Đường dẫn truy cập

Bang giao Nga–Mỹ trong năm 2011 khá tốt


Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama (trái) và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ký hiệp ước START hồi tháng 4 năm 2010
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama (trái) và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ký hiệp ước START hồi tháng 4 năm 2010

Kể từ khi Liên bang Sô viết tan rã cách đây 20 năm, Hoa Kỳ và Nga đã bỏ lại đằng sau rất nhiều sự hận thù từ thời Chiến tranh Lạnh. Tuy vẫn còn những sự khác biệt, nhưng hai nước đang ngày càng hành động cùng nhau nhiều hơn trong một loạt các vấn đề.

Hoa Kỳ và Nga vẫn có thể hủy diệt nhau chỉ bằng một nút bấm và có hàng ngàn phi đạn trên đất liền cũng như ngoài biển, có trang bị đầu đạn hạt nhân.

Tuy nhiên, tất cả những phi đạn đó không chĩa vào các thành phố của nhau như trong thời Chiến tranh Lạnh.

Và với việc Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama coi một mối quan hệ tốt đẹp hơn với Nga là một cột mốc trong chính sách đối ngoại của ông, cả hai nước đã thông qua một hiệp ước mới (START) nhằm giảm bớt số vũ khí hạt nhân tầm xa.

Bà Angela Stent là một chuyên gia nghiên cứu về Nga tại trường đại học Georgetown nhận định:

“Đến giờ mà vẫn còn những đầu đạn đó thì không hợp lý, Chiến tranh Lạnh đã qua rồi, vì vậy chúng ta phải giảm đáng kể số đầu đạn hạt nhân và chúng ta sẽ tiếp tục cắt giảm thêm nữa. Cho nên tôi nghĩ rằng việc đạt được mục tiêu đó là rất quan trọng.”

Bà Stent nói rằng Moscow và Washington cũng đã có một thỏa thuận quan trọng về vấn đề Afghanistan:

“Chúng ta đang chuyển các thiết bị quân sự qua lãnh thổ Nga, thông qua mạng lưới phân phối ở miền bắc. Và khi quan hệ với Pakistan ngày càng trở nên khó khăn cho Hoa Kỳ thì đường tiếp tế này là vô cùng quan trọng cho khả năng hoạt động của chúng ta ở Afghanistan.”

Moscow cũng đã ủng hộ các biện pháp chế tài mạnh mẽ hơn của Liên Hiệp Quốc đối với Iran và đã hủy bỏ kế hoạch chuyển giao các phi đạn phòng không S-300 cho Tehran. Ngoài ra, chính phủ Nga cũng đã không phản đối lệnh cấm bay trên vùng trời Lybia.

Tuy nhiên, bà Stent nói rằng hai bên vẫn còn bất đồng về kế hoạch của Hoa Kỳ nhằm triển khai hệ thống phòng thủ phi đạn ở châu Âu:

“Chính phủ của chúng ta đã rất nhiều lần giải thích với họ rằng hệ thống này chỉ nhằm đối phó với các mối lo ngại về việc Iran thủ đắc vũ khí hạt nhân, về Bắc Triều Tiên và các nước khác có thể đe dọa đến chúng ta. Hệ thống này không nhằm đối phó với Nga.

Tháng ba tới đây, cử tri Nga sẽ đi bầu một vị tân tổng thống để thay cho ông Dmitry Medvedev. Người có phần chắc giành thắng lợi chính là cựu tổng thống và hiện là Thủ tướng Vladimir Putin.

Nhiều chuyên gia đang tự hỏi liệu nhiệm kỳ tổng thống của ông Putin có khác với chính quyền của ông Medvedev hay không.

Cựu cố vấn an ninh quốc gia Brent Scowcroft nói:

“Không, tôi không nghĩ vậy, bởi vì điều đã rõ ràng là ông Putin là một người có quyền quyết định từ đầu chí cuối. Vì vậy tôi không nghĩ rằng sẽ có nhiều thay đổi.”

Cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Moscow Thomas Pickering nói rằng cần phải chú ý tới nước Nga– bất kể ai là người nắm quyền cai trị nước này:

“Tôi nghĩ rằng có những điều mà chúng ta không thích về nước Nga – và sẽ luôn luôn có những điều như vậy. Có những điều mà Nga không thích về chúng ta. Nhưng cũng có một số điều mà chúng ta cùng có chung quan điểm, gồm cả việc cần phải cùng nhau tồn tại.

Người Mỹ cũng sẽ đi bầu cử vào tháng 11 năm 2012 để lựa chọn một vị tổng thống. Vì vậy sẽ có khả năng là vào đầu năm 2013 cả hai nước đều có những nhà lãnh đạo mới.

VOA Express

XS
SM
MD
LG