Đường dẫn truy cập

Ấn Độ dựa vào di sản Phật giáo để phát triển du lịch


Tượng Phật ở Bồ Đề Đạo Tràng
Tượng Phật ở Bồ Đề Đạo Tràng
Giới hữu trách Ấn Độ đang ra sức thu hút các du khách của các quốc gia vùng Đông và Đông Nam châu Á bằng cách dựa vào di sản Phật giáo phong phú của mình.

Từ một trạm xe lửa ở New Dehli, chuyến xe lửa tốc hành hạng sang Mahaparinirvan Express bắt đầu cuộc hành trình 8 ngày với những chặng đường quanh co xuyên qua ba tiểu bang Bihar, Uttar Pradesh và Orissa.

Trong số các hành khách trên tàu có một nhóm du khách Thái Lan, và những người này đã được chào đón với những vòng hoa và những màn trình diễn âm nhạc.
Vườn Lộc Uyển
Vườn Lộc Uyển

Ban ngày, xe lửa này dừng lại ở một số những địa điểm linh thiêng nhất của Phật giáo như Bodh Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng), nơi Đức Phật Thích Ca giác ngộ, Sarnath (Lộc Uyển)– nơi Ngài thuyết pháp lần đầu tiên, Varanasi, nơi Ngài thực hiện các buổi giảng giải về đạo Như Thật, và Kusinagar (Câu Thi Na), nơi Ngài nhập Niết bàn.

Chuyến xe đôi khi bị trễ nãi vì những đám sương dày đặc của mùa đông, nhưng các du khách Thái Lan cho biết họ rất hài lòng với cuộc trải nghiệm tâm linh này"

"Chúng tôi chỉ muốn đến chiêm bái ở bốn nơi, bốn nơi quan trọng của Đức Phật. Tôi rất vui. Chúng tôi không tới được một số nơi, nhưng chúng tôi đã trải qua những giờ phút vui sướng ở Orissa. Thật là tuyệt vời. Chúng tôi mong muốn có thể trở lại vào một ngày nào đó."

Đức Phật đã bắt đầu truyền bá Đạo Giải Thoát ở Ấn Độ cách nay hơn 2.500 năm. Kết quả là một số những địa điểm linh thiêng nhất của Phật giáo, nơi Ngài sinh sống và thuyết pháp, là ở Ấn Độ, tuy đạo này đã được truyền bá rộng rãi hơn tại những nước khác ở Á châu.

Nhiều thánh địa Phật giáo nằm ở những tiểu bang nghèo nhất Ấn Độ, và trong nhiều thập niên qua, việc giao thông ở nhưng nơi này không được phát đạt nên số du khách nước ngoài tương đối hiếm.

Nhưng trong những năm gần đây, Ấn Độ đã bắt đầu tìm cách thu hút thêm du khách từ những nước có đông tín đồ Phật giáo, như Nhật Bản và Thái Lan, và đã phát triển những hoạt động du lịch mà họ gọi là du lịch tâm linh.

Ấn Độ đã nối kết các di tích then chốt của Phật giáo bằng một mạng lưới đường sắt, trên đó chuyến xe lửa tốc hành Mahaparinirvan Express đang hoạt động. Họ cũng đang ra sức cải thiện các cơ sở hạ tầng khác như đường cao tốc và phi trường.

Người đứng đầu Hiệp hội Công ty Lữ hành Ấn Độ, ông Subash Goyal, cho biết tiến trình này đã khởi sự nhưng còn rất nhiều việc cần phải làm:

"Có rất nhiều nơi mà khách sạn và những thứ khác cần được dựng lên. Và điều thứ thứ nhì là sự nối kết của mạng lưới đường sá, và cũng cần có sự nối kết của đường hàng không để nối kết tất cả những nơi này bằng máy bay loại nhỏ hoặc máy bay trực thăng. Nếu các địa điểm và cơ sở hạ tầng được cải thiện, tôi tin chắc là chúng tôi sẽ có 2 hoặc 3 triệu du khách Phật giáo đến thăm Ấn Độ."

Chính phủ Ấn Độ đã nhận thức nhu cầu đầu tư thêm để phát triển tuyến du lịch mà họ gọi là đường vòng Phật giáo.

Trong chuyến công du Nhật Bản hồi gần đây, Bộ trưởng Du lịch Ấn Độ K. Cheeranjivi cho biết nước ông cần có những nhà khách có phẩm chất tốt hơn với giá rẻ nằm gần những thánh địa Phật giáo và ông kêu gọi Nhật Bản đầu tư vào khu vực khách sạn, nhà hàng.
Vườn Lâm Tỳ Ni, nơi đức Phật đản sinh
Vườn Lâm Tỳ Ni, nơi đức Phật đản sinh

Không phải chỉ có Ấn Độ mới hy vọng thu hút du khách Phật giáo. Những hành khách trên chuyến xe lửa hành hương Phật giáo được xe buýt chở qua biên giới để tới thị trấn Lumbini (Lâm Tỳ Ni) ở Nepal. Thị trấn, nơi Đức Cồ Đàm hạ sanh, đã được tân trang trong nhiều năm qua để phục vụ du khách.

Ông Sharad Pradhan của Hội đồng Du lịch Nepal cho biết cho đến nay hầu hết các du khách nước ngoài phải đi qua Ấn Độ để đến nước ông. Nhưng ông hy vọng việc này sẽ thay đổi:

"Chúng tôi cũng có rất nhiều du khách đến từ Sri Lanka. Cũng có nhiều người đến từ Thái Lan, Nhật Bản. Giờ đây chính phủ Nepal đang xây phi trường Lumbini. Phi trường này sẽ được hoàn tất trong vòng hai năm và du khách sẽ có thể bay thẳng tới Lumbini."

Tại Ấn Độ, các tiểu bang có nhiều thắng tích Phật giáo đã bắt đầu có được những lợi ích của những hoạt động du lịch Phật giáo.

Cách nay 10 năm hầu như không có du khách nước ngoài nào đặt chân tới Bihar. Đây là một trong những vùng nghèo nhất và kém phát triển nhất của Ấn Độ nhưng cũng là nơi có nhiều di tích Phật giáo nhất. Hiện nay Bihar đón tiếp gần nửa triệu du khách nước ngoài mỗi năm.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG