Đường dẫn truy cập

Bs Nguyễn Đan Quế được đề cử Giải Nobel Hòa Bình và Giải Nhân quyền Gwangju 2014


Đại sứ Mỹ tại Việt Nam David Shear gặp nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Đan Quế tại Sài Gòn, ngày 17/8/2012.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam David Shear gặp nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Đan Quế tại Sài Gòn, ngày 17/8/2012.
Một nhân vật bất đồng chính kiến tại Việt Nam được quốc tế biết tiếng cùng lúc được đề cử Giải Nobel Hòa Bình và Giải Nhân quyền Gwangju 2014.

Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, nhà tranh đấu dân chủ hiện đang bị quản thúc tại gia, năm nay nhận được thư đề cử từ các nhà lập pháp Hoa Kỳ và Canada, cùng các tổ chức phi chính phủ bảo vệ nhân quyền quốc tế.

Thư của các dân biểu liên bang Hoa Kỳ gồm Gerald Connolly và James Moran và đề cử của Thượng nghị sĩ Canada gốc Việt Ngô Thanh Hải đã được gửi tới Chủ tịch Giải Nobel Hòa Bình cùng với thư đề cử của Tổ chức Sáng kiến Á Mỹ trụ sở tại thủ đô Hoa Kỳ chuyên cổ xúy hòa bình, xây dựng cộng đồng và phát triển kinh tế tại các nước đang phát triển Châu Á.

Dân biểu Connolly và Moran nói sự cống hiến bền bỉ của bác sĩ Quế cho nhân quyền bất chấp những cái giá phải trả thể hiện hoàn hảo các lý tưởng của Giải Nobel Hòa Bình. Thư viết rằng ghi nhận hoạt động dũng cảm suốt đời của bác sĩ Quế sẽ mang lại hy vọng cho tất cả các nhà hoạt động nhân quyền tại Việt Nam.
Chuyện được đề cử là một vinh dự cho phong trào hiện giờ đang gặp rất nhiều khó khăn đấu tranh cho dân chủ-nhân quyền tại Việt Nam.
Bác sĩ Nguyễn Ðan Quế.

Cùng lúc đó, bác sĩ Quế cũng nhận được đề cử từ Ủy ban Nhân quyền của các Hàn lâm viện Hoa Kỳ và Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam cho Giải Nhân quyền Gwangju 2014. Đây là giải thưởng cao quý thường niên của Nam Triều Tiên vinh danh những người tranh đấu hay đóng góp vì sự cải thiện, thăng tiến nhân quyền, dân chủ, và hòa bình.

Phát biểu với VOA Việt ngữ tối 21/4 khi vừa được tin đề cử, bác sĩ Quế nói ông rất vui vì đây là vinh hạnh lớn cho phong trào đấu tranh dân chủ đầy cam go tại Việt Nam từ sau ngày đất nước thống nhất năm 1975 tới nay:

“Chuyện được đề cử là một vinh dự cho phong trào hiện giờ đang gặp rất nhiều khó khăn đấu tranh cho dân chủ-nhân quyền tại Việt Nam.”

Bác sĩ Quế cho rằng dù được hay không được trao giải chung cuộc, những sự đề cử này không chỉ là niềm phấn khởi mà còn là nguồn động viên to lớn cho tinh thần của người dân Việt khao khát dân chủ, công bằng, tiến bộ:

“Sự đề cử là một sự ủng hộ, khuyến khích cho phong trào của chúng tôi. Được giải hay không được giải, nếu thế giới chính thức công nhận nữa thì điều đó không có gì tuyệt vời hơn cho phong trào dân chủ đang trong giai đoạn lịch sử rất quan trọng này. Không được giải chúng tôi vẫn rất vui vì sự ủng hộ bên ngoài giúp chúng tôi thêm tiến bước vững mạnh, thúc đẩy cuộc đấu tranh mãnh liệt hơn nữa để đi đến thành công.”

Trong gần 3 thập niên qua, bác sĩ Quế từng nhiều lần được đề cử giải Nobel Hòa Bình và nhận được rất nhiều giải thưởng nhân quyền cao quý trên thế giới. Trong số này có Giải Nhân quyền Raoul Wallenberg 1994, Giải Nhân quyền Robert F. Kennedy 1995, Giải Nhân quyền Hellman/Hammett từ Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch năm 2002, và Giải Nhân quyền Heinz R. Pagels dành cho các Khoa học gia của Hàn Lâm viện Khoa học New York 2004.
Ðược hay không được giải chúng tôi vẫn rất vui vì sự ủng hộ bên ngoài giúp chúng tôi thêm tiến bước vững mạnh, thúc đẩy cuộc đấu tranh mãnh liệt hơn nữa để đi đến thành công.
Bác sĩ Quế.


Sáng lập viên Cao trào Nhân bản đã 3 lần bị ngồi tù tại Việt Nam với tổng thời gian trên 20 năm vì các hoạt động đấu tranh bất bạo động, kêu gọi đa nguyên-đa đảng, yêu cầu nhà nước tôn trọng nhân quyền và cho phép bầu cử tự do. Ông được Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế công nhận là “tù nhân lương tâm” và được mời là hội viên danh dự suốt đời của tổ chức.

Bất chấp tù đày và sách nhiễu, bác sĩ Quế vẫn cương quyết niềm tin chỉ có con đường dân chủ hóa thật sự mới đưa đất nước tiến bộ.

Năm 1994, Quốc hội Hoa Kỳ thông qua Nghị quyết được Tổng thống Bill Clinton ký thành Đạo luật chọn ngày bác sĩ Quế đưa ra lời kêu gọi tranh đấu bất bạo động đòi tự do, dân chủ cho Việt Nam, 11/5, làm Ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam. Từ đó đến nay, Lễ kỷ niệm Ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam được tổ chức long trọng hằng năm tại trụ sở Thượng viện Hoa Kỳ.

Lễ kỷ niệm năm thứ 20 Ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam năm nay được tổ chức từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều ngày 9/5 tới đây. Trước đó dự kiến diễn ra một cuộc vận động nhân quyền cho Việt Nam tại Bộ Ngoại Giao Mỹ vào sáng ngày 8/5.

Giải Nhân quyền Gwangju do Qũy tưởng niệm biến cố 18/5 thành lập từ năm 2000 để tưởng niệm các nạn nhân bị chế độ độc tài sát hại trong cuộc biểu tình đòi tự do-dân chủ ở Nam Triều Tiên năm 1980. Một nhân vật đấu tranh dân chủ nổi tiếng của Miến Điện, khôi nguyên Nobel Hòa Bình, lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi, từng được vinh danh giải thưởng này.
please wait

No media source currently available

0:00 0:04:58 0:00
Tải xuống

Giải thưởng trị giá 50.000 đôla sẽ được công bố chính thức vào ngày 18/5 tới đây.

Giải Nobel Hòa Bình có giá trị lên tới hàng triệu đô la thường được công bố vào tháng 10 hằng năm và Lễ trao giải được tổ chức vào tháng 12 tại Oslo, Na Uy.


VOA Express

XS
SM
MD
LG