Đường dẫn truy cập

Từ Panama đến Lima


Puente de las Americas - Cầu Mỹ tại Panama - bắc qua kênh đào Panama được xây từ năm 1962
Puente de las Americas - Cầu Mỹ tại Panama - bắc qua kênh đào Panama được xây từ năm 1962

Điều đầu tiên tôi cần phải thú nhận là thật ra tôi không cần phải ghé qua Panama. Vì tuần này tôi phải bay sang Lima, thủ đô của Peru, để tham dự một cuộc hội nghị quốc tế cho công ty tôi đang làm.

Biết vậy nhưng cuối cùng tôi vẫn phải ghé sang Panama vài tiếng đồng hồ vì… tiền vé nếu chịu dừng lại ở Panama để đổi máy bay sẽ rẻ hơn 50% tiền vé bay thẳng. Biết là bay thẳng sẽ khỏe hơn nhiều, thời gian bay lại ít hơn gần đến 6 tiếng. Nhưng vì công ty của mình chẳng phải giàu sang gì và mình lại càng không phải thuộc hạng người giàu sang. Nên chẳng đặng đừng tôi đành phải ghé sang Panama để xem có thể mua vui được một vài trống canh hay không!

Đời tôi nó khổ đến thế đấy bạn ạ. Không muốn đi thì hoàn cảnh nó cũng buộc mình phải đi.

Và các bạn biết sao không? Tôi rất thích câu nói tiếng Anh mà chúng ta thường nghe: it’s all a matter of perspective. Điều gì cuối cùng cũng tùy cách mình nhìn để đánh giá sự việc. Nếu mình cho là “bị” buộc phải ghé sang Panama thì nó sẽ là “bị”. Còn nếu như mình vui vẻ cho là “được” dịp ghé sang thăm Panama thì nó sẽ là “được”. Nói ra thì nghe có vẻ hơi… trớt quớt quá nhưng tôi nghĩ ở đời phần lớn điều gì cuối cùng cũng là “a matter of perspective”. Không biết các bạn có đồng ý không?

Nhưng mà thôi. Để tôi trở lại Panama kể cho các bạn nghe về những gì mắt tôi vừa mới thấy và tai vừa mới nghe.

Ấn tượng đầu tiên của tôi đối với đất nước Panama là nó giàu và phát triển hơn tôi tưởng rất nhiều (mức thu nhập trung bình mỗi năm của người Panama là khoảng 6,000 đô). Trước khi đặt chân đến Panama, thành thật mà nói tôi không biết gì nhiều về đất nước này. Tuy cái tên Panama tôi đã được ba mẹ dạy cho biết từ nhỏ là nơi có kênh đào Panama nổi tiếng nối liền Thái Bình Dương và Đại Tây Dương nhưng đó là tất cả những gì mà tôi biết. Ngoài ra trong trí tưởng tượng của tôi nó chỉ mơ hồ tự đoán là các nước Châu Mỹ La Tinh nước nào nó cũng nhỏ nhỏ, đang phát triển giống nhau. Không giàu có như Úc, Mỹ và có lẽ chẳng hơn gì các nước ở châu Á như Ấn Độ, Thái Lan.

Thế vậy mà tôi sai (cái này hình như tôi thấy là càng có dịp đi nhiều thì tôi lại càng dễ bị sai!). Vì chỉ cần từ trên máy bay nhìn xuống là bạn có thể thấy hàng hàng lớp lớp các tòa nhà cao được xây dựng rất ngăn nắp và kéo dài ra đến tận bờ biển. Nó làm cho tôi nhớ lại lần đầu tiên tôi bay đến Hồng Kông vào đầu thập niên 1990 lúc phi trường cũ vẫn còn ở Kowloon và trong lúc phi cơ chuẩn bị hạ cánh, bạn có thể thấy rõ phố xá cũng như cảnh sinh hoạt hàng ngày của người dân. Người đang phơi đồ, kẻ chạy bộ.

Thật ra ở Panama phi trường không ở gần thành phố và các khu vực đông dân đến vậy. Tuy nhiên từ trên cao nhìn xuống thấy từng hàng từng lớp các toà cao ốc được sắp ngay ngắn như những hộp diêm thì tôi liên tưởng ngay đến Hồng Kông. Và nếu ai đã từng có dịp bay đến Hồng Kông trước khi phi trường Chek Lap Kok được dời ra đảo Lantau thì chắc chắn họ sẽ hiểu tôi muốn diễn tả cảnh ấy như thế nào.

Ngược lại, có thể nói ấn tượng thứ hai của tôi đối với đất nước Panama không quá xa so với những gì tôi biết trước đó. Đó là người dân bản xứ họ rất thích tụ họp, nhảy nhót theo những điệu nhạc sống động của Nam Mỹ. Và cách họ ăn mặc cũng khá là màu mè, đặc biệt là cách ăn mặc của những giống dân thiểu số. Không cần phải đi đâu xa, chỉ cần bạn với mới bước ra khỏi phi cơ đang đi tới nơi lấy hành lý là bạn sẽ thấy từng nhóm dân ca vừa chơi đàn vừa vui cười ca hát để chào đón du khách ngay trong sân bay.

Nó khác xa cả một trời một vực so với phi trường Nội Bài ở Hà Nội.
Nhưng rất tiếc tôi đã không ở lại chơi được lâu vì phải bay sang Lima ngay để kịp tham dự buổi lễ khai mạc hội nghị có sự tham dự của 6 bộ trưởng lẫn đương kim thủ tướng Peru, ông Jose Chang. Nói thật trước khi đến Lima tôi cũng không thể nào ngờ là sẽ có đến từng ấy nhân vật quan trọng đến tham dự buổi hội nghị về một vấn đề mà nếu tôi nói ra đây chắc các bạn đọc ai cũng sẽ bật ngửa. Và không thể nào tin nổi.

Vì, không, lần này tôi và gần 360 chuyên viên khác trên khắp thế giới bay đến Peru không phải là để họp về những vấn đề kinh tế to lớn. Hay chính trị thế giới. Hay xã hội dân sự. Mà chúng tôi tất cả cùng đến đây để nói về…lò.

Cái gì? Lò? Lò nghĩa là gì? Và có gì mà cần phải ở chung đến 6 ngày liên tục để bàn cãi?

Được rồi. Từ từ tôi sẽ kể cho các bạn nghe. Về Lima, về Lò và về cả người Việt Nam duy nhất mà tôi gặp ở hội nghị. Trong bài viết kế tiếp bạn nhé.

* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Trịnh Hội

    Làm sao để có thể tự giới thiệu về mình một cách tốt nhất và đúng nhất đây hả bạn? Có lẽ bạn chỉ cần biết đại khái như thế này. Tôi sinh ra ở Đa Kao gần cầu Bông, Sài Gòn và sang định cư ở Úc từ năm tôi 14 tuổi. Từ lúc ra trường luật cho đến nay tôi đã sống và làm việc ở Úc, Hồng Kông, Philippines, Mỹ, Anh Quốc và dĩ nhiên là Việt Nam...
XS
SM
MD
LG