Đường dẫn truy cập

Bóng rổ NBA -- Trận đấu toàn sao 2013


Trận đấu toàn ngôi sao “All-Star Game” của Liên đoàn Bóng rổ Quốc gia - NBA, không phải là cuộc “Chiến tranh Tinh cầu” mà là trận đấu biểu diễn đỉnh cao giữ hai đội tuyển miền Ðông và miền Tây gồm những cầu thủ bóng rổ xuất sắc nhất của NBA Hoa Kỳ, được tổ chức hàng năm vào giữa mùa giải bóng rổ nhà nghề của Mỹ.

Hàng chục triệu người hâm mộ đang chờ đón trận All Star Game năm nay sẽ diễn ra vào chiều tối Chủ nhật (17/2) này tại thao trường Toyota Center của thành phố Houston, bang Texas.

Trận đấu toàn ngôi sao “All-Star Game” đã trở thành một đại hội được giới hâm mộ ở Mỹ gọi là “Cuối tuần All-Star Game” với hàng loạt cuộc thi, biễu diễn, cùng với nhiều hoạt động khác liên quan đến bóng rổ, một môn thể thao được yêu chuộng bậc nhất tại Hoa Kỳ, và đỉnh điểm của đại hội là trận đấu của các ngôi sao sáng nhất NBA.

All-Star Game là cuộc tranh tài giữa đội tuyển ngôi sao miền Ðông và đội tuyển ngôi sao miền Tây Hoa Kỳ. Ðội hình chính do người hâm mộ bầu chọn, còn đội hình dự bị do các huấn luyện viên trưởng của NBA tuyển chọn. Trong trận đấu tối Chủ nhật này, Kobe Bryant lần thứ năm được bầu chọn vào đội hình chính, đại diện cho phía Tây. Người hâm mộ đang chờ theo dõi cuộc biểu diễn tài năng giữa Bryant và ngôi sao LeBron James ở bên Ðông. Tuy nhiên một số fan hâm mộ Jeremy Lin sẽ thất vọng khi không thấy Lin tại All-Star Game vì ngôi sao gốc Hoa nổi đình đám ở mùa giải năm ngoái này không duy trì được thành tích cao như vậy đầu mùa giài này.

All-Star Game 2012 bị trì hoãn do NBA bị tranh chấp, nhưng cuối cùng cũng đã diễn ra vào ngày 26 tháng 2 tại Amway Center ở Orlando. Ðội miền Tây thắng 152-149. Kevin Durant của Oklahoma City Thunder đoạt Giải cầu thủ sáng giá nhất.

Trận đấu toàn sao NBA khởi sự từ đầu thập niên 50. Giám đốc giao tế của Liên đoàn lúc bấy giờ là ông Haskell Cohen đề xướng rằng NBA nên tổ chức một đại hội của các ngôi sao thượng thặng giống như trận đấu toàn ngôi sao giữa mùa giải hàng năm của Liên đoàn Bóng chày Mỹ. Chủ nhân của đội Boston Celtics lúc bấy giờ là ông Walter Brown đã nhiệt liệt ủng hộ đề xuất đó bằng việc cho mượn thao trường Boston Garden để tổ chức trận All-Star Game đầu tiên, lúc đó là giữa mùa giải 1950-51.

Các nhà tổ chức đã đi đến quyết định rằng bên phía Ðại tây dương tuyển ra một đội gọi là đội miền Ðông và bên phía Thái Bình Dương tuyển ra một đội miền Tây, chọn lựa các cầu thủ xuất sắc nhất từ các đội NBA, để đấu trận All-Star Game. Trước hơn 10 ngàn khán giải trên sân Boston Garden hôm 2 tháng 3 năm 1951, Ed Macauley của Celtics đã ghi được 20 điểm, lập công đưa đội miền Ðông đến chiến thắng 111-94, và được trao Giải cầu thủ sáng giá nhất.

Boston tổ chức tiếp All-Star Game năm sau đó, và đội miền Ðông giành chiến thắng lần thứ hai. All-Star Game năm 1953 diễn ra tại Fort Wayne, bang Indiana, và George Mikan của Minneapolis Lakers đã lập công đưa đội miền Tây giành chiến thắng đầu tiên.

Trận đấu các ngôi sao vào năm 1954 diễn ra ở Madison Square Garden của New York là lần đầu tiên All-Star Game phải đấu thêm hiệp phụ và cuối cùng đội miền Ðông giành chiến thắng 98-93.

Bước sang thập niên 1960 thì sự kiện All-Star Game càng ngày càng nổi tiếng, và NBA đã quyết định sự kiện này được tổ chức luân phiên từ thành phố này sang thành phố khác mỗi năm. Chín thành phố đã đăng cai All-Star Game trong thập niên này.

Ðội miền Ðông giành chiến thắng 144-136 năm 1980 mở đầu loạt chiến thắng 5 mùa giải liên tiếp.

Năm 1984, cuộc thi “Slam Dunk” được đưa vào sự kiện All-Star Game. “Slam dunk” là động tác ghi điểm bằng cú nhảy, mang bóng trong một hoặc cả hai bàn tay cao hơn miệng rổ và tay ụp thật mạnh bóng vào rổ; đôi khi ụp bóng xong, một hoặc cả hai tay tiếp tục bám lấy vành rổ và đu người lên. Larry Nance của Phoenix Suns đã giành được giải Slam Dunk đầu tiên. Ba năm sau đó, cuộc thi Sút bóng 3 điểm được đưa vào đại hội Cuối tuần All-Star Game, và Larry Bird của Boston Celtics giành được giải nhất của cuộc thi đầu tiên.

Michael Jordan của Chicago Bulls đoạt được danh hiệu Cầu thủ sáng giá nhất All-Star Game lần đầu tiên của tổng cộng 3 lần vào năm 1988 trước đám đông khán giả nhà.

Mùa giải 1998-99 là lần duy nhất không có trận All-Star Game do những tranh chấp dẫn đến đình công trong liên đoàn khiến mùa giải kết thúc sớm.

Trận đấu năm 2001 là trận đấu được đánh giá hay nhất khi đội miền Ðông bị miền Tây dẫn trước 90-71 ở hiệp 4, Allen Iverson của Philadelphia 76ers đã xuất sắc ghi được 15 điểm trong tổng số 25 điểm ở 9 phút cuối của trận đấu, đưa miền Ðông đến chiến thắng 111-110.

Kobe Bryant và Shaquille O’Neil cũng mấy lần được trao Giải cầu thủ sáng giá nhất NBA All-Star Game trong thập niên 2000.

Trận đấu năm 2010 tại sân Cowboys Stadium ở Dallas lập kỷ lục số khán giả đến sân xem là 108, 713 người.

Tính đến trước trận đấu Chủ nhật này, thì đội miền Ðông dẫn trước miền Tây số trận thắng là 36-24.
XS
SM
MD
LG