Đường dẫn truy cập

Ả rập Xê-út lo ngại về tình trạng bất ổn ở Yemen


Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh đọc một bài diễn văn được truyền hình từ Ả rập Xê-út
Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh đọc một bài diễn văn được truyền hình từ Ả rập Xê-út

Ít có quốc gia nào lo ngại về nguy cơ xáo trộn xảy ra ở Yemen, hơn là nước láng giềng phương Bắc giàu có của nước này, Ả rập Xê-út. Là một vương quốc có lập trường bảo thủ, Ả rập Xê-út đã kháng cự lại phần lớn những thay đổi đang khuấy động thế giới Ả rập, tuy nhiên nước này có thể chấp nhận ngoại lệ này, nếu điều đó có nghĩa một nước Yemen ổn định hơn.

Ả rập Xê-út không phải là một đồng minh đương nhiên của cuộc nổi dậy chính trị của phe cấp tiến ở Yemen. Một nhà hoạt động thân dân chủ nổi tiếng ở Sanaa nói rằng giới thanh niên Yemen nhìn Ả rập Xê-út với một con mắt đầy nghi kỵ.

Adel Abdu Arrabeai lập luận rằng vì Ả rập Xê-út không có những tiêu chuẩn của một chính quyền dân chủ và dân sự, không thể nào có được một sự đồng tình giữa hai bên.

Thêm vào nỗi nghi kỵ đó, là nhận thức rộng rãi rằng Tổng Thống Ali Abdullah Saleh của Yemen từng được sự ủng hộ của Ả rập Xê-út.

Ông Tom Finn, một ký giả tự do ở Sanaa, nhận định:

“Một lý do chủ yếu khiến Yemen có thể khác biệt so với các phong trào Mùa Xuân Ả rập khác, đặc biệt là về sự kéo dài của cuộc biểu tình, theo tôi là vì ông Ali Abdullah Saleh vẫn tin rằng ít nhất ông được sự hậu thuẫn của Ả rập Xê-út, là một thế lực khu vực vô cùng hùng mạnh.”

Trong suốt Mùa Xuân Ả Rập, Ả rập Xê-út cho thấy là nước này ủng hộ giải pháp để nguyên hiện trạng, dù là trong việc hậu thuẫn các Tổng Thống Tunisia và Ai Cập giờ bị lật đổ, hay điều động xe tăng đến giúp Bahrain dẹp tan cuộc nổi dậy của quần chúng tại đó.

Nhưng với Yemn, Ả rập Xê-út và các nước láng giềng vùng Vịnh đã chọn một hướng tiếp cận khác. Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh đã đề xuất một kế hoạch nhằm tuần tự đưa ông Ali Abdullah Saleh ra khỏi chiếc ghế Tổng Thống, và cho phép một vụ chuyển giao quyền lực ôn hòa diễn ra.

Ông Saleh nói ông đồng ý với kế hoạch này nói chung, tuy nhiên, vẫn tiếp tục viện hết cớ này cớ nọ để không ký kết thỏa thuận đó.

Một số nhà quan sát tin rằng Ả rập Xê-út thật sự nghiêm túc về vấn đề đưa nhà lãnh đạo Yemen ra khỏi chức vụ nắm quyền, thì họ đã làm lỡ một cơ hội quan trọng. Các nhà quan sát lập luận rằng khi ông Saleh sang thành phố Riyadh của Ả rập Xê-út hồi tháng Sáu, để hồi phục sau một vụ mưu sát, lẽ ra người Ả rập Xê-út phải tìm cách buộc ông ở lại.

Tuy nhiên Giám đốc Viện nghiên cứu các vấn đề Yemen tại American University, ông Stephen Steinbeiser, nói tính cách pháp lý của việc giữ chân ông Saleh có phần chắc đã được Ả rập Xê-út tính đến, khi để ông về nước hồi cuối tháng trước.

Ông Steinbeiser nói: “Có lẽ họ cảm thấy Tổng Thống Saleh là người có thể dẹp yên tình trạng bạo động, đặc biệt trong những ngày ngay trước khi ông trở về, và ông Saleh vẫn còn được sự tin cậy của đa số để có thể làm trung gian điều giải cho một giải pháp chuyển tiếp, bất kể giải pháp ấy rốt cuộc có hình thức nào.”

Sáng kiến của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) có thể giảm bớt không những sự nghi kỵ của những người hoạt động tích cực trong giới sinh viên, mà còn thay đổi lập luận bấy lâu về quan điểm của Ả rập Xê-út liên quan tới Yemen, rằng Ả rập Xê-út không quan tâm lắm về một chút bất ổn ở Yemen, nước láng giềng nghèo của mình, bởi vì như vậy Yemen sẽ dễ bị thao túng hơn.

Tuy nhiên, tình trạng mong manh của Yemen đã trở thành một gánh nặng trong những năm gần đây, trong khi các phần tử khủng bố đặt căn cứ tại Ả rập Xê-út bị đẩy ra khỏi nước này, và gia nhập với các nhóm khủng bố bạn ở Yemen để thành lập tổ chức al-Qaida ở bán đảo Ả Rập.

Nhà phân tích chính trị Steinbeiser nói rằng tình trạng suy yếu của nước láng giềng có thể là một giải pháp hấp dẫn trong quá khứ.

Ông nói: “Tại thời điểm này tôi tin rằng người Ả rập Xê-út đã nhận ra những vấn đề hệ trọng hơn, so với việc phải đối phó với một nước Yemen hùng mạnh hơn, nếu thực sự họ coi đây là một vấn đề. Vấn đề khủng bố hoặc chủ nghĩa cực đoan nghiêm trọng hơn nhiều, và có lẽ có tính cấp bách hơn nhiều.”

Al-Qaida không phải là lực lượng duy nhất mà Ả rập Xê-út lo ngại có thể khai thác tình trạng bất ổn. Nhiều bài viết đã đề cập đến chuyện Iran đang tìm cách chen chân vào bán đảo Ả Rập. Có triển vọng về những quan hệ giữa Iran có đa số dân là người Shia và các nhóm tôn giáo liên hệ ở Yemen, đặc biệt là người Houthis vốn hay nổi dậy ở miền Bắc.

Nhiều nhà quan sát chính trị tại Yemen tin rằng mối đe dọa từ Iran đã được thổi phồng, tuy nhiên nếu xảy ra, ông Steinbeiser nói rằng Ả rập Xê-út vốn là cứ địa kiên cường của người Sunni, và nhiều nước khác sẽ không ngần ngại hành động.

Ông nói: “Tôi tin rằng các nước vùng Vịnh khác có thể rất quan tâm, vô cùng quan tâm về sự thể này. Tôi tin rằng chúng ta có thể chứng kiến sự can thiệp của các nước đó, với sự hậu thuẫn triệt để của Ả rập Xê-út để ngăn chận bất cứ sự can thiệp nào Iran có thể thực hiện tại Yemen, nếu Iran tỏ ra công khai đến mức đó.”

Một nước Yemen dân chủ có thể không phải là giải pháp chọn lựa của Ả rập Xê-út, một nền quân chủ toàn trị, nhưng dưới con mắt của nhiều người Ả rập Xê-út, một số các giải pháp thay thế có thể tệ hơn thế nhiều.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG