Đường dẫn truy cập

Vừa mừng vừa lo


Vừa mừng vừa lo
Vừa mừng vừa lo

Theo dõi diễn biến các cuộc cách mạng đã và đang bùng nổ ở các nước Ả Rập dẫn đến đến sự sụp đổ của chính phủ Zine El Abidine Ben Ali ở Tunisia và chính phủ Hosni Mubarak ở Ai Cập, và sau đó, các cuộc xuống đường đòi tự do và dân chủ rầm rộ ở Bahrain, Yemen, Iran, Algeria, Sudan, Morocco, Syria và Libya, dư luận thế giới, ít nhất là giới chính trị gia và bình luận gia chính trị thường tỏ ra phân vân: vừa mừng vừa lo.

Mừng vì thấy, cuối cùng, dân chúng các nước ấy đã vượt qua được một chướng ngại khiến lâu nay họ cam phận nô lệ khốn khổ dưới những ách độc tài: sợ. Nỗi sợ kéo dài triền miên ít nhất cả hàng chục năm. Vậy mà, bỗng dưng, trước sự sửng sốt của mọi người, dân chúng ào ạt đổ xô xuống đường thách thức với những hung thần từng làm họ khiếp hãi từ thế hệ này đến thế hệ khác. Mừng nữa vì thấy sự can đảm của dân chúng ở một số nước đã được đền bù: các tên độc tài, ở Tunisia và Ai Cập, bỏ ghế tháo chạy; ở một số nước khác thì nhượng bộ hoặc hứa không ra tranh cử khi hết nhiệm kỳ hoặc gia tăng các chính sách trợ cấp đặc biệt cho dân nghèo và giới trẻ.

Người ta còn mừng vì để đạt những điều đó, dân chúng, trừ dân chúng ở Libya hiện nay, không phải đối đầu với quá nhiều nguy hiểm. Đã đành là có người chết. Nhưng trừ Libya, số người bất hạnh bị tử vong không nhiều. Hãy nhớ lại các cuộc cách mạng - hoặc cách mạng giải phóng dân tộc hoặc cách mạng xã hội chủ nghĩa - trong nửa đầu thế kỷ 20: có nơi có cả hàng triệu người chết.

Một lý do khác để mừng là sự sụp đổ của các chế độ độc tài ở Ả Rập có một ý nghĩa rất lớn trong lịch sử. Nhiều người không ngần ngại khi ví nó với sự sụp đổ của bức tường Bá Linh và khối xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu trong những năm bản lề giữa thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước. Dĩ nhiên sự so sánh ở đây chỉ có ý nghĩa tương đối: về dân số, cả khối Ả Rập hiện nay khoảng 300 triệu dân, chỉ bằng dân số của Liên bang Xô Viết lúc bị tan rã; về chính trị, cả khối Ả Rập hiện nay không thể so sánh được với uy thế của khối xã hội chủ nghĩa trước đây vốn được xem là ngang ngửa với thế giới tự do; về quân sự, khối xã hội chủ nghĩa có thể uy hiếp thế giới trong khi khối Ả Rập may lắm chỉ làm lung lay một phần ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Tuy vậy, không nên quên, về kinh tế, khối Ả Rập đóng vai trò cực kỳ quan trọng: đó là túi dầu của thế giới; về phương diện ý thức hệ, đó là những nền độc tài duy nhất hiện nay gắn liền với một chủ thuyết (còn ở các nước xã hội chủ nghĩa cuối cùng trên thế giới, từ Trung Quốc đến Việt Nam, Bắc Hàn và Cuba, thật ra, cái gọi là chủ thuyết Mác Lênin chỉ còn là một chiêu bài hờ hững, không còn nội dung nào cả!)

Người ta tin tưởng: khi khối Ả Rập Hồi giáo được dân chủ hóa, sinh hoạt chính trị ở đó sẽ ổn định; nhờ sự ổn định ấy, nguồn cung cấp xăng dầu cũng sẽ ổn định; xăng dầu ổn định, kinh tế thế giới giảm đi rất nhiều nguy cơ khủng hoảng. Ngoài ra, sự thành công của các cuộc cách mạng bất bạo động sẽ chứng minh là quan điểm của những người Hồi giáo cực đoan lúc nào cũng khăng khăng chủ trương bạo động, thậm chí, khủng bố là sai lầm.

Mừng thì mừng, nhưng lo thì vẫn cứ lo. Thậm chí, càng ngày càng lo. Đọc các tờ báo tiếng Anh lớn trên thế giới, chúng ta dễ thấy: trong nửa đầu tháng 2, phần lớn đều có giọng sôi sục phấn khởi; nhưng bước sang nửa sau tháng 2, khi các cuộc nổi dậy ở Tunisia và Ai Cập đã chấm dứt, cuộc nổi dậy ở những nơi khác hoặc khựng lại hoặc bị phản công kịch liệt, trong giọng điệu của giới bình luận gia chính trị thấp thoáng xuất hiện một nỗi gì như bất an.

Lý do bất an đầu tiên là chưa thấy có dấu hiệu lạc quan nào về các cuộc xuống đường của dân chúng ở các nước như Bahrain, Yemen, Iran, Algeria, Morocco, Sudan, Syria và Libya. Ở đâu chính phủ cũng phản công dữ dội; riêng ở Libya thì phải nói là đẫm máu. Trận chiến giữa hai bên, dân chủ và độc tài, còn rất gay cấn. Phép lạ xảy ra ở Tunisia và Ai Cập trong vòng mười mấy ngày có vẻ khó xuất hiện ở những nơi khác.

Lý do bất an khác là, trước các cuộc cách mạng cũng như nổi dậy hiện nay, quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất không chừng là Iran. Chứ không phải là Mỹ: hầu hết chính phủ bị sụp đổ là những người vốn thân Mỹ và từng ủng hộ Mỹ. Các quốc gia thân Mỹ khác đều lần lượt bị đe dọa. Trước hết là Saudi Arabia, nơi đang lo ngay ngáy từng ngày là dân chúng, đặc biệt giới trẻ, sẽ bắt chước đồng bạn ở các nước láng giềng, cũng xuống đường đòi tự do và dân chủ; và cũng là nơi đang có nguy cơ bị vây bọc bởi các nước, tuy cũng là Hồi giáo nhưng là Hồi giáo theo phái Shiite, khác với Hồi giáo ở Saudi Arabia chủ yếu là Hồi giáo theo phái Sunni. Xin lưu ý: Hồi giáo ở Iran chủ yếu là Hồi giáo theo phái Shiite. Nếu chính quyền mới ở Ai Cập và Tunisia cũng như lực lượng nổi dậy ở các nước khác lọt vào tay nhóm Hồi giáo Shiite như ở Iran, thế lực của Iran sẽ tăng vọt. Trong mấy năm qua, thế lực của họ đã tăng rất đáng kể, đặc biệt qua các nhóm do họ bảo trợ: Hamas ở Palestine và Hezbollah ở Lebanon. Đó là chưa kể ảnh hưởng của họ càng ngày càng lớn ở Afghanistan và Iraq.

Nhưng lo nhất là không biết các cuộc cách mạng vừa qua sẽ đi đến đâu.

Kinh nghiệm lịch sử cho thấy: bắt đầu cách mạng thì dễ; kết thúc mới khó. Bởi vậy không hiếm các cuộc cách mạng mở đầu bằng những khúc anh hùng ca nhưng lại kết thúc toàn với bi kịch. Các cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở đầu thế kỷ 20 là như vậy: Chúng mở đầu bằng việc lật đổ một giai đoạn nô dịch nhưng lại kết thúc bằng một giai đoạn nô dịch khác còn tệ hại hơn. Ở Nga, chế độ Nga hoàng được thay thế bằng chế độ chuyên chính với những kỹ thuật áp bức và giết chóc khốc liệt hơn, tinh vi hơn và cũng quy mô hơn. Ở Đông Âu, cách mạng chủ yếu đến từ bên ngoài, từ Liên Xô đổ ập xuống, đè bẹp số phận của mọi người, bóp nghẹt tất cả mọi quyền tự do và dân chủ. Ở Trung Quốc, chế độ độc tài nửa vời của Tưởng Giới Thạch được thay thế bằng chế độ toàn trị tuyệt đối của Mao Trạch Đông: Nếu Tưởng Giới Thạch chỉ đàn áp kẻ thù, Mao Trạch Đông đàn áp hầu như tất cả mọi người, từ thù đến bạn, kể cả các đồng chí gần gũi nhất. Nếu Tưởng Giới Thạch chỉ giết từng người, Mao Trạch Đông giết người hàng loạt, lúc nào cũng nhân danh cách mạng, hết cách mạng giải phóng dân tộc đến cách mạng xã hội chủ nghĩa, từ kiểu cách mạng bạo lực đến cách mạng văn hóa.

Ở Việt Nam cũng thế. Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc năm 1945 đáng lẽ sẽ tuyệt đẹp nếu không bị giết chết một cách tức tưởi bằng cuộc cách mạng gọi là xã hội chủ nghĩa ngay sau đó. Cuộc cách mạng tháng Tám từng làm ngây ngất nhiều người, đi vào thơ và nhạc, trở thành một huyền thoại, lôi cuốn không những giới trẻ mà cả những người đã trưởng thành và thành danh trước năm 1945, không những giới bình dân mà cả giới trí thức và văn nghệ sĩ. Thế nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, ở đâu cũng nghe những tiếng gào thét và rên rỉ. Hết chỉnh huấn chỉnh quân đến cải cách ruộng đất, đàn áp Nhân Văn Giai Phẩm, chống xét lại, diệt tề diệt ngụy, đánh tư sản mại bản, đuổi dân đi kinh tế mới, lùa sĩ quan chế độ cũ vào trại học tập cải tạo, kiểm soát ngặt nghèo dân chúng bằng chế độ hộ khẩu và sổ lương thực, v.v... Ở đâu cũng có máu và nước mắt.

Với những kinh nghiệm như thế, người ta không thể không lo lắng khi nhìn vào các cuộc cách mạng hiện nay ở Ả Rập. Người ta tự hỏi: sau khi các chế độ độc tài cáo chung, các nước ấy sẽ bước vào giai đoạn dân chủ hay sẽ lại trở thành những quốc gia Hồi giáo cực đoan theo kiểu Iran?

Không ai biết được.

Không biết được nên mới lo.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG