Đường dẫn truy cập

Vụ truy tố ký giả: Phép thử về tự do báo chí ở Thái Lan


Ông Alan Morison và nhà báo Chutima Sidasathien phát biểu trước truyền thông trước khi ra tòa ở Phuket, Thái Lan, hôm 14/7/2015.
Ông Alan Morison và nhà báo Chutima Sidasathien phát biểu trước truyền thông trước khi ra tòa ở Phuket, Thái Lan, hôm 14/7/2015.

Tại Thái Lan, một vụ án hình sự về tội phỉ báng do Hải quân Hoàng gia Thái Lan kiện một nhà phát hành người Australia và một nhà báo người Thái Lan một lần nữa nêu bật sự đàn áp của chính quyền quân nhân đối với giới truyền thông.

Nhà phát hành người Australia, ông Alan Morison, và nữ ký giả Chutima Sidasathian, người Thái Lan, đang đối mặt với án tù 7 năm vì những cáo trạng liên quan tới một bản tin hồi tháng 6 năm 2013 đăng trên trang mạng Phuketwan của họ.

Bản tin này trích dẫn một bài tường thuật của hãng thông tấn Reuters về những đường dây đưa người Hồi giáo Rohingya từ Miến Điện vượt biên sang Thái Lan.

Bản tin gốc tố cáo “lực lượng hải quân Thái” hưởng lợi từ những hoạt động đưa lậu người, nhưng Phuketwan nói rằng đó không phải là một sự đề cập trực tiếp tới Hải quân Hoàng gia Thái Lan.

Hồi đầu tuần này, ông Morison và bà Chutima đã ra tòa về tội phỉ báng. Hãng thông tấn Reuters, cơ quan mà các ký giả của họ ở Thái Lan đã đoạt giải Pulitzer nhờ việc tường thuật về người Rohingya năm 2013, không bị truy tố.

Ủng hộ tự do truyền thông

Các ký giả của Reuters đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi trên trường quốc tế từ các tổ chức nhân quyền và giới truyền thông, cũng như của Liên Hiệp Quốc. Ông Morison cho biết ông cảm thấy vui mừng trước sự kiện này.

"Thật là tuyệt vời khi biết được có rất nhiều người ủng hộ khái niệm tự do truyền thông và tự do diễn đạt. Sự kiện này có thể nói là một sự hội tụ hoàn hảo vì vấn đề người Rohingya rất rõ ràng và vấn đề cần có tự do truyền thông và dân chủ cũng vậy".

Trang tin Pukhetwan đã tường thuật về những hoạt động đưa lậu người cách nay rất lâu. Tháng 5 năm nay, Thái Lan rốt cuộc đã phát động một chiến dịch trấn áp dẫn tới chỗ bắt giữ mấy mươi người và phát giác khoảng 200 ngôi mộ tập thể, phần lớn là của người Rohingya theo đạo Hồi, ở miền nam Thái Lan và lân bang Malaysia.

Trước đây các nhà báo của Phuketwan đã khước từ đề nghị của Hải quân Hoàng gia Thái Lan là công khai xin lỗi để đổi lấy việc hủy bỏ vụ kiện. Các nhà báo nói rằng họ không phải xin lỗi vì chu toàn công việc của mình.

Giáo sư Benjamin Zawacki của Đại học Luật khoa Havard cho rằng vụ án này là phép thử về tự do truyền thông ở Thái Lan.

"Tôi không nghĩ là họ sẽ thật sự ngồi tù nhưng tôi cũng không nghĩ là họ sẽ xin lỗi, và như vậy, chúng ta sẽ thấy một trình tự pháp lý trong đó vụ án hoặc được hủy bỏ hoặc tòa sẽ kết án; nhưng họ sẽ được tha tội hoặc phải đóng một khoản tiền phạt có tính chất tượng trưng và một án treo, hay những thứ đại loại như vậy. Đó là những gì mà tôi dự kiến".

Theo dự liệu, phán quyết sẽ được toà án loan báo vào trung tuần tháng 8.

Nên hủy bỏ cáo trạng

Ông Kingsley Abbot, cố vấn pháp luật của Hội Luật gia Quốc tế, cho rằng chính phủ Thái Lan nên hủy bỏ các cáo trạng thay vì để cho vụ xét xử này được xúc tiến.

"Quan tâm chính của chúng tôi vào lúc này là hai nhà báo được có một cuộc xét xử công bằng và tôi chỉ có thể lặp lại lời yêu cầu trước đây là những cáo trạng này phải được hủy bỏ ngay tức khắc và vô điều kiện. Lý do chính của yêu cầu đó là chúng tôi có những mối quan tâm về sự lợi dụng những luật lệ hình sự về tội phỉ báng để đàn áp quyền tự do ngôn luận".

Tự do truyền thông ở Thái Lan đã bị sút giảm trong nhiều năm qua, kể cả dưới thời của những chính phủ dân sự, như chính phủ của Thủ tướng bị lật đổ Yingluck Shinawatra.

Hội nhà báo không biên giới, bản doanh ở Paris, năm 2014 đã hạ thấp thứ hạng của Thái Lan từ 130 xuống tới 134. Freedom House, một tổ chức độc lập ỡ Mỹ chuyên theo dõi tự do báo chí, xếp Thái Lan vào danh sách các nước mà ngành truyền thông “không có tự do”.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG