Đường dẫn truy cập

Một màn ảo thuật về tuyên truyền tại Việt Nam


Một màn ảo thuật về tuyên truyền tại Việt Nam
Một màn ảo thuật về tuyên truyền tại Việt Nam

Trong mấy tuần lễ trước Đại hội đảng Cộng sản lần thứ 11, trên các cơ quan truyền thông ở Việt Nam, người ta thấy rộ lên một số bài ca ngợi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Một số tờ báo vinh danh ông là “Nhân vật của năm 2010” do những thành tích xuất sắc mà ông và chính phủ của ông đã đạt được như: khẳng định vị trí chính trị của Việt Nam trên thế giới qua vai trò Chủ tịch ASEAN (luân phiên), thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng cũng như nỗ lực tái cơ cấu tập đoàn Vinashin đang đứng trước nguy cơ bị phá sản, v.v…Người ta cũng nhấn mạnh ông là “nhân vật có tác động nhiều nhất đến các sự kiện chính” và “có ảnh hưởng nhất đến thời sự của Việt Nam trong năm 2010”.

Chưa hết. Việc ca ngợi Nguyễn Tấn Dũng sau đó được khuếch âm và khuếch tán hơn nữa. Chỉ mấy ngày sau, người ta tán dương ông không những chỉ là “nhân vật của năm 2010” mà còn là một “nhà lãnh đạo xuất sắc nhất châu Á” do ông đã “rất thành công với các chính sách khôn ngoan, chiến lược và tầm nhìn xa rộng. Ông đã làm được nhiều việc mà các Thủ tướng khác ở các nước châu Á không làm được.”

Những ai thường xuyên theo dõi tình hình chính trị Việt Nam đều nhận ra ngay chiến dịch đánh bóng Nguyễn Tấn Dũng trong hai tuần trước cuộc Đại hội Đảng lần 11 như vậy có cái gì bất thường. Còn nhớ, chỉ mấy tháng trước đó, cũng chính Nguyễn Tấn Dũng đã bị tấn công dồn dập không những trên nhiều cơ quan truyền thông mà còn cả trước Quốc Hội. Nhiều người tuyên bố ông, chính ông, phải chịu trách nhiệm về việc phá sản của tập đoàn Vinashin: Đó là hậu quả của các chính sách sai lầm của ông và sự lãnh đạo yếu kém của ông. Người ta yêu cầu Quốc Hội tiến hành cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với ông: Nếu đa số tín nhiệm thì ông tiếp tục; nếu không, ông phải từ chức. Nỗ lực vận động cho một cuộc bỏ phiếu như vậy không thành công, nhưng tiếng vang của nó rất lớn. Ở Việt Nam, dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, từ trước đến nay, hầu như chưa ai dám nghĩ đến một chuyện như thế. Chứ đừng nói đến chuyện đề xuất công khai trước công chúng.

Sự đổi giọng đối với Nguyễn Tấn Dũng phản ánh cuộc đấu tranh quyền lực âm thầm nhưng vô cùng quyết liệt trong nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam. Theo giới quan sát chính trị Việt Nam, những phê phán nhắm vào Nguyễn Tấn Dũng cách đây mấy tháng đều xuất phát từ một số thế lực trong Bộ Chính trị (có khả năng là do Trương Tấn Sang cầm đầu) và cuộc phản công đối với những sự phê phán ấy cũng như các bài viết tâng bốc Nguyễn Tấn Dũng gần đây cho thấy vị thế của Nguyễn Tấn Dũng không những không lung lay mà còn mạnh mẽ hơn. Mọi tin đồn đều cho ông sẽ duy trì được chức Thủ tướng thêm 5 năm nữa.

Tuy nhiên, trong bài này, tôi không bàn đến các cuộc đấu tranh quyền lực trong nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam. Thứ nhất, những điều ấy đã được nhiều người bàn luận. Thứ hai, do tính chất bí mật của đảng Cộng sản Việt Nam, tin tức mà chúng ta biết được thường ít ỏi và không phải lúc nào cũng đáng tin cậy. Tôi chỉ muốn tập trung vào một điểm: cung cách đánh bóng Nguyễn Tấn Dũng gần đây có cái gì đó rất giống với cung cách mà chúng ta thường thấy trong các gánh xiếc.

Cuộc bình chọn Nguyễn Tấn Dũng là “nhân vật của năm 2010” do VnExpress tiến hành. Thì cũng được. Đó là một cơ quan ngôn luận chính thức và chính thống của nhà nước Việt Nam. Không có chuyện gì đáng bàn cả. Nó chỉ thể hiện thế thượng phong của Nguyễn Tấn Dũng, ít nhất trong bộ máy tuyên truyền của Việt Nam lúc này mà thôi. Riêng lời khen Nguyễn Tấn Dũng là “nhà lãnh đạo xuất sắc nhất châu Á” thì mới là vấn đề.

Ai khen?

- Theo các bản tin trên báo chí Việt Nam, kể cả bản tin của Thông tấn xã Việt Nam (ngày 12 tháng 1), người phát ngôn lời khen ngợi nồng nhiệt ấy là một “tác giả Đức”, hơn nữa, là “báo chí nước ngoài” hay “báo chí châu Âu” hay “một loạt các trang web tiếng Đức”!

Nội dung lời khen như thế nào?

- Như đã viết ở trên. Nội dung lời khen là “Ông [NTD] xứng đáng được nhận danh hiệu là Thủ tướng xuất sắc nhất của các nước Châu Á năm 2010”!

Bài viết tường thuật lời đánh giá đầy ưu ái của “báo chí nước ngoài” ấy được đăng tràn lan trên báo chí Việt Nam. Báo in cũng như báo mạng. Điều đó dễ hiểu: Thông Tấn Xã Việt Nam là nguồn cung cấp tin chính thức duy nhất tại Việt Nam hiện nay. Mọi tin tức quốc nội được đăng tải trên các cơ quan ngôn luận tại Việt Nam đều lấy từ đó.

Thế nhưng thực hư của lời tán dương ấy như thế nào?

Trong hai bài viết đăng trên Tiền Vệ, một bài nhan đề “‘Báo chí nước ngoài’ ca ngợi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng? Thật ra chỉ là một trò lừa bịp!” vào ngày 13 và một bài khác nhan đề “Thông Tấn Xã Việt Nam biến rác thành vàng để lừa bịp nhân dân”, vào ngày 14, nhà thơ đồng thời là nghiên cứu Nguyễn Tôn Hiệt đưa ra nhiều phát hiện động trời khiến cư dân mạng và những người quan tâm đến tình hình chính trị Việt Nam mấy ngày vừa qua không ngớt bàn tán.

Những phát hiện của Nguyễn Tôn Hiệt có thể tóm tắt như sau:

- Cái gọi là “báo chí nước ngoài” hay “một loạt các trang web bằng tiếng Đức” ấy, thật ra, chỉ là một trang mạng (http://firmenpresse.de) lá cải đăng bất cứ bài tự quảng cáo tiếp thị nào người ta gửi tới. Tuyệt đối không kiểm tra. Tuyệt đối không biên tập. Nghĩa là tuyệt đối không có chút giá trị và uy tín gì cả.

- Hai bài quảng cáo cho Nguyễn Tấn Dũng đăng trên trang firmenpresse.de vào ngày 10 và 12 tháng 1 là do một khách hàng tên là “RES-Resources, Ecology, Services GmbH” gửi tới.

- “RES-Resources, Ecology, Services GmbH” là một công ty chuyên về các dịch vụ chế biến rác rưởi và vệ sinh môi trường đặt văn phòng tại Alte Landstr. 114, 21039 Escheburg/Germany.

- Nội dung hai bài viết của công ty “RES-Resources, Ecology, Services GmbH” thực chất bài hai bài báo đã được đăng tải tại Việt Nam: Bài đầu, trên VnExpress ngày 1/1, nhan đề “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - nhân vật của năm 2010” [http://vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2011/01/3BA24BD1/] và một bài, trên Pháp luật Việt Nam ngày 11, nhan đề “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xuất sắc nhất châu Á”.

Như vậy, thực chất của cái gọi là lời khen Nguyễn Tấn Dũng là “nhà lãnh đạo xuất sắc nhất của châu Á” trên “báo chí nước ngoài” hay “báo chí châu Âu” hay “một loạt các trang web bằng tiếng Đức” mà người ta làm ầm ĩ trên các cơ quan truyền thông tại Việt Nam trong suốt tuần vừa qua là gì?

Thực chất, đó chỉ là một trò sáng chế và đánh tráo của Việt Nam:

- Đầu tiên, người ta viết bài khen Nguyễn Tấn Dũng là “nhân vật của năm 2010”.

- Sau đó, người ta gửi bản lược dịch bài viết ấy cho một trang web quảng cáo vớ vẩn ở Đức.

- Rồi báo chí Việt Nam lại dùng bài viết trên trang web quảng cáo tiếng Đức để “dọa” đồng bào trong nước là chính “báo chí nước ngoài” hay “báo chí châu Âu” đã khen như thế!

- Chưa hết. Người ta còn bịa thêm câu “nhà lãnh đạo xuất sắc nhất của châu Á”.

- Rồi người ta lại lược dịch cái bài viết tường thuật với câu sáng chế mới “nhất châu Á” ấy ra tiếng Đức và lại nhờ gửi đăng trên trang web quảng cáo nọ.

- Rồi người ta lại tường thuật lại cái bản dịch với lời khen “nhất châu Á” ấy sang tiếng Việt!

Như vậy, toàn bộ màn trình diễn “nhà lãnh đạo xuất sắc nhất châu Á” ấy đều được sáng chế và “biên tập” tại Việt Nam.

Điều thảm hại của trò chơi chính trị và tuyên truyền này là ở chỗ người ta phải nhờ đến hai người bạn nước ngoài cực kỳ kém danh giá: một, nơi đăng tải những lời tán dương ấy chỉ là một trang web quảng cáo vớ vẩn và rẻ tiền; hai, nơi gửi lời tán dương ấy lại là một công ty chế biến rác rưởi ở Đức.

Người ta không thể không tự hỏi: nhà cầm quyền Việt Nam không thể tìm ra được người bạn nước ngoài nào danh giá hơn một chút hay sao?

Chú thích:

Ở trên, tôi chỉ tường thuật một cách vắn tắt. Để biết đầy đủ chi tiết về vụ sáng chế và đánh tráo này, xin mời quý bạn đọc đọc hai bài viết của Nguyễn Tôn Hiệt trên Tiền Vệ:

1) ‘Báo chí nước ngoài’ ca ngợi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng? Thật ra chỉ là một trò lừa bịp!”: http://tienve.org/home/activities/viewThaoLuan.do?action=viewArtwork&artworkId=11922

2) “Thông Tấn Xã Việt Nam biến rác thành vàng để lừa bịp nhân dân”: http://tienve.org/home/activities/viewThaoLuan.do?action=viewArtwork&artworkId=11928

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG