Đường dẫn truy cập

Dân biểu Frank Wolf: Cần có đại sứ Mỹ gốc Việt tại Việt Nam


Dân biểu Frank Wolf của đảng Cộng hòa trong một cuộc phỏng vấn với VOA
Dân biểu Frank Wolf của đảng Cộng hòa trong một cuộc phỏng vấn với VOA


Trong một hành động hy hữu, một nhà lập pháp Mỹ viết thư cho Tổng thống đòi cách chức một vị đại sứ. Dân biểu Frank Wolf, một tiếng nói trong Hạ viện Hoa Kỳ mạnh mẽ bênh vực nhân quyền gửi thư yêu cầu Tổng thống Barack Obama bãi chức đại sứ Mỹ tại Việt Nam, David Shear. Trong cuộc phỏng vấn với Trà Mi của Ban Việt ngữ, dân biểu Frank Wolf nhấn mạnh cần phải cách chức đại sứ Shear vì vị sứ giả này đã thất bại trong việc cổ xúy các giá trị biểu tượng của Hoa Kỳ, tức cổ võ cho nhân quyền ở Việt Nam.

Trà Mi: Lá thư ông gửi cho Tổng thống Obama đòi cách chức đại sứ Mỹ tại Việt Nam thật sự gây sốc. Nếu tôi không lầm đây dường như là trường hợp đầu tiên như thế?

Dân biểu Frank Wolf: Vâng, tôi nghĩ vậy.

Trà Mi: Trong thư ông đề nghị cách chức đại sứ David Shear vì ông Shear không cổ võ cho nhân quyền và không lên tiếng cho những người không có tiếng nói tại Việt Nam. Tuy nhiên, có lập luận cho rằng trách nhiệm và nghĩa vụ của một đại sứ Mỹ không chỉ giới hạn ở việc cổ võ nhân quyền tại một quốc nào đó cho dù đây là một phần trong công việc của ông. Vì ông còn có nhiều nhiệm vụ khác nữa và (như đại sứ Shear có nói) là cần phải ‘cân bằng’ để giữ cho quan hệ giữa Mỹ với quốc gia đó phát triển. Ông có hồi đáp thế nào trước lập luận này?

Dân biểu Frank Wolf: Anh không thể ‘cân bằng’ bằng cách phớt lờ hiệp ước căn bản và hiến chương của quốc gia mà anh đại diện. Những ngôn từ trong Hiến pháp Hoa Kỳ ra đời tại Philadelphia vào năm 1787 là hiệp ước của toàn thế giới cũng như những ngôn từ trong Bản Tuyên ngôn Độc lập là công ước mà người dân Việt Nam cũng như người dân ở Philadelphia vào năm 1776 cùng chia sẻ. Tòa đại sứ Mỹ phải là một hòn đảo của sự tự do. Ngày Độc lập của Hoa Kỳ 4/7 hay Bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ căn bản là hai yếu tố nền tự do và quyền tự do. Cho nên, anh không thể thỏa hiệp để hy sinh nền tự do, quyền tự do của con người, hay nhân quyền để đổi lấy những cái lợi về kinh tế. Có nhiều người Mỹ gốc Việt đã tới văn phòng của tôi cho biết rằng tình hình nhân quyền tại Việt Nam ngày càng tồi tệ đi. Và đại sứ David Shear đã thất bại về những điều căn bản. Sự thật buộc chúng ta phải thốt lên rằng ông ta đã thất bại. Thử so sánh đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông David Shear, với đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, ông Gary Locke xem. Đại sứ Locke ở Trung Quốc đã cổ võ vận động cho nhân quyền. Nhìn vào trường hợp của luật sư nhân quyền khiếm thị Trần Quang Thành sẽ thấy rõ điều đó. Vì thế mà tôi cho rằng vị đại sứ Mỹ tại Việt Nam thay thế cho ông David Shear nên là một người Mỹ gốc Việt. Đại sứ Gary Locke, một người Mỹ gốc Hoa, hiểu và cảm nhận rõ về Trung Quốc. Vì vậy mà ông ta đã có thể đưa nhà hoạt động nhân quyền Trần Quang Thành ra khỏi Trung Quốc để tới Hoa Kỳ. Còn đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông David Shear, thậm chí không thể đưa một công dân Mỹ ra khỏi một trại giam ở Việt Nam. Ông ta quá yếu. Lẽ ra ông ta nên vào trại giam gặp nhà hoạt động Nguyễn Quốc Quân. Vậy mà đại sứ Shear thậm chí cũng chẳng thèm liên lạc với vợ của ông Quân cho tới khi chúng tôi làm ông bẽ mặt. ‘Cân bằng’ ư? Vâng, một vị đại sứ Mỹ cần phải ‘cân bằng’, nhưng ông Shear đã thất bại về các giá trị căn bản. Và kết quả đã cho thấy là tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam tồi tệ đi trong nhiệm kỳ của ông đại sứ Shear tại Việt Nam. Chính quyền của Tổng thống Obama có một trong những chính sách về nhân quyền và tự do tôn giáo tệ nhất. Hơn nữa, ông đại sứ Shear đã làm chúng tôi bị lầm. Ông viết thư hứa với chúng tôi rằng ông sẽ mở rộng cửa tòa đại sứ tại Việt Nam mời tất cả những nhà bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động tới nhân Ngày Lễ Độc lập 4/7 của Hoa Kỳ, một cách biểu hiện sự bảo vệ đối với các nhà hoạt động nhân quyền tại Việt Nam. Đây là điều đã xảy ra trong những năm 80 khi đại sứ Mỹ tại Romani mở cửa cho các nhà bất đồng chính kiến của nước này. Ông đại sứ Mỹ tại Việt Nam hiện nay đã thất bại trong lĩnh vực nhân quyền và cần phải bị cách chức.

Trà Mi: Ông đề nghị rằng đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nên là một người Mỹ gốc Việt. Chúng ta đang có một Tổng lãnh sự Mỹ ở Việt Nam là một người Mỹ gốc Việt rồi. Liệu có khác biệt gì chăng nếu có một người Mỹ gốc Việt làm đại sứ Mỹ tại Việt Nam?

Dân biểu Frank Wolf: Tôi nhấn mạnh là đại sứ vì đại sứ là người đại diện cho chính phủ Mỹ tại nước ngoài, là tiếng nói đại diện cho Hoa Kỳ.

Trà Mi: Ông đặc biệt phẫn nộ trước việc đại sứ Shear đã không mời những nhà bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động nhân quyền tới đại sứ quán Mỹ trong Ngày Lễ Độc lập của Mỹ và cách thức ông ta xử lý vụ việc của tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân. Thế nhưng đưa ra hai lý do này để yêu cầu cách chức ông đại sứ, liệu có công bằng và đủ sức thuyết phục chăng, thưa ông?

Dân biểu Frank Wolf: Dĩ nhiên. Có rất nhiều lý do và lý lẽ chứng minh rõ ràng rằng ông đại sứ Shear đã thất bại. Hãy đặt trường hợp là thân nhân của một công dân Mỹ bị giam tại Việt Nam mà không được ông đại sứ và chính phủ Mỹ cổ võ bảo vệ cho mình sẽ thấy rõ thế nào. Ông Shear không vào trại giam gặp ông Quân mà cũng chẳng liên lạc với người nhà của ông Quân nữa. Vậy có thể nói tòa đại sứ Mỹ tại Việt Nam là một hòn đảo của sự tự do chăng, có thể là một hòn đảo kinh tế nhưng chắc chắn không phải là một hòn đảo của sự tự do.

Trà Mi: Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Mỹ, Victoria Nuland đã lên tiếng bênh vực đại sứ Shear, cho biết ông Shear đã đặt nhân quyền vào trọng tâm mối giao tiếp của Mỹ với Việt Nam và đã nêu vấn đề nhân quyền với quan chức cấp cao của Hà Nội trong mỗi lần tiếp xúc. Phản hồi của ông thế nào?

Dân biểu Frank Wolf: Họ chẳng qua là những người phát ngôn, những cái loa của chính quyền. Chính quyền của Tổng thống Obama có một trong những chính sách về nhân quyền tệ nhất. Mọi người có nhìn thấy không? Hỏi chuyện những người Việt Nam sẽ thấy tình trạng nhân quyền tại Việt Nam ngày càng tồi tệ đi thế nào. Dĩ nhiên chính quyền luôn có người phát ngôn bênh vực họ nhưng họ không thể biện hộ được về những thành tích tệ hại liên quan đến chính sách nhân quyền.

Trà Mi: Theo luật Mỹ, chính khách không có quyền cách chức đại sứ, là những người được Tổng thống chỉ định và được Thượng viện chuẩn thuận. Có thể hiểu thế nào về thông điệp từ lá thư và từ lời kêu gọi của ông?

Dân biểu Frank Wolf: Rằng đại sứ Shear cần phải bị cách chức. Nếu chính quyền Mỹ làm đúng, họ phải cách chức ông đại sứ David Shear và thay bằng một vị khác biết cổ võ cho các giá trị của Hoa Kỳ, cổ súy nhân quyền và giúp đỡ những giáo dân, những tín đồ Phật giáo, những người Thượng Tây Nguyên, những nhà hoạt động dân chủ, và những blogger tại Việt Nam, những người mưu tìm và khao khát quyền tự do căn bản của con người.

Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn dân biểu Frank Wolf đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.

VOA Express

XS
SM
MD
LG