Đường dẫn truy cập

Tâm sự của những bà Mẹ các binh sĩ Mỹ gốc Việt


Thiếu tá Christopher Phan và Mẹ
Thiếu tá Christopher Phan và Mẹ

Mỗi người một cách, những thanh niên gốc Việt luôn mong muốn làm được một điều gì đó để trả ơn cho nước Mỹ, quê hương thứ hai của họ, đất nước đã mở rộng vòng tay đón nhận gia đình họ nhiều năm trước đây. Nhiều người trong số họ đã tham gia quân đội Hoa Kỳ và sẵn sàng đi tới những chiến trường khốc liệt mà chẳng hề nao núng lo sợ cho tính mạng của mình. Vậy còn những bà Mẹ có con đi lính, họ có tâm sự gì khi biết con mình quyết định dấn thân vào con đường chông gai và đầy nguy hiểm đó? Mời quí vị nghe tâm sự của hai bà mẹ có con từng tham gia chiến trường Iraq trong tiết mục Câu chuyện phu nữ kỳ này với Minh Anh.

Thạch Thị Ngọc có hai người con trai, người con lớn của bà là đại úy James Văn Thạch, từng là quân nhân Hoa Kỳ gốc Việt đầu tiên đảm nhận chức vụ cố vấn quân sự cho quân đội Iraq, người mà đài VOA đã có dịp phỏng vấn gần đây.

Bà Ngọc cho biết khi còn nhỏ James là một đứa trẻ thích đùa nghịch chứ không có tính hung hăng, nên bà không nghĩ rằng lớn lên anh lại muốn nối nghiệp cha, vốn là một trung tá của quân đội Hoa Kỳ.


Ðại úy James Văn Thạch và Mẹ
Ðại úy James Văn Thạch và Mẹ

Chỉ đến khi học trung học và đại học ý định ấy mới được James bộc lộ. Sau khi tốt nghiệp đại học luật, anh James đã quyết định tham gia lực lượng bộ binh Mỹ. Bà Ngọc tâm sự bà đã từng chứng kiến cảnh chiến tranh ở Việt Nam, bà hiểu thế nào là sự tàn khốc và nguy hiểm của chiến trường nên khi biết được ý định sẽ tham gia bộ binh Mỹ của con, bà và chồng đều rất lo lắng:

“Có hai đứa con thôi thì cố gắng cho nó học ra thành tài, nhưng ở Việt Nam mình kêu con mình làm gì thì nó nghe, còn ở Mỹ nó có ý riêng của nó, mình nói nó “yeah, yeah” nhưng rồi nó làm theo ý của nó. Chồng tôi hồi đó làm trong bộ binh Mỹ, ông biết bộ binh rất nguy hiểm, với lại ông nói nó có bằng luật rồi thì nó đi theo ngành thẩm phán thì thoải mái hơn với lại nó không có nguy hiểm, nhưng nó không có nghe lời, nó nói hồi đó ba làm sao thì con làm vậy.”

Bà Lưu thị Ngọc Trinh, Mẹ của thiếu tá Christopher Phan, người đã tốt nghiệp luật tại trường đại học Southern Illinois University năm 1999 và sau đó đã tham gia luật sư đoàn của Hải Quân Hoa Kỳ.

Từ Tháng Năm, 2005 đến Tháng Năm, 2007, Luật Sư Christopher làm cố vấn pháp luật cho chỉ huy trưởng của Đơn vị Chiến tranh đặc biệt của Hải quân Hoa Kỳ (Naval Special Warfare Group One). Trong thời gian này, luật sư Christopher được điều động sang chiến trường Iraq và công tác với lực lượng Hải Quân Đặc Biệt (SEAL) trong sáu tháng. Nhiệm vụ chính của luật sư là cố vấn và bảo đảm các binh sĩ Hoa Kỳ hành động theo công ước Geneva. Luật sư Christopher Phan được phong hàm thiếu tá vào tháng 11 năm 2008.

Bà Trinh tâm sự:

“Đầu tiên thì nói thật sự thì cũng không thích lắm nhưng tại Chris nói lý tưởng của nó là vậy thì thành ra thôi để chiều theo ý nó. Lúc đó thì thiệt tình rất là lo, nhưng cũng tự an ủi là nó đã ý thức được cái việc nó muốn làm, với lại ngoài cái lo mình cũng có một chút nào tự hào là con mình nó có trách nhiệm”.

Còn với bà Ngọc, khi anh James thực sự ra chiến trường và hàng ngày nghe tin tức nói về cuộc chiến ở Iraq thì lòng người Mẹ luôn thấp thỏm không yên. Bà Ngọc kể:

“Tôi không có ngủ được, hai đêm thức trắng, rồi một đêm thì ngủ. Mỗi lần tôi có thời giờ rảnh thì cứ vặn CNN lên rồi coi tin tức bên Iraq ra làm sao. Coi có ai bị thương không, có bao nhiêu người lính bị thương, mỗi ngày đọc báo thì coi có bao nhiêu người bị thương, bao nhiêu người bị chết, tôi lo sợ rất là nhiều.”

Cũng như bà Ngọc, bà Trinh cũng thường nghe ngóng tin tức về cuộc chiến tranh Iraq, về những vụ đánh bom hàng ngày, nhưng bà luôn tự an ủi mình với tinh thần lạc quan để bớt đi phần nào nỗi lo lắng:

“Dạ lúc mà Chris ở bên Iraq thì nói thiệt là tình hình Iraq tôi theo dõi rất là kỹ, mỗi lần thấy như vậy thì rất lo lắng, nhưng mà cũng tự an ủi là thôi mọi người đều có số hết và cũng thấy là con mình nó có lý tưởng như vậy thì cũng đỡ lo chút chút”.

Bà Ngọc kể rồi đến lượt bà cũng nghe tin con mình bị thương tới hai lần, trong đó lần thứ hai đại úy James bị thương khá nặng:

“Nguyên đêm đó, chồng tôi với tôi cùng đứa em gái thức trắng nguyên đêm, không ngủ chờ điện thoại. Mà mình điện thoại xuống Pentagon (Ngũ Giác Đài) đó thì người ta nói là chưa liên lạc được. Chồng tôi mới nói là ‘đừng lo rồi họ sẽ gọi’, tôi mới nói ‘sao kỳ vậy ở đây là Pentagon mà không liên lạc được là nghĩa làm sao, chắc là bị tai nạn dữ lắm’. Chồng tôi nói là thôi chờ đến 9 giờ sáng nếu họ không gọi lại cho mình thì ông chồng tôi sẽ tới Congressman (dân biểu) để khiếu nại. Đến 9 giờ thì họ nói bây giờ họ đã đưa sang, hình như là Kuwait, rồi họ hỏi chồng tôi và tôi có hộ chiếu sẵn chưa, từ đó họ đưa qua Đức luôn. Lúc đó tôi mong qua bên đó, rồi con mình qua đó coi xem làm sao. Nhưng mà 6, 7 tiếng đồng hồ sau thì nghe điện thoại gọi qua là con tôi nó tự nguyện quay trở lại Iraq mà không chịu qua Đức.”

Sau khi hết một năm tình nguyện, đại úy James lại xin gia hạn thêm một năm ở chiến trường Iraq với lý do:

“Nó nói rằng họ cần giúp đỡ bên đó, thành thử để cho nó ở lại rồi giúp đỡ bên kia, cũng như bước đầu cho người ta đứng vững. Giống như mình cất căn nhà, mình phải có cái nền tảng thì nó mới đứng vững, chứ mình không có nền tảng thì làm sao nó đứng vững”

Bà Ngọc cũng nói rằng con bà cũng mong muốn làm được điều gì đó để đóng góp cho quê hương thứ hai của mình:

“Nó muốn rằng làm được chuyện gì đó để người ta biết rằng những người có gốc Việt Nam sẽ giúp đỡ được đất nước là quê hương thứ hai của mình để làm gương cho những người sau này nối chân bước tới. Cũng như nói tới người Việt Nam là người ta nói người Việt chăm chỉ, người Việt Nam không phải tới mà ăn cơm đá bát mà chỉ có tận hưởng chứ không làm được gì cho quê hương thứ hai của mình”.

Cuối cùng hai bà Mẹ cũng muốn nhắn gửi tới những người Mẹ có con cái đang tham gia quân đội hay đang chiến đấu tại các chiến trường khốc liệt:

Bà Ngọc: “Cũng như kinh nghiệm của tôi đã qua, biết rằng mình lo lắng, nhưng mình chỉ biết cầu cho con trở về bình yên thôi. Mình chỉ hỗ trợ con mình hết sức để chúng có thể làm hết khả năng của mình”.

Bà Trinh: “Mình cũng phải chấp nhận vậy thôi, con mình nó có lý tưởng tốt thì mình cũng phải ủng hộ, mặc dầu có lo thì rất là lo vì người Mẹ nào cũng lo hết nhưng mà thấy là mình cũng phải hy sinh cho con mình, với lại cho con mình nó có lý tưởng tốt, nó làm điều tốt thì mình nên ủng hộ nó. Ở bên đó thì chắc chắn là cực rồi, nguy hiểm nữa, nhưng mà mình cũng chỉ biết khuyên là cố gắng hy sinh mỗi người một chút. Bên đây mình không phải ở chiến trường nhưng mình giúp được gì thì mình cũng phải cố gắng chia sẻ với nhau vậy thôi.”

Chính tình yêu, sự hy sinh và những lời động viên khích lệ của những người Mẹ ấy đã tăng thêm sức mạnh để những binh sĩ người Mỹ gốc Việt vững tin vào lý tưởng của mình, không quản ngại hiểm nguy, khó khăn hay gian khổ để đem lại sự bình yên và một tương lai tươi sáng hơn cho những người dân ở những đất nước vẫn còn đang chìm trong lửa đạn.

VOA Express

XS
SM
MD
LG