Đường dẫn truy cập

Thái Lan và các phần tử nổi dậy Hồi giáo đàm phán


Cảnh sát và binh sĩ Thái đang khám xét hiện trường một vụ nổ bom ở Pattani, miền Nam Thái Lan, ngày 24/5/2014.
Cảnh sát và binh sĩ Thái đang khám xét hiện trường một vụ nổ bom ở Pattani, miền Nam Thái Lan, ngày 24/5/2014.

Các cuộc đàm phán của chính phủ Thái Lan với các nhóm ly khai ở miền Nam Thái Lan đã được nhiều người hoan nghênh trong cố gắng chấm dứt một thập niên bạo động đã cướp đi hàng ngàn sinh mạng. Nhưng các nhà hoạt động coi các cuộc thương nghị là một giai đoạn đầu của một tiến trình lâu dài. Từ Bangkok, thông tín viên VOA Ron Corben gửi về bài tường thuật.

Các cuộc đàm phán tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia đã được sự hậu thuẫn của chính phủ Malaysia và đánh dấu một cố gắng mới của giới hữu trách Thái Lan muốn chấm dứt một cuộc nổi dậy đã kéo dài hơn 1 thập niên ở các tỉnh miền Nam.

Các cuộc đàm phán trước đây đã thất bại một phần vì sự chia rẽ giữa các phe phái nổi dậy. Nhưng tình hình đã lạc quan hơn kể từ khi nhiều nhóm thành lập một tổ chức bao trùm, gọi là Hội đồng Tham vấn Patani hay Mara Patani, với mục đích tìm cách đạt được một “giải pháp công chính, toàn diện và lâu dài”.

Các cuộc đàm phán của quân đội Thái Lan diễn ra sau khi những nỗ lực trước đây thất bại dưới thời cựu chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã bị lật đổ.

Một cố vấn chính phủ, ông Panitan Wattanayagorn, một nhà khoa học chính trị, nói trọng tâm của chính phủ Thái là đem lại hòa bình và ổn định cho khu vực sau một thập niên xung đột và đánh dấu một bước tiến tới quan trọng.

“Nó mang tính hệ thống hơn, có tổ chức hơn, có trật tự hơn, mặc dầu một số vấn đề ít nhiều vẫn như trước, nhưng ta có những thành phần tham dự mới và có nhiều động năng và cam kết hơn. Quả là một sự bắt đầu lại tốt đẹp”.

Bạo động kéo dài

Về mặt lịch sử, khu vực này là một tiểu vương quốc bán tự trị cho đến năm 1909 khi được đặt dưới quyền kiểm soát của Thái Lan qua một thỏa thuận với Anh Quốc.

Nhưng trong vòng 100 năm qua, hoạt động nổi dậy đã lên xuống giữa những nỗ lực của chính phủ Thái muốn đồng hóa dân chúng vào vương quốc.

Vào cuối thập niên 1990, theo một quá trình đàm phán, các vụ bắt giữ và ân xá dẫn tới một sự sụt giảm đáng kể về các vụ bạo động nổi dậy trong nhiều năm.

Song dưới thời Thủ tướng Thaksin Shinawatra từ năm 2001, chính phủ đã thay đổi những sắp xếp an ninh đã có từ lâu, dẫn tới tình trạng đổ máu leo thang kể từ năm 2004.

Số tử vong đã liên tục tăng lên đến trên 6.000 người vào lúc các phần tử nổi dậy nhắm mục tiêu vào các giới chức nhà nước, các giáo viên, các nhà sư Phật giáo và người Hồi giáo, trong khi các cộng đồng địa phương than phiền về những vụ giết chóc bừa bãi giữa một bầu không khí không sợ bị trừng phạt.

Bạo động bao gồm những vụ nổ súng từ trên xe đang chạy, chặt đầu và các chiến dịch oanh kích ở các thị trấn chủ yếu gần biên giới giáp với Malaysia.

Đòi quyền tự trị

Đại diện của Mara Patani, ông Abu Hafez, nói mục tiêu tối hậu của nhóm này là chủ quyền và quyền tự quyết.

Các nhà thương thuyết Thái đã nhất mực từ chối mọi lời kêu gọi ban quyền tự trị cho khu vực. Nhưng quân đội trong năm vừa qua đã có hành động phóng thích trước hạn một số tù nhân nổi dậy trong một dấu hiệu thiện chí.

Ông Panitan nói các cuộc đàm phán chỉ đang ở một giai đoạn rất sơ khởi.

“Không có sự thừa nhận chính thức hay công tác chính thức về cuộc họp cụ thể này mãi cho đến sau này. Đây chỉ là tiến trình mở đầu nhưng nó chuyển đi một tín hiệu tốt đẹp cho tiến trình là quả thực hai bên đang cam kết đàm phán. Và chúng ta hy vọng trong tương lai gần đây sẽ có thể tổ chức thêm các cuộc họp và sẽ có thêm sự tham gia”.

Bà Angkhana Neelapaichit, một thành viên của Ủy ban Nhân quyền Quốc gia, nói các cuộc thương thuyết cho thấy “có một biến chuyển”, nhất là với sự tham dự của nhiều nhóm nổi dậy. Nhưng bà Angkhana nói muốn các cuộc đàm phán đạt được thành quả thì cần phải có sự đại diện rộng rãi hơn của cộng đồng địa phương.

“Mối quan tâm của tôi là không những phải có đại diện của các nhóm ly khai mà phải có xã hội dân sự, những người thuộc giới Phật giáo và phụ nữ trong tiến trình hòa bình bởi lẽ quyết định chung cuộc về cuộc thương thuyết không thể chỉ là nhà nước. Ta phải bao gồm nhiều thành phần hơn”.

Quân đội Thái đang xúc tiến các biện pháp kêu gọi các phần tử nổi dậy chấm dứt bạo động, nhưng cho đến nay chưa đưa ra mấy nhượng bộ để trao đổi. Các nhà phân tích cho rằng các nhóm nổi dậy có phần chắc sẽ kéo dài các cuộc đàm phán về nhiệm kỳ của chính phủ quân nhân cho đến khi các cuộc tổng tuyển cử dự trù diễn ra vào năm 2017, với hy vọng được những nhượng bộ lớn hơn từ phía một chính phủ dân sự sắp tới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG