Đường dẫn truy cập

Thu hồi đất ở Long An: Dân nổi lửa, tạt acid vào lực lượng cưỡng chế


Thân nhân ông Nguyễn Trung Can phản đối vụ thu hồi đất
Thân nhân ông Nguyễn Trung Can phản đối vụ thu hồi đất

Ít nhất 12 người bị bắt, hàng chục công an bị thương vì acid, bom xăng trong vụ phản kháng cưỡng chế đất đai ở huyện Thạnh Hóa, Long An.

Vụ việc xảy ra ngày 14/4 khi 3 hộ dân địa phương nổi lửa, tạt acid, và cho nổ bình hàn gió đá để phản đối hành vi mà họ cho là ‘cướp đất’ của tỉnh Long An khi lực lượng công quyền tiến hành cưỡng chế căn lều tạm của gia đình ông Nguyễn Trung Can và bà Mai Thị Kim Hương trên mảnh đất mà họ đã sinh sống mấy chục năm nay.

Trong số những người bị thương nặng có trưởng công an xã Thạnh An dẫn đầu lực lượng cưỡng chế, Trung tá Nguyễn Văn Thủy, bị tạt acid hiện đang được chữa trị tại bệnh viện Chợ Rẫy; và bố của bà Hương, ông Mai Văn Tuân, đang nằm bệnh viện huyện Thạnh Hóa vì các thương tích do công an hành hung.

Tại vì nhà nước giải quyết không thỏa đáng nên con tôi liều chết. Nó nói giờ sống của cải tài sản cũng không còn gì, nên chết đi để giành quyền lợi cho bao nhiêu người dân thấy chế độ cộng sản đối xử với người dân tàn nhẫn như vậy đó.

Đến tối ngày 16/4, một số người vẫn còn bị giam giữ trong đó có 3 thành viên trong gia đình ông Can, bà Hương.

Ông Mai Văn Phong, anh ruột bà Hương, cho biết:

“Mấy người còn bị giữ chưa biết tin tức thế nào, đặc biệt ông bà già của tôi bị thương tích nặng. Cha tôi bị nó hành hung bị chấn thương cổ đang điều trị ở bệnh viện đa khoa huyện. Mẹ tôi bị nó kéo lê lở hết hai đầu gối và móng chân.”

Họp báo ngày 15/4, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thạnh Hóa, ông Nguyễn Văn Tạo, nói các gia đình nông dân này ‘chủ động tấn công,’ đâm dao, nổi lửa, tạt acid vào lực lượng cưỡng chế.

please wait

No media source currently available

0:00 0:08:12 0:00
Tải xuống

Người nhà ông Can-bà Hương phản bác:

“Gia đình Nguyễn Trung Can em tôi làm vậy để tự thủ vì bây giờ nó không còn gì để sống, nó quyết định tự thiêu luôn, nhưng người ta cứu nó được. Giờ nó chỉ còn miếng đất đó thôi, không còn gì khác, nó quyết tâm để tự thủ chứ không có ý đồ gì khác. Nhưng khi đoàn cưỡng chế tới làm quá, bắt buộc nó phải làm thôi.”

Về diễn tiến vụ bạo động ‘Người nông dân nổi dậy’ hôm 14/4 ở Long An, bà Nguyễn Thị Thắng, mẹ của bà Hương, thuật lại với VOA Việt ngữ:

“Họ tới không đọc quyết định, trên xe đổ xuống là ào vô. Tôi đứng ngăn. Tôi bảo ‘Yêu cầu mấy anh chính quyền cách xa 5 mét, nếu không tánh mạng tôi không bảo đảm.’ Nói vậy mà mấy ổng ùa vô, bắt đầu tấn công, trói hết mấy đứa con tôi. Tôi chạy ngược ra, họ đánh tôi té gần chết luôn. Hô hấp tôi tỉnh dậy, mấy ổng kè kéo tôi mấy chục thước để đưa lên xe, trầy nứt hai đầu gối tôi hết trơn. Tại vì nhà nước giải quyết không thỏa đáng nên con tôi liều chết. Nó nói giờ sống của cải tài sản cũng không còn gì, nên chết đi để giành quyền lợi cho bao nhiêu người dân thấy chế độ cộng sản đối xử với người dân tàn nhẫn như vậy đó.”

Chuyện này mà mấy ổng đàn áp được thì mai mốt dân đen chúng tôi còn bị đàn áp tiếp nữa. Sẽ có những gia đình khác giống như gia đình của chúng tôi như vậy thôi.

Tranh chấp khởi sự từ dự án giải phóng mặt bằng để xây công trình bờ kè thị trấn Thạnh Hóa mà huyện được giao thực hiện từ năm 2007 bao gồm đoạn Đê bao dài 500 mét, với tổng diện tích đất thu hồi trên 11 ngàn mét vuông.

Báo nhà nước dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện, Nguyễn Văn Tạo, nói 106 trong số 109 hộ dân bị ảnh hưởng từ dự án này đã đồng ý giao mặt bằng cho nhà nước. Ba gia đình không chấp nhận mức đền bù là ông Nguyễn Trung Can, Nguyễn Trung Tài, và bà Nguyễn Thị Nhanh.

Ông Tạo nói chính quyền địa phương đã nâng giá bồi thường từ 80 ngàn đồng ban đầu lên thành 300 ngàn đồng/mét vuông, nhưng các hộ này không đồng ý cũng như không chịu nhận đất tái định cư.

Bà Thắng lý giải nguyên nhân:

“Đất của con tôi nằm mặt tiền chợ, mặt tiền sông, nó buôn bán hằng ngày mà đưa con tôi vô khu tái định cư đó làm sao con tôi lấy gì sống. Bồi thường không thỏa đáng mới ra nông nổi như vậy, chứ nếu thỏa đáng là nó đã đi. Mấy ổng bán mấy triệu một mét, mà đền mấy trăm ngàn một mét, đền tiền cho 120 mét vuông đất ra chưa mua được 5 thước đất nữa, làm sao con tui chịu?”

Ông Phong tiếp lời:

“Bây giờ nguyện vọng của gia đình chỉ là đất đổi đất, 120 mét vuông của nó là mặt tiền đối diện cửa nhà lồng là trung tâm thương mại Thạnh Hóa. Đất bao nhiêu chỉ nhận lại bấy nhiêu nhưng nhận với điều kiện là phải có chỗ để nó mần ăn. Bây giờ là mất trắng, rồi phải tù tội. Nó cũng biết trước mà nó chấp nhận nó làm vì tài sản duy nhất là đất để sinh sống mà không còn cho nên nó mới đòi tự sát.”

Cũng tại cuộc họp báo hôm qua, Chủ tịch huyện Thạnh Hóa khẳng định khu vực các hộ dân này sinh sống mấy chục năm nay là đất công, họ không có giấy chủ quyền, nên nay chính quyền tịch thu lại để làm công trình tiện ích.

Bà Thắng bác bỏ điều mà bà gọi là kiểu nói ‘qua loa’ lấy được của chính quyền địa phương:

“Đất này là của ông nội của Can để lại mấy chục năm nay, ngay mặt tiền chợ. Nó yêu cầu bồi thường thỏa đáng nhiều lần mấy ổng không bồi thường thỏa đáng. Nó đã lường trước thế nào cũng sẽ xảy ra chuyện, thành ra nó mới giữ gìn tài sản của ông cha nó để lại. Đất đó là của ông cha để lại, chứ không phải là đất công. Làm sao không có sổ đỏ mà ở đó được từ thời chế độ trước tới bây giờ, từ năm 60 tới giờ. Bây giờ một tấc đất cũng tranh chấp mà 120 mét vuông đất mà không có sổ đỏ làm sao ở được với chính quyền nhà nước này?”

Gia đình ông Can nói đã nhiều lần khiếu nại từ năm 2009 tới nay nhưng không được giải quyết thỏa đáng trong khi huyện tuyên bố đã giải quyết theo đúng quy định.

Đây là lần cưỡng chế thứ ba của huyện đối với các hộ dân này. Hai lần cưỡng chế trước, theo lời Chủ tịch huyện được báo chí trích dẫn, ban công tác phải trở về vì các hộ dân này ‘phản đối dữ.’

Đất đó là của ông cha để lại, chứ không phải là đất công. Làm sao không có sổ đỏ mà ở đó được từ thời chế độ trước tới bây giờ, từ năm 60 tới giờ.

Anh ruột ông Can cho biết hiện căn lều tạm của gia đình ông Can và bà Hương đã bị thiêu rụi, đất đã bị chính quyền địa phương rào lại sau khi cưỡng chế. Con cái họ hiện lang thang không nơi nương tựa trong khi cha mẹ chúng đang lâm vào cảnh tù tội.

Ông Phong bày tỏ nguyện vọng:

“Trong vụ này, chúng tôi chỉ yêu cầu Ủy ban huyện, tỉnh trả lại sự công bằng cho gia đình tôi nói riêng và cho nhân dân Việt Nam nói chung. Chuyện này mà mấy ổng đàn áp được thì mai mốt dân đen chúng tôi còn bị đàn áp tiếp nữa. Sẽ có những gia đình khác giống như gia đình của chúng tôi như vậy thôi.”

Vụ bạo động đất đai ở Long An được xem là ‘vụ Tiên Lãng’ thứ hai tại Việt Nam gây chú ý công luận sau khi gia đình nông dân Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng dùng súng hoa cải chống lại lực lượng cưỡng chế để bảo vệ đất canh tác hồi năm 2012.

Xung đột đất đai vẫn là vấn đề nan giải tại Việt Nam giữa những bất cập về chính sách đất đai và nạn tham nhũng tràn lan.

VOA Express

XS
SM
MD
LG