Đường dẫn truy cập

Dự án 'Biến mìn bẫy thành sô-cô-la' tại VN


Dự án 'Biến mìn bẫy thành sô-cô-la' tại VN
Dự án 'Biến mìn bẫy thành sô-cô-la' tại VN

Tháng tư năm nay kỷ niệm 35 năm ngày kết thúc chiến tranh Việt Nam. Sau hơn 3 thập niên chấm dứt cuộc tương tàn, thịt vẫn rơi, máu vẫn chảy tại nhiều khu vực trên khắp đất nước Việt Nam, vì số bom mìn khổng lồ còn sót lại dưới lòng đất đang từng ngày, từng giờ rình rập mạng sống của các cư dân địa phương, đặc biệt là giới trẻ sinh sau chiến tranh ở các vùng nông thôn.

Theo thống kê, kể từ khi cuộc chiến chấm dứt năm 1975, Việt Nam có hơn 100 ngàn người thiệt mạng hoặc bị thương do bom mìn còn sót lại dưới lòng đất. Tỉnh Quảng Trị của miền Trung được xem là nơi có tỷ lệ bị ảnh hưởng vì mìn bẫy cao nhất cả nước, với hơn 80% tổng diện tích toàn tỉnh bị ô nhiễm bom mìn, hơn 7 ngàn nạn nhân, trong số này, trên 2 ngàn người đã tử vong vì mìn bẫy.

Ông Ngô Xuân Hiền, cán bộ dự án Project Renew chuyên rà phá bom mìn tại tỉnh Quảng Trị, cho biết:

“Theo số liệu của Bộ Quốc phòng Việt Nam, có khoảng 800 ngàn tấn bom mìn các loại còn sót lại sau chiến tranh, nhưng số liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng có đến 1,5 triệu tấn bom mìn còn sót lại ở Việt Nam. Đánh giá sơ bộ của chúng tôi trên toàn quốc cho thấy 20% diện tích của Việt Nam đang còn ô nhiễm vì bom mìn.

Những hoạt động chúng tôi đang làm đây là dựa vào nguồn hỗ trợ nhân đạo từ chính phủ Mỹ và các nước. Còn chính phủ Việt Nam vẫn có ngân sách riêng dành cho rà phá bom mìn do Bộ Quốc Phòng, Bộ Tư lệnh công binh vẫn đang thực hiện. Đối với các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng lớn, chính phủ Việt Nam có trách nhiệm rà phá bom mìn tại các hiện trường đó.”

Người cán bộ của dự án chuyên rà phá bom mìn tại tỉnh Quảng Trị nói thêm rằng những nạn nhân tai nạn mìn bẫy tại Việt Nam phần đông là trẻ em thuộc độ tuổi thanh-thiếu niên:

Dự án 'Biến mìn bẫy thành sô-cô-la' tại VN
Dự án 'Biến mìn bẫy thành sô-cô-la' tại VN

“Đối tượng trẻ em sinh sau chiến tranh, nhận thức của họ về bom mìn còn bị hạn chế. 31% nạn nhân là trẻ em trong các vụ tai nạn do bom mìn. Ngay bản thân tôi, hồi những năm 80, lúc đó tôi khoảng 12-13 tuổi, còn đi tìm lượm những thuốc bồi súng để đốt vào đêm giao thừa cho sáng.

Trong các chương trình học đường, nhà nước và các dự án như chúng tôi vẫn có lồng ghép những chương trình giáo dục, phòng tránh tai nạn cho trẻ em. Tuy nhiên, các tai nạn xảy ra là do mưu cầu cuộc sống, người dân đi dò tìm phế liệu chiến tranh để mua bán và bị tai nạn.”

Một bạn trẻ thuộc thế hệ 8X tên Nam Long, cư ngụ tại Long Bình, Hố Nai 3, khu vực được mệnh danh là kho đạn quân sự trong thời chiến tranh Việt Nam, có 1 người anh cả bị chết và 1 người anh thứ bị tàn phế vì nhặt bom mìn về cưa để lấy phế liệu bán kiếm tiền phụ giúp gia đình.

Nam Long kể:

“Em có hai người anh trai, một người sinh năm 1972, một người sinh năm 1978. Một anh bị chết tại chỗ do cưa 1 quả đạn M79. Còn người anh sinh năm 1978 bị gãy nát chân vì đạn nổ. Hồi đó và bây giờ cũng vậy, người dân ở đây rất nghèo nàn, lạc hậu, không hiểu biết nhiều về các thông tin bom mìn đó.”

Một thanh niên 32 tuổi tên Minh Quốc cũng là cư dân khu vực Long Bình. Sinh ra lành lặn, nhưng đến năm lên 10, cậu bé Minh Quốc bỗng trở nên tàn phế vì nghịch phải một quả bom mà bạn tưởng lầm là một cục sắt. Quốc may mắn thoát tay Tử thần, còn hai người anh của bạn thì chết ngay tại chỗ khi trái bom bất ngờ phát nổ.

Minh Quốc thuật lại:

“Năm 1988, em bị gãy giò do nổ mìn. Đó là một rủi ro, do mình không hiểu biết nên mình nghịch phá và xảy ra tai nạn. Mình tưởng cục sắt, mình đập, chứ đâu biết cái gì. Lúc đó mới 10 tuổi đang học lớp 3, lớp 4, đâu có rành. Đất nước Việt Nam cũng còn nghèo lắm vì mới chiến tranh qua sao dọn dẹp kỹ được. Ở Việt Nam chứ đâu phải như nước ngoài mà có chuyện hỗ trợ này nọ? Mất mát thì vẫn có nhưng cuộc sống mình giờ phải chịu vậy thôi chứ làm sao? Khu của em ở thuộc tổng kho Long Bình, nằm ngay gần kho đạn. Hồi xưa đi kiếm sắt để đập ra bán, không ngờ bị nổ. Sau khi nằm bệnh viện hơn tháng trời về nhà em mới nghe gia đình báo là hai ông anh bị mất, chứ lúc xảy ra sự việc không hề biết gì, vì em lúc đó còn nhỏ mà bị thương cũng nặng lắm.”

Dự án 'Biến mìn bẫy thành sô-cô-la' tại VN
Dự án 'Biến mìn bẫy thành sô-cô-la' tại VN

Để đánh dấu ngày Nhận thức về Bom mìn Thế giới của Liên hiệp quốc, 4/4 năm nay, tổ chức nhân đạo Roots of Peace chuyên tháo gỡ mìn bẫy tại nhiều nơi trên thế giới dự định khởi xướng chương trình mang tên “Biến mìn bẫy thành sô-cô-la” tại Việt Nam, giúp rà phá mìn bẫy, tái tạo đất trồng, mang đến cho nông dân các mùa gặt hoa màu trù phú thay vì những vụ thu hoạch đẫm máu.

Sau các cuộc tiếp xúc tốt đẹp đầy hứa hẹn với chính phủ Việt Nam, hiện Roots of Peace đang chờ giấy phép để chính thức đi vào hoạt động như một tổ chức phi chính phủ (NGO) tại Việt Nam. Nếu mọi việc suông sẻ, những bom đạn sát thương còn sót lại trên lãnh thổ Việt Nam sẽ lần lượt được biến thành những thỏi sô-cô-la mang hương vị ngọt ngào của cuộc sống thời bình, của lòng nhân ái, cảm thông, và sự chia sẻ từ những người bạn đến từ bên kia nửa vòng trái đất.

Ra đời từ năm 1997 Roots of Peace có trụ sở tại bang California, Hoa Kỳ, do bà Heidi Kuhn sáng lập là một tổ chức NGO nhân đạo chuyên tháo dỡ mìn bẫy tại nhiều nơi trên thế giới cũng như giúp cải thiện đời sống của các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi bom mìn. Tháng ba vừa qua, bà Kuhn đích thân thực hiện chuyến thăm Việt Nam với mong muốn thiết lập một chương trình cải tạo kinh tế cho tỉnh miền núi Bình Phước, thuộc vùng Đông Nam Bộ, với dự án nghe khá lạ tai “Biến mìn bẫy thành sô-cô-la”.

Chủ tịch và là sáng lập viên của tổ chức thiện nguyện Roots of Peace, bà Heidi Kuhn, chia sẻ:

“Chúng tôi muốn đem mô hình này tới Việt Nam. Sau khi đích thân cùng con trai đến đất nước này, tôi cảm nhận được nỗi lòng của các bà mẹ Việt Nam phải chịu đựng những đau đớn, mất mát tận 35 năm sau cuộc chiến.

Tại tỉnh Quảng Trị mà tôi có dịp ghé thăm, 83% đất đai ở đây bị ô nhiễm bởi mìn bẫy. Những gì đã xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam 3 thập niên trước hiện vẫn đang ảnh hưởng tới thế hệ trẻ tại đây, là thành phần chiếm 60% dân số nước này. Tôi nghĩ tất cả chúng ta nên có trách nhiệm nhân đạo giúp gỡ bỏ những mầm mống đe dọa khủng khiếp còn sót lại bên dưới lòng đất và giúp các nông dân địa phương gieo trồng những hạt mầm hòa bình.”

Dự án 'Biến mìn bẫy thành sô-cô-la' tại VN
Dự án 'Biến mìn bẫy thành sô-cô-la' tại VN

Về kế hoạch chi tiết của dự án “Biến mìn bẫy thành sô-cô-la” tại Việt Nam, bà Kuhn nói:

“Chúng tôi muốn trồng cacao tại các khu vực như tỉnh Bình Phước và những vùng đất mà chúng tôi được biết là sẽ cho chất lượng cây cacao cao nhất trên thế giới, chỉ đứng sau nước Ghana ở Châu Phi, mà hiện vẫn còn nhiều bom mìn sót lại dưới lòng đất.

Trước tiên, chúng tôi sẽ tiến hành tháo dỡ mìn bẫy và sau đó sẽ giúp dân địa phương trồng cacao trên chính những mãnh đất ấy để cải thiện đời sống kinh tế, biến những vị đắng chiến tranh thành vị ngọt của cuộc sống thời bình qua những thanh kẹo sô-cô-la ngọt ngào.

Chúng tôi sẽ giúp họ hàn gắn những vết thương chiến tranh bằng cách hướng dẫn cho họ những phương pháp nông nghiệp hiện đại áp dụng lên những vùng nông thôn nghèo khó này. Kế đó, chúng tôi sẽ tiến hành bước tiếp theo là cung cấp cho họ thị trường tiêu thụ sản phẩm từ cây cacao.”

Tuy thời hạn dự kiến thực hiện dự án thí điểm tại tỉnh Bình Phước là từ mùa xuân năm nay đến mùa xuân năm 2012, nhưng Chủ tịch tổ chức Roots of Peace cho biết thêm rằng tiếp sau dự án này, tổ chức của bà hy vọng sẽ thực hiện nhiều dự án khác tại nhiều vùng khác nữa trên đất nước Việt Nam mà địa điểm kế đang được nhắm đến là tỉnh Quảng Trị, khu vực bị tác động nặng nề nhất bởi mìn bẫy. Ngoài ra, Roots of Peace cũng đang dự định thực hiện kế hoạch gây quỹ cho các bạn trẻ ở những vùng bị tác động bởi bom mìn tại Việt Nam:

“Chúng tôi cùng với 'Hội thân hữu Huế' có trụ sở tại California đang tiến tới việc gây quỹ vào tháng 5 năm nay. Chúng tôi sẽ phát động một chiến dịch quyên góp dành cho Việt Nam để xây trường và sân đá bóng cho trẻ em.”

Các chuyên gia tại Việt Nam cho rằng để đạt hiệu quả hơn nữa trong công tác xóa sạch mìn bẫy tại Việt Nam cần phối hợp nâng cao nhận thức và cảnh giác của người dân và các nguồn hỗ trợ mạnh mẽ của quốc tế.

“Những cảnh báo về tai nạn bom mìn cần phải được duy trì và lập đi lập lại. Để giúp Việt Nam khắc phục những hậu quả chiến tranh, cộng đồng quốc tế cũng nên có sự ưu tiên hỗ trợ mạnh hơn nữa cho Việt Nam để chúng tôi có đủ nguồn lực để rà phá những bom mìn còn sót lại.”

Một nạn nhân của mìn bẫy sau chiến tranh tên Quý Thí giờ đã trở thành một tình nguyện viên tuyên truyền về hiểm họa của mìn bẫy ở tỉnh Quảng Trị, bày tỏ mong ước:

“Mong muốn rằng những nạn nhân như chúng tôi có được một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, không còn thấy bom mìn sót lại trên mãnh đất của mình nữa. Mong các cộng đồng giúp đỡ cho Việt Nam cũng như các nạn nhân mìn bẫy tại Việt Nam vượt qua nỗi khổ đó.”

Mong sao ước mơ bình dị này sẽ sớm trở thành hiện thực để những vết thương chiến tranh sớm được hàn gắn.

Đến đây Trà Mi xin chào tạm biệt quý vị. Mời quý vị và các bạn trở lại Tạp chí Thanh Niên của đài VOA, trong chương trình 10 giờ tối thứ ba tuần sau.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG