến hậu thực dân luận, hậu cấu trúc luận, và cả các nhà Mác-xít ở Tây phương nữa, đều nghi ngờ những cái gọi là lịch sử khách quan, thống nhất và phi-văn bản (atextual) như thế: với họ, lịch sử là cái được tạo thành hơn là có sẵn, là một diễn ngôn (discourse) hơn là một thực tại, từ đó, một số người đi xa hơn, xem lịch sử như một cái gì đã chết.

Về khía cạnh thứ hai, những tham vọng vươn đến cái nhìn bao trùm thực tại càng ngày càng tỏ ra không có cơ sở. Bước sang thời hậu hiện đại, theo Lyotard, những đại tự sự như thế càng ngày càng mất dần tính chất khả tín. Con người hậu hiện đại không còn tin vào những tiêu chuẩn phổ quát làm nền tảng cho sự phán đoán nữa; không chấp nhận đóng khung sự phán đoán của mình theo những luật lệ tiền lập trong các đại tự sự có sẵn.(4) Văn học hậu hiện đại cũng vậy: tính toàn thể và tổng thể bị thay thế bởi tính phân mảnh (fragmentation) và đứt khúc (disjunction). Những yếu tố phân mảnh và đứt khúc này, thật ra, đã xuất hiện ngay trong cao trào của chủ nghĩa hiện đại. Bởi vậy, cả Auerbach lẫn Lukács đều xem chủ nghĩa hiện đại như kẻ thù của chủ nghĩa hiện thực: với Auerbach, chủ nghĩa hiện đại đã phủ nhận ngay chính yếu tính của chủ nghĩa hiện thực, trong khi đó, với Lukács, chủ nghĩa hiện đại đã phủ nhận cả bản thân hiện thực.(5)

Với các nhà hậu hiện đại chủ nghĩa, nói đến chủ nghĩa hiện thực, người ta dễ có cảm tưởng như nghe một chuyện ma quái. Nó vừa không có thực vừa vô lý.

Ngay một lý thuyết gia hậu hiện đại theo khuynh hướng Mác-xít như Terry Eagleton cũng thừa nhận: “Tiểu thuyết không có khả năng nói sự thực”.(6)

Chú thích:

  1. 1.Hans Bertens (1995), The Ideas of the Postmodern, a History, London: Routledge, tr. 216.
  2. 2.Trong cuốn Sociology of Postmodernism do Routledge xuất bản tại London năm 1990, Scott Lash tóm tắt sự khác biệt giữa chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại vào một nhận xét được rất nhiều người trích dẫn: “modernism conceives of representation being problematic whereas postmodernism problematizes reality.” (tr. 13)
  3. 3.Stephen Baker (2000), The Fiction of Postmodernity, Lanham: Rowman and Littlefield Publishers, tr. 20.
  4. 4.Xem bài “Ðiều kiện hậu hiện đại: bản tường trình về trí thức” của Jean-Francois Lyotard do Nguyễn Minh 5.Quân dịch, Việt, số 7 (2001), tr. 177-196. (Có thể xem trên http://tienve.org.)
  5. Stephen Baker (2000), sđd, tr. 21.
  6. 6.Terry Eagleton (2003), After Theory, New York: Basic Books, tr. 90.
  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG