Đường dẫn truy cập

Café de Tokyo - Tôi kể người nghe


Sáng nay, tôi đang ở trong một căn phòng nhìn ra một khoảng sân nhỏ và lặng của khách sạn Harbour View, với ba mươi phút buổi sáng chờ xe đến đón cho một ngày làm việc dài trước mặt.

Tôi đang ở một vùng đất nhỏ trên đất nước của mình, nhỏ như rất nhiều mảnh đất khác trên vùng địa lý dài và hẹp này. Những lần ở lại vội vã và ngắn chỉ một ngày một đêm. Nhưng chưa bao giờ tôi quên những nét hiền dịu quê quê nép mình khiêm tốn như hàng vạn năm nay của những mảnh đất này.

Là cũng chưa bao giờ tôi ảo tưởng cho rằng đây là những vùng đất đẹp, nếu so sánh với những vùng đất rực rỡ và xa hoa mà tôi đã có dịp đến, ở lại và cũng đã rời đi. Cũng không phải là những vùng đất tiềm năng đến độ mang lại một hứa hẹn sẽ là một tương lai trở nên rực rỡ và xa hoa kia. Cũng vẫn sẽ giậm chân một chỗ, cũng vẫn sẽ là thế như hàng đời vẫn thế.

Nhưng có điều gì đó vẫn luôn làm tôi hơi háo hức mỗi khi có bảng kế hoạch làm việc gởi đến cho tôi, khi tôi còn đang ở những vùng đất xa xôi kia. Đó là những nét đen trầm sẽ chấm lên hình ảnh từng-ngày của tôi. Nó tạo cảm hứng cho tôi có thêm một vài ý kiến mới nho nhỏ giúp thêm cho phía đối tác của mình trên những vùng đất nhỏ này, nếu có thêm được một ít cơ hội nho nhỏ để vươn mình ra hòa nhập thêm được một chút với những bộ máy sắt đang tung hoành chiếm hữu phần còn lại của thế giới, bằng trí thông minh của họ, bằng những điều kiện có sẵn mà đất nước họ đang tạo ra cho họ.

Cứ thế mà dần dần, tôi chấp nhận đánh đổi nhiều thứ khác, để có dịp được đi đến từng vùng nhỏ trên mảnh đất cong của mình, với một niềm ước vọng nho nhỏ mà tôi dành riêng thầm lặng cho tôi, xuất phát từ một việc cụ thể xảy ra hơn mười năm trước, khi tôi đã vẫn còn nhiều chỗ trống để hấp hối suy nghĩ về chữ, đất nước mình.

Lúc đó là năm 2001. Đột ngột tôi nhận được một lời nhờ từ Cục Bảo An Hàng Hải Nhật Bản từ Yokohama, cho một vụ án lớn đường dây nhập cảnh trái phép của các tàu viễn dương từ nước mình. Vì tôi cũng đang muốn thay đổi không khí một chút với khung cảnh văn phòng làm việc quen thuộc hàng ngày, tôi gởi đơn đến bộ phận nhân sự báo nghỉ phép một tuần. Và nhận lời hàng ngày đi xe điện đến trụ sở của Cảnh sát Yokohama bằng chuyến xe điện sớm nhất, trở về nhà bằng chuyến xe điện cuối cùng mỗi ngày.

Ngày bắt đầu chương trình làm việc, tôi được giới thiệu thân mật với bên làm việc phía Việt Nam ngoài tôi ra là bốn bạn khác. Khi giới thiệu sơ qua bản thân cho phía Nhật Bản, ngài cố vấn cao cấp nhất kỳ này, Kanayama-san, đã muốn ngã ngửa xỉu trên ghế với bản tóm tắt sơ yếu lý lịch của bốn bạn ấy, những tiến sĩ, thạc sĩ của Tokyo University, của Keio University.

Cũng trong ngày đó, lần đầu tiên gặp mặt với đoàn thủy thủ viễn dương liên quan đến vụ án này, tôi hơi tối mắt khi quay sang chạm phải những ánh mắt cũng đang chua xót nhìn từ bốn bạn cộng sự còn lại. Nhìn những người đồng hương của mình, đang bị giam giữ, điều tra. Có cả những đôi tay đang nằm gọn trong chiếc còng số 8.

Tôi nói với Kanayama-san, rằng có thể tháo những chiếc còng đó ra được không. Tôi đáp khi được hỏi lý do, tôi muốn bình tĩnh và công tâm nhất khi dịch lại những điều phía đoàn thủy thủ cung cấp lời khai. Tôi được chấp thuận yêu cầu.

Một tuần lễ dài. Những buổi trưa ăn vội với một hộp bento và vài lon trà, café. Những chứng kiến khung cảnh nhăn nhúm, tội nghiệp nhất của gần ba mươi người đàn ông Việt Nam phía mình, có người đôi co lấp liếm, có người tinh ranh nham hiểm, và có những người chất phác ngơ ngác làm tôi rát lòng. Những gì mà tôi thấy được trên hiện trường gói gọn một chiếc tàu thủy chở hàng hóa, là cuộc sống cơ cực chen chúc trên những góc nhỏ tối tăm eo hẹp đến không một thể tích không khí nào thoát vào được, họ đã phải trốn chui trốn nhủi dài ngày trong đó.

Điều làm tôi giận nhất, là năm người đàn ông tạo nên cảnh trạng này. Đó là tàu trưởng, là thủy thủ trưởng, là kế toán trưởng, là phục vụ trưởng, là thông tin trưởng. Họ nhận không thương tiếc từ những người đồng hương của mình, những người đến từ những vùng đất cơ cực nhất của Việt Nam. Những giọng nói địa phương nói không tròng vành chữ vì hoang mang. Tôi không thể nhìn lâu được vào những đôi bàn tay bàn chân nứt nẻ đó, những bàn tay còn không thể viết thạo ngay ngắn tên của mình vào biên bản lời khai, mà lại là những đôi tay đôi chân bươn chải vay mượn khắp nơi ở quê nhà, cho đủ con số 15.000$ mỗi người, để nộp cho năm người kia.

Khi được hỏi nếu lần này không bị cảnh sát phát hiện, anh sẽ làm gì ở Nhật. Anh đáp, tôi nghe nói rằng Nhật giàu lắm, chỉ cần sang đây rồi đi hái cà chua cũng đủ giàu. Miễn sao thoát ra khỏi được mảnh đất nghèo cực ở Việt Nam.

Tôi cứ nhớ hoài ánh mắt vô phương hướng của anh. Và tôi cũng thấy suy nghĩ của mình vô hướng theo trong giờ nghỉ giải lao sau đó. Để đủ sức sống ổn ở một đất nước nổi tiếng là đắt đỏ nhất thế giới, hàng rào ngôn ngữ là một điều to tát, nhưng không to tát bằng một cách sống công minh, bảo vệ luật pháp của từng người Nhật ở Nhật. Liệu có một chủ nông trại cà chua nào ở Nhật nhận một công nhân nhập cảnh bất hợp pháp không. Khả năng rằng không là rất cao, thì sẽ có khả năng những nhóm người nhỏ đồng hương của mình dựa dẫm vào nhau mà làm một cái gì đó trong bức tranh nửa sáng nửa tối mà thôi.

Một bản hợp đồng nhăn nheo được phát hiện trong đống hồ sơ trên tàu. Số tiền đó đã được giao nhận bên nhà, nếu suôn sẻ trót lọt thì không sao, nếu có bị cảnh sát Nhật phát hiện, thì không có việc hoàn trả lại cho những người muốn ra đi bất hợp pháp đó.

Một đường dây đưa người trái phép có quy mô đã lâu, những người tạo đường dây này, là những người có học thức. Cách nói chuyện của họ, làm năm chúng tôi khá nhức trí. Lại có khi một người giả ra một trận nhồi máu cơ tim đột xuất. Xe cứu thương rầm rầm đưa đến bệnh viện. Cơ sở y tế tốt nhất dành cho anh ấy, chi phí y tế phía cảnh sát Nhật phải chi trả, những chăm sóc nhẹ nhàng của cảnh sát, bác sĩ Nhật dành cho anh ấy. Và những ánh mắt bàng hoàng chua xót của những cảnh sát, bác sĩ đó khi bác sĩ đưa ra chứng cứ của chỉ là một trò giả đò của anh ấy.

Những buổi tạo dựng lại hiện trường trên tàu để chụp ảnh làm chứng cứ đưa ra tòa. Những thủ pháp đấu tranh tâm lý tội phạm, những lời khai điên khùng của phía bị cáo Việt Nam. Những cuộc điện thoại liên tục về gia đình của các bị cáo để thông báo thông tin, tình trạng một cách chính xác cho phía gia đình bị cáo trong cơn lo lắng. Nhóm năm người chúng tôi đã rất nhiều phen lắc đầu chua xót. Những lời chỉ trích vô cớ từ chính những người ấy ném về phía chúng tôi, cho rằng chúng tôi không chịu bao che cho những lời khai lấp liếm chối quanh của họ.

Đồng ý rằng, chi phí được trả cho năm người chúng tôi mỗi ngày có thể được xem là rất cao. Nhưng điều đó không phải là tất cả.

Có thể vì chúng tôi đã có buổi tuyên thệ trong Tòa án Yokohama, trong một khung cảnh nghiêm túc đến gây rờn rợn cho làn da, tuy chỉ là một thủ tục pháp lý nhưng là lời thề bảo vệ sự thật. Tuy rằng nhiều lúc có phải đứng phía đối diện lại với những người đồng hương của mình, nhưng là vì phía Nhật Bản quá tốt, cách hành xử của họ giữa người và người cho dù có nghiêm khắc đến đâu, thì tình nhân ái vẫn là trên hết. Đến nỗi một trong những người cầm đầu trong đoàn thủy thủ ấy phải thốt lên, "Anh phải công nhận chưa một phía cảnh sát nào tử tếe, và nhiều tình người như ở Nhật này…!"

Kết thúc một tuần nặng nề đó, tôi tự nói với chính tôi là, tạm thời ngưng nhận những lời nhờ góp sức vào những vụ việc như thế này, cho dù có là lời nhờ từ một ai cấp lớn đến đâu phía Nhật đi nữa.

Tôi cần giữ lại cho mình đừng có quá suy nghĩ chua xót cho đất nước của mình quá. Cái phương cách đi ra sinh sống ở nước ngoài, tôi đã chưa biết là có những cảnh thảm hại như thế, người Việt cùng tàn hại nhau như thế, và đất nước, đã làm cho những người dân tha phương cầu thực với một tương lai như thế nào...?

Tôi đã chỉ đơn giản nghĩ, nếu chịu khó học hành khi còn thời sinh viên, nếu ráng sức phấn đấu đến hết sức mình để đoạt một suất học bổng du học, nếu không may mắn thì khi đi làm, vẫn còn có thể phấn đấu, như rất nhiều người khác, để đường đường chính chính có một chỗ ngồi đàng hoàng trên máy bay. Chỉ cần ráng sức học hỏi, chỉ cần ráng sức phấn đấu, là sẽ có được nhiều thứ trong ánh sáng.

Nhưng đó là thế giới suy nghĩ của tôi lúc mười năm trước. Một thế giới suy nghĩ còn nhiều hạn hẹp, và nhờ hạn hẹp đó, mà có vẻ tốt đẹp.

Hơn mười năm sau. Biết bao nhiêu việc tôi được chứng kiến và biết thêm. Điều đó làm cho tôi có một ước vọng nho nhỏ cho riêng tôi là ráng làm được một điều gì đó cho chính những con người đến từ vùng đất cơ cực trên đất nước mình.

Và điều đó làm tôi càng nghĩ rằng việc thanh lọc suy nghĩ của mình, là việc càng phải nên làm, và phải học cách để thanh lọc, nếu càng chứng kiến dài, và sống dài. [LDGC]
  • 16x9 Image

    Lê Ðoàn Gia Cát

    Lê Đoàn Gia Cát (tên Nhật: Mizuno Gia Cát) sinh tại Huế. Tốt nghiệp 2 bằng cử nhân đại học khoa Đông Phương tại ĐH Tổng hợp và khoa Luật Hành Chính tại ĐH Luật Sài Gòn. Từ năm 2000, sinh sống và làm việc tại Tokyo trong ngành sản xuất thời trang. Đồng thời, là người đồng biên soạn bộ tự điển điện tử Việt – Nhật dành cho iPhone, iPad, Android của The CJK Dictionary Institute. Hầu hết những tản văn đều được viết khi ngồi ở một góc cafe tại Tokyo.
XS
SM
MD
LG