Đường dẫn truy cập

50 người biểu tình chống TQ ở Hà Nội bị bắt, 3 người vẫn còn bị giữ


50 người biểu tình chống TQ ở Hà Nội bị bắt, 3 người vẫn còn bị giữ
50 người biểu tình chống TQ ở Hà Nội bị bắt, 3 người vẫn còn bị giữ

Năm mươi người tham gia tuần hành ngày 21/8 bị bắt đã lần lượt được thả, ba người bị đưa về trại giam Hỏa Lò sau 3 ngày vẫn chưa được trả tự do.

50 người biểu tình chống Trung Quốc bị bắt trong cuộc tuần hành ngày 21/8 về tội gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ.

Anh Dũng, một trong những người bị bắt về đồn công an được thả chiều cùng ngày, phát biểu:

Em bị bắt từ 9 giờ sáng đến tận 5 giờ chiều em mới được thả ra, sau khi họ bắt lăn dấu tay về tội biểu tình không xin phép. Họ nói phạt hành chính cảnh cáo. Họ bắt em viết biên bản rằng "Tôi đã sai khi đi biểu tình" và nói không được tái phạm nữa.”

Đến 8 giờ tối ngày 22/8, năm trong nhóm tám người bị câu lưu lâu nhất đã được thả.

Cô Trịnh Kim Tiến, một người thường góp mặt trong các cuộc tuần hành chống Trung Quốc thời gian vừa qua tại Hà Nội, cho biết:

“Có 5 người được ra, em đi đón họ tại trụ sở công an quận Hoàn Kiếm, gồm Nguyễn Tiến Nam, Nguyễn Quang Thạch, Trịnh Hữu Long, Ngô Duy Quyền, Lưu Trọng Đức. Còn 3 người bị đưa về Hỏa Lò gồm cô Bùi Thị Minh Hằng, cô Đặng Phương Bích, và một người tên Dũng ở Phú Thọ. Những người vừa ra cho biết công an ra lệnh tạm giữ 3 người này trong 3 ngày và đưa xuống Hỏa Lò về tội ‘gây rối trật tự’. Hiện chưa ai được gặp họ.”

Đầu tháng 8, phát biểu trên báo chí trong nước, Giám đốc công an Hà Nội, trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, tuyên bố không chủ trương bắt bớ người biểu tình. Đến ngày 18/8 Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội ra thông báo nói sẽ dùng mọi biện pháp cần thiết để dẹp các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, và lời cảnh cáo đã được thi hành qua cuộc trấn áp ngày 21/8.

Phó giám đốc phụ trách Châu Á thuộc tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch, ông Phil Robertson, nói:

“Điều thú vị là lệnh chính thức có con dấu chính thức nhưng không có ai ký vào đó. Điều này phải chăng ở mức độ nào đó, đã có sự thiếu nhất trí trong chính quyền Việt Nam khi bắt giam những người bày tỏ quan tâm về chính sách của Trung Quốc đối với Việt Nam.”

Nhà văn Phạm Xuân Nguyên, một nhân sĩ trí thức thường xuyên tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội, nhận xét về sự mâu thuẫn giữa lời nói và hành động của chính quyền:

" Điều này cho thấy về phía chính quyền, nhà nước đang tìm thái độ ứng xử với các cuộc biểu tình, một hiện tượng hoàn toàn mới ở Việt Nam. Như vậy, có thể coi đây là một sự tập sự dân chủ cả về phía chính quyền lẫn phía người dân."

Chuyên gia chuyên nghiên cứu về Việt Nam, giáo sư Carl Thayer thuộc trường Đại học New South Wales của Austalia, nhận định:

"Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam sẽ đi Trung Quốc vào cuối năm nay. Chúng ta sẽ thấy chính phủ Việt Nam tìm cách xoa dịu tình hình khi nào lịch trình chuyến đi được xác định, cũng giống như việc phóng thích một nhân vật bất đồng chính kiến nào đó để tìm cách đạt được một điều gì từ chính phủ Hoa Kỳ."

Anh Nguyễn Tiến Nam, người được thả sau 36 giờ bị giam giữ, cho biết tối 24/8 tức hết hạn theo lệnh tạm giam ba ngày đối với 3 người biểu tình bị giữ ở Hỏa Lò, anh tới trước cổng trại giam chờ đón nhưng bà Hằng, bà Bích, và ông Dũng vẫn chưa được phóng thích.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG